Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thịnh, nguyên là Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).
- Thưa ông, trong giai đoạn thi công xây dựng, ai là chủ thể chính tạo ra chất lượng công trình, có phải là chủ đầu tư?
Ông Lê Văn Thịnh: Tôi xin khẳng định, chủ đầu tư không phải là chủ thể chính tạo ra chất lượng công trình mà đó là nhà thầu thi công. Do đó, Luật Xây dựng 2014 sửa đổi phải làm rõ nét vai trò của nhà thầu thi công là chủ thể chính tạo ra chất lượng công trình.
Hiện nay, các khái niệm về tổng thầu, thầu chính và thầu phụ trong Luật Xây dựng 2014 cùng như Nghị định số 37/2015/NĐ-CP không rõ ràng. Các thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật này làm cho người vận dụng rất khó phân biệt giữa tổng thầu và nhà thầu chính, tổng thầu và nhà thầu quản lý.
Bên cạnh đó, Luật Xây dựng 2014 không quy định về điều kiện năng lực của tổng thầu E, tổng thầu P, tổng thầu C, tổng thầu EC, EP, EC (Design and Build) tổng thầu EPC và tổng thầu chìa khóa trao tay. Trong thực tế, rất nhiều công trình do tổng thầu đảm nhận nhưng họ chỉ làm quản lý, các công việc P, C đều do các nhà thầu phụ của họ thực hiện.
Với mô hình tổng thầu như hiện nay, phải chăng tổng thầu là nhà thầu “tay không bắt giặc”? Tại những công trình vốn ODA, hình thức tổng thầu hiện nay áp dụng phổ biến, giá được tính với giá “ngoại” nhưng chất lượng là “chất lượng nội”.
Với quy định tại Khoản 3, Điều 20 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP thì các nhà thầu như Hòa Bình, Cotecons không thể thực hiện được hình thức tổng thầu EC, EP và D&B vì năng lực thiết kế của họ đâu ra mà làm tổng thầu.
Trường hợp nhà thầu thiết kế làm tổng thầu thiết kế thì nhà thầu này phải đảm nhận thiết kế những hạng mục công trình chủ yếu hoặc công nghệ chủ yếu của công trình và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc thực hiện hợp đồng với bên giao thầu. Nhà thầu thiết kế phụ chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng thiết kế trước tổng thầu và trước pháp luật đối với phần việc do mình đảm nhận.
- Về liên danh các nhà thầu, thuật ngữ nhà thầu liên danh dễ gây hiểu nhầm như nhà thầu liên doanh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi, cần gọi đúng là liên danh các nhà thầu theo quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BXD của Bộ KH&ĐT, quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp.
Xung quanh vấn đề này, Luật Xây dựng cũng cần làm rõ các nội dung: Từng thành viên liên danh phải cử chỉ huy trưởng công trình thực hiện phần công việc đảm nhận hay chỉ cử 1 chỉ huy trưởng chung cho các thành viên; Nếu chỉ có 1 chỉ huy trưởng công trình đảm bảo đủ điều kiện năng theo quy định tại Khoản 2, Điều 157 của Luật Xây dựng thì người này là chỉ huy trưởng của Tổng thầu hay của tất cả các thành viên liên danh. (Do không đủ năng lực thì mới rủ nhau hợp tác, chứ đã đủ năng lực mà lại không làm tổng thầu mà lại liên danh?); Điều kiện năng lực của thành viên liên danh.
Trường hợp thành viên liên danh chỉ có thể thực hiện việc cung cấp vật tư, thiết bị thi công chứ không thi công trực tiếp bất kỳ công việc nào, mọi công việc thi công do thành viên liên danh khác đảm nhận, thì thành viên này có thể được coi là nhà thầu thi công xây dựng được không và được coi là một trong các thành viên liên danh không; Quyền hạn thành viên đứng đầu liên danh.
Vì chưa làm rõ các nội dung trên dẫn đến tình trạng hầu hết cái gọi là Hợp đồng liên danh đang là hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó”, mượn danh/tên của nhau để vào dự thầu. Sau khi trúng thầu thì ủy quyền để thâu tóm.
Chủ đầu tư thì không phân biệt sự khác nhau giữa liên danh và liên doanh nên xét thầu như nhau hoặc cố tình hiểu như nhau để xét thầu. Người ta không xem xét điều kiện năng lực của từng thành viên liên danh tương ứng với phần công việc đảm nhận mà cộng số học, xem liên danh là một pháp nhân.
Ngoài ra, Luật Xây dựng cũng chưa quy định mô hình quản lý chất lượng đối với từng hình thức thầu cũng như hình thức hợp đồng. Theo tôi, cần giám sát thi công xây dựng khi áp dụng trường hợp Tổng thầu EC, EP và EC; Giám sát thi công xây dựng đối với nhà thầu quản lý (như trường hợp Hòa Bình, Cotecons, Vincom, Sungroup…); Giám sát khi áp dụng hình thức tổng thầu chìa khóa trao tay. Còn việc giao cho nhà đầu tư BT tự thuê tư vấn giám sát thì không có hiệu quả.
- Việc quản lý chất lượng thi công xây dựng theo Luật Xây dựng hiện nay đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn chưa, thưa ông?
Trước tiên, việc xử phạt nhà thầu thi công vi phạm quy định về trật tự xây dựng theo Điều 15, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là không thực tế vì nhà thầu không dám làm trái yêu cầu của chủ đầu tư.
Việc quản lý chất lượng đối với vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng theo Điều 24 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP cần bổ sung quy định kiểm tra vật liệu rời (cát, đá, sỏi), đặc biệt là về cát vì QCVN 16: 2017 yêu cát phải có Chứng chỉ hợp quy.
