Thị trường

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp rượu bia xin hoãn 2 năm vì khó khăn

(VNF) - Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị xem xét chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch.

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Doanh nghiệp rượu bia xin hoãn 2 năm vì khó khăn

Hội thảo ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 15/3.

Ngày 15/3, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức hội thảo ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Góp ý tại hội thảo, ông Đỗ Thái Vương – Trưởng tiểu ban Nước giải khát - VBA, cho hay doanh nghiệp rất chia sẻ với mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi doanh nghiệp đang chịu mức tăng nguyên vật liệu vượt quá khả năng gánh chịu.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm bia, có thể khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm phi chính thống.

“Dù không muốn nhắc lại nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến mọi doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có ngành nước giải khát, bia, rượu. Doanh nghiệp cần môi trường ổn định về thuế phí để quay trở lại mức tăng trước dịch bệnh, đồng thời thực hiện bền vững hơn trong nộp thuế bền vững cho nhà nước”, ông Vương chia sẻ và cho rằng hạn chế lạm dụng rượu bia, nghiêm cấm tham gia giao thông sau khi uống rượu bia... là các biện pháp hiệu quả hơn trong việc hạn chế nguồn gốc gây tác hại của rượu bia.

VBA kiến nghị xem xét chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch, đồng thời không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bên cạnh đó, VBA cho rằng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần được xem xét, thảo luận và thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội; cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật.

TS Phạm Tuấn Khải – chuyên gia luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, cho rằng ban soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần có đánh giá tác động xã hội của điều luật kỹ hơn khi được điều chỉnh như việc phản ứng của doanh nghiệp phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Trong lộ trình xây dựng luật cần quan tâm yếu tố tác động của luật với người tiêu dùng, với kinh tế và xã hội và không nên làm nóng vội, ảnh hưởng đến người làm chính sách và các doanh nghiệp” – ông Khải nói.

Ngày 21/2/2023, Bộ Tài chính đã gửi văn bản số 1585/BTC-VCS lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tới các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, VCCI, các hiệp hội có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của luật, đồng thời đăng tải hồ sơ lấy ý kiến lên website của Bộ Tài chính và Chính phủ.

Nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Tin mới lên