Xe

Subaru Forester bán tại thị trường Việt Nam từng bị khách hàng phản ánh lỗi gì?

(VNF) - Được biết đến là mẫu xe ăn khách và chủ lực của Motor Image Việt Nam (MIV), nhà phân phối độc quyền sản phẩm xe và dịch vụ Subaru tại Việt Nam nhưng gần đây mẫu xe Forester bị khách hàng phản ánh nhiều lỗi khác nhau liên quan tới hệ thống vận hành của xe.

Subaru Forester bán tại thị trường Việt Nam từng bị khách hàng phản ánh lỗi gì?

Subaru Forester bán tại thị trường Việt Nam từng bị khách hàng phản ánh lỗi gì?

Subaru Forester bị khách hàng phản ánh lỗi động cơ

Thời điểm năm 2020, nhiều khách hàng sử dụng mẫu xe Subaru Forester đời mới tại Việt Nam từng phản ánh về hiện tượng đèn báo lỗi động cơ (check engine) bật sáng trong quá trình vận hành.

Theo phản ánh của người dùng, dù sở hữu xe mới mua (mới chạy khoảng 3.000km) nhưng gặp phải hiện tượng đèn báo lỗi động cơ nổi sáng, khiến xe không thể di chuyển và phải khởi động lại xe.

Tại thời điểm đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhanh chóng vào cuộc và yêu cầu làm rõ lỗi kỹ thuật, đồng thời phải báo cáo số lượng xe có hiện tượng nổi đèn báo lỗi động cơ trong giai đoạn 2019-2020.

Trước vụ việc trên, Subaru Việt Nam cho biết hiện tượng nổi đèn báo lỗi động cơ xe Forester chỉ được ghi nhận duy nhất tại thị trường trong nước.

Theo điều tra ban đầu của Tập đoàn Subaru Nhật Bản, nguyên nhân của việc đèn báo kiểm tra động cơ sáng lên là do kim phun nhiên liệu bị nghẹt do bám bẩn. Giải pháp của nhà phân phối đưa ra sau đó là tiến hành kiểm tra và thay thế kim phun nhiên liệu cho khách hàng.

Subaru Forester gặp hiện tượng rò rĩ mỡ rotuyn lái

Đầu tháng 6/2022, một số khách hàng đang sử dụng mẫu xe Subaru Forester lại phản ánh về hiện tượng rô tuyn (rotuyn) thước lái của xe bị xì mỡ mà không rõ nguyên nhân được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn lớn về ô tô.

Theo thông tin trên VOV, anh N., chủ xe Subaru Forester phát hiện rô tuyn thước lái bị xì mỡ khi chiếc xe chỉ mới chạy được 22.000km và được mua vào tháng 2/2020.

Không chỉ anh N., một khách hàng khác tại Hà Nội sở hữu chiếc Forester cũng gặp hiện tượng tương tự như anh N.. Điều đáng nói là chiếc xe củaa người này không được thay mới mà chỉ vệ sinh phần xì mỡ rồi cho về theo dõi tiếp.

Đa số người dùng phản ánh hiện tượng xì mỡ rô tuyn thước lái chỉ xảy ra trên các mẫu Forester được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2019-2020 (nhập khẩu Thái Lan).

Trước vụ việc trên, Subaru Việt Nam cho biết đã làm việc với đại lý ủy quyền phụ trách để điều tra và làm rõ hơn các phản ánh của khách hàng liên quan đến hiện tượng xì mỡ rô tuyn thước lái. Hãng cũng đã ghi nhận 3 trường hợp xe Forester sản xuất năm 2019 có hiện tượng rô tuyn (rotuyn) thước lái bị xì mỡ và đang tìm hiểu nguyên nhân.

Đại diện Subaru Việt Nam cũng khuyến cáo nếu xe của khách hàng nào gặp hiện tượng tương tự, công ty khuyến khích khách hàng mang xe đến ngay trung tâm dịch vụ ủy quyền chính hãng để được hỗ trợ.

Subaru Forester từng bị triệu hồi với nhiều lỗi khác nhau

Cụ thể, tính riêng trong năm 2019, mẫu xe Subaru Forester bán tại thị trường Việt Nam từng bị triệu hồi tới 3 lần do nhiều lỗi khác như: lỗi hệ thống phanh, lò xo xu-páp động cơ trên các xe này có nguy cơ bị nứt gãy hay lỗi đai ốc không được vít chặt.

