Diễn đàn VNF

Suy vi và hồi sinh... bền bỉ vượt khó, thành công sẽ đến

(VNF) - Tình trạng suy vi của doanh nghiệp lớn không phải ngoại lệ. Nền kinh tế đã gặp nhiều trở ngại trên chặng đường tăng trưởng, với không ít hệ lụy từ giai đoạn hậu đại dịch.

Suy vi và hồi sinh... bền bỉ vượt khó, thành công sẽ đến

“Bình thường nếu có tiền thì mỗi năm tôi đổi điện thoại một lần, mua tivi to hơn”. Đây là phát biểu gây chú ý trong năm 2023 của ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Công ty CP Thế giới Di động (mã MWG). Tuy nhiên, đó chỉ là một giả định. Một năm Quý Mão đầy gian khó đã qua đi, vị đắng của nó chắc hẳn còn đọng lại trong tâm trí những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu này.

Còn nhớ, cũng quãng thời gian gần Tết Nguyên đán 2017, người viết bài đã có dịp diện kiến ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động. Người đứng đầu doanh nghiệp bán lẻ thuộc loại lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó (vượt qua Saigon Coop Mart) có phong cách giản dị, trang phục đơn giản và cách giao tiếp điềm đạm.

Bối cảnh khi ấy gợi nhớ vị thế “ông hoàng” của doanh nghiệp mà ông Đức Tài dẫn dắt, với tổng doanh thu 44.000 tỷ VNĐ (khoảng 2 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ VNĐ (năm 2016). Có lẽ đó cũng là quá khứ huy hoàng “có tiền” mà ông Hiểu Em, cộng sự của ông Đức Tài, đề cập trong một cuộc họp ĐHCĐ thường niên của Thế giới Di động trong năm vừa qua.    

Còn đây là thực tế của nhà bán lẻ lớn này năm 2023. Tổng doanh thu tính trong tháng 11/2023 chỉ đạt 9.900 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2022, nhưng giảm mạnh so với mức 11.190 tỷ đồng của tháng 10/2023. Nếu tính lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng doanh thu công ty đạt 107.954 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022, chỉ hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu năm 2023 (135.000 tỷ đồng).

Thế giới Di động báo lãi sau thuế chỉ có 38,8 tỷ đồng trong quý 3/2023, biên lợi nhuận gộp là 15,3%, mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Gây xôn xao trong năm 2023 là thông tin công ty cho nghỉ việc gần 12.000 nhân viên. Tuy nhiên, theo