Những tài liệu mà nhà thầu thi công phải viết theo Khoản 3, Điều 25 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP không dễ chút nào. Bản vẽ hoàn công có nhất thiết phải lập trên thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt không? Nếu lập mới thì kiểm soát ra sao?
Chi phí trắc địa, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế do chủ đầu tư hay nhà thầu thi công xây dựng chịu. Do chi phí giám sát tác giả không đủ cho đi lại, ăn ở thì nhà thầu thiết kế không thực hiện giám sát tác giả có được không?
Nội dung về điều kiện để đưa công trình vào sử dụng có trình tự không rõ ràng giữa Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và Thông tư số 26/2016/TT-BXD.
Biên bản nghiệm thu công trình cần phải làm rõ các nội dung như: Có phải lập biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành và biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành có đủ điều kiện để đưa vào sử dụng; Chủ đầu tư nghiệm thu lập biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành hay biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành có đủ điều kiện để đưa vào sử dụng trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra.
Việc quy định chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ một bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình tự lưu trữ các hồ sơ liên quan đến phần việc do mình thực hiện là không phù hợp với thực tế thanh tra, kiểm toán.
Việc bàn giao công trình quy định tại Điều 34 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP chưa rõ quy định ai bàn giao cho ai. Theo tôi cần quy định rõ: B bàn giao cho A và A bàn giao cho C. Quy trình bảo trì công trình xây dựng hiện nay chưa có nhà thầu thiết kế nào viết theo đúng nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
Cần làm rõ các nội dung về quy trình vận hành, khai thác công trình bao gồm các nội dung gì, ai có trách nhiệm phải lập, có cần phê duyệt không, ai sẽ phê duyệt; Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì được thực hiện theo định kỳ như thế nào, định kỳ mấy năm, nội dung kiểm định; Đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng theo định kỳ mấy năm; Các công trình di tích lịch sử phần lớn hết hết thời hạn sử dụng xử lý ra sao.
- Trước thực trạng chất lượng công trình như hiện nay, có không ít ý kiến nghi ngờ về vai trò của tư vấn giám sát thi công xây dựng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng, cần nghiêm túc xem xét sự tồn tại của tư vấn giám sát thi công xây dựng. Bởi, với quy định hiện nay thì chủ đầu tư công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách luôn thuê tư vấn giám sát nhằm chia sẻ trách nhiệm, hợp pháp hóa những tiêu cực về chất lượng; Vai trò của tư vấn giám sát không hiệu quả; Công tác giám sát chỉ là hình thức.
Ở nước ta, người giám sát phần lớn không được làm thiết kế (không nhận được việc, không được phân việc) hoặc không được tham gia thi công, chỉ cần thi sát hạch xong là hành nghề giám sát, dẫn đến nghịch lý: Kỹ sư già thi trượt còn kỹ sư trẻ độ nhớ còn tốt nên sát hạch là đỗ.
Bên cạnh đó, chí phí giám sát đến tay những người giám sát chỉ còn khoảng 40% nên không đủ chi phí đảm bảo cuộc sống nên dễ ra hành động tiêu cực với nhà thầu thi công xây dựng.
Tôi sợ nhất mấy công ty tên Tây-Việt Nam làm giám sát, luật lệ không thông, chuyên môn nghiệp vụ kém nên giám sát không ra hồn. Ở đất nước Nhật Bản, không có quy định về tổ chức tư vấn giám sát, nhưng khi sang Việt Nam, do yêu cầu luật pháp nước ta, họ buộc lòng phải nặn ra cái gọi là tư vấn giám sát, chính vì vậy mà quốc lộ 5 có TAISEI thiết kế, TAISEI thi công và TAISEI giám sát, tóm lại họ phải diễn đủ cả 3 vai.
Theo tôi, nên quy định chủ đầu tư tự tổ chức quản lý chất lượng sao cho hiệu quả nhất chứ không nên quy định hình thức như hiện nay. Chủ đầu tư có thể thuê chuyên gia giỏi, trả phí cao để đảm bảo chất lượng giám sát tốt hơn, nếu phát hiện giữa họ và nhà thầu thông đồng thì chủ đầu tư có thể đuổi ngay.
Các nhà thầu thi công phải tự đảm bảo chất lượng để giữ uy tín của mình. Chế tài là do người chế ra, thấy không phù hợp thì điều chỉnh như đã bỏ quy định về chứng nhận sự phù hợp chất lượng và an toàn công trình.
- Vậy, ông đánh giá thế nào về những quy định về xử lý các vi phạm quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện nay?
Tôi cho rằng, Luật Xây dựng 2014 đang thiếu các chế tài xử phạt mạnh để xử lý các vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Những quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP mới là quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, như vậy chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, các quy định xử phạt trong Luật Xây dựng phải có chế tài mạnh như quy định của pháp luật về xây dựng các nước trong khu vực.
Tóm lại, Luật Xây dựng 2014 tuy có nhiều tác động tích cực nhưng cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào công việc của các chủ thể và không chịu trách nhiệm gì.
Cần dỡ bỏ toàn bỏ việc cấp Chứng chỉ hành nghề và Chứng chỉ năng lực để chuyển sang điều kiện hoạt động xây dựng. Nên viết lại toàn bộ Luật Xây 2014 trên tinh thần của Chính phủ kiến tạo: Tạo hành lang pháp luật, hướng dẫn, kiểm tra các chủ thể và phải có chế tài cụ thể, mọi sai phạm của chủ thể xử lý theo pháp luật.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.