Cụ thể, tháng 2/2019, Công ty TNHH Hình Tượng ô tô Việt Nam – đơn vị nhập khẩu, phân phối chính hãng các dòng xe Subaru tại Việt Nam từng phải thông báo triệu hồi đối với 18 xe, bao gồm các mẫu xe: Forester, XV, BRZ sau khi phát hiện lò xo xu-páp động cơ trên các xe này có nguy cơ bị nứt gãy.

Được biết, tất cả các mẫu xe này đều được Công ty TNHH Hình Tượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ nhà máy ở Nhật Bản và đã phân phối đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, các mẫu Subaru Forester nằm trong diện ảnh hưởng được sản xuất năm 2012, BRZ sản xuất năm 2013 và XV sản xuất từ 2012 – 2013.

Nguyên nhân chính dẫn đến đợt triệu hồi lần này là do trong quá trình sản xuất, dung sai đường kính lò xo xu-páp thuộc hệ thống động cơ thiết kế chưa phù hợp. Trong thành phần vật liệu chế tạo lò xo xu-páp bị lẫn tạp chất siêu nhỏ làm cho độ bền của lò xo bị giảm xuống trong quá trình hoạt động dẫn đến tình trạng nứt, gãy lò xo khiến cho động cơ không thể hoạt động.

Đến tháng 3/2019, Subaru Nhật Bản tiếp tục thông báo triệu hồi đối với 4 dòng xe do lỗi hệ thống phanh, gồm Forester (sản xuất từ 2014 đến 2016), WRX (2011-2014), Impreza (2008-2016) và các mẫu xe XV (2012-2017). Trong đó thị trường tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình sử dụng xe, một số chất lỏng, chất tẩy rửa có chứa silicone có thể xâm nhập vào công tắc đèn phanh, làm ảnh hưởng đến hoạt động của vi mạch.

Tháng 10/2019, “vận đen” tiếp tục ập đến với Subaru Forester khi hãng này phải triệu hồi 168 xe Forester 2.0L tại Việt Nam, được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2015 – 2018.

Được biết, trên các xe bị ảnh hưởng, đai ốc lắp ống xả phía trước với nắp máy động cơ có thể được xiết không đủ lực trong quá trình lắp ráp tại nhà máy. Nếu đai ốc này không được xiết đủ lực, có thể xuất hiện tiếng ồn lạ và xảy ra tình trạng rò rỉ khí xả ra bên ngoài khi xe đang vận hành.

Nguyên nhân được xác định là do các hướng dẫn thiếu chính xác và không rõ ràng trên bản vẽ gây ra việc hiểu sai cho công nhân trong quá trình lắp ráp tại nhà máy, dẫn đến việc các đai ốc lắp ống xả phía trước có thể bị thiếu lực xiết theo đúng thiết kế. Chương trình triệu hồi sẽ bắt đầu từ ngày 7/10/2019-7/10/2020.

Subaru Forester từng bị triệu hồi để khắc phục nguy cơ tắt máy do lỗi liên quan đến cuộn đánh lửa gây ra

Tháng 2/2021, Subaru Việt Nam cũng phải triệu hồi 628 chiếc Subaru Forester để kiểm tra và khắc phục nguy cơ tắt máy do lỗi liên quan đến cuộn đánh lửa gây ra. Những chiếc Subaru Forester thuộc diện ảnh hưởng đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, được sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 4 cho đến tháng 10/2019.

Theo đó, những chiếc Subaru Forester được sản xuất trong thời gian trên gặp hiện tượng cuộn đánh lửa trên xe có thể ngắn mạch với hệ quả có thể dẫn đến cuộn dây đánh lửa bị hỏng hoàn toàn và đứt cầu chì, điều này có thể khiến xe bị tắt máy trong khi vận hành. Nguyên nhân được nhà sản xuất xác định là do hộp điều khiển động cơ (ECM) hoạt động không chính xác tại thời điểm dừng động cơ, khiến nắng lượng cung cấp cho cuộn dây đánh lựa vượt mức cần thiết.

Tin mới lên