Bất động sản

Sungroup muốn có cơ chế riêng với BĐS du lịch, Hưng Thịnh mong hỗ trợ cho vay cả condotel

(VNF) - Tại hội nghị tín dụng bất động sản sáng nay (8/2), đại diện Tập đoàn Sungroup bày tỏ mong muốn có cơ chế riêng với bất động sản du lịch, trong khi đó đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị nghị nới room, giảm lãi suất, hỗ trợ cho vay cả condotel.

Sungroup muốn có cơ chế riêng với BĐS du lịch, Hưng Thịnh mong hỗ trợ cho vay cả condotel

Sungroup muốn có cơ chế riêng với BĐS du lịch, Hưng Thịnh mong hỗ trợ cho vay cả condotel

Cần coi bất động sản du lịch là ngành sản xuất kinh doanh

Theo đại diện Tập đoàn Sungroup, cần coi bất động sản du lịch là ngành sản xuất kinh doanh nằm trong lĩnh vực ưu tiên chứ không phải hạn chế, kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tháo gỡ tất cả vấn đề về vốn vay, lãi suất. Hiện lãi suất người mua đang ở mức 14-17%/năm, chủ đầu tư cũng lên đến 14%/năm, chi phí tài chính cao dẫn đến hiệu quả đầu tư không có.

Vị đại diện cho biết hiện đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh bất động sản với nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Dù các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa nhưng vẫn không theo kịp thực tế. Đơn cử, với loại hình condotel, hiện chưa có cơ chế để huy động nguồn lực, dẫn đến vướng mắc trong thực thi của cơ quan quản lý địa phương.

"Chúng tôi đề nghị có hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ hết các chồng chéo để doanh nghiệp và khách hàng có kênh đầu tư, kinh doanh hiệu quả, tạo nguồn lực cho xã hội", đại diện Sungroup bày tỏ.

Hưng Thịnh Land đề nghị nới room, giảm lãi suất, hỗ trợ cho vay cả condotel

Cũng tại hội nghị sáng nay, ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết ở một số quốc gia, việc huy động vốn từ trái phiếu là kênh rất tốt cho doanh nghiệp nhưng hiện nay kênh này đang gặp bế tắc. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Khương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ ngành xem xét có phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt thì các trái chủ mới cảm thấy yên tâm đầu tư. 

Theo ông Khương, trong bối cảnh hiện nay, các trái chủ đang rất lo ngại về việc doanh nghiệp có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không... Do đó, để giải quyết vấn đề này, NHNN cần xem xét nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư thì lúc đó doanh nghiệp sẽ tồn tại vững mạnh kéo theo nhà đầu tư trái phiếu sẽ quay trở lại bình thường.

Đối với việc cơ cấu nợ, ngay tại Hưng Thịnh Land và Tập đoàn Hưng Thịnh, vị phó chủ tịch cho biết câu chuyện nhảy nhóm nợ thì chưa nhưng không phải là không nhảy. Nếu NHNN không có chính sách quyết liệt và hỗ trợ trong việc cơ cấu lại nhóm nợ thì đến một thời điểm nào đó thì câu chuyện nhảy nhóm nợ cũng có thể xảy ra.

"Chúng tôi thấy việc gia hạn nợ cũng là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp", ông Khương nói.

Về vấn đề lãi suất hiện đang ở mức rất cao, theo Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, trước đây các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam rất nhiều thì giờ đây gần như không tham gia và họ đang ở tâm thế chờ đợi. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao cũng ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm được đưa ra thị trường.

"Bản thân chúng tôi thời gian qua cũng có kế hoạch xây nhà ở xã hội và chúng tôi cần phải có nguồn vốn huy động nhưng cũng đang gặp bế tắc. Do vậy, chúng tôi đề xuất NHNN và các ngân hàng thương mại nghiên cứu về lãi suất để có một mức phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm phù hợp, vừa túi tiền cho người dân", ông nói.

Ngoài ra, đại diện Hưng Thịnh cho rằng chính sách đối với người mua trong lĩnh vực condotel cũng đang gặp khó khăn. Do đó, ông đề xuất ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho vay đối với sản phẩm này.

>>> Xem thêm: Novaland kiến nghị được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng

Tin mới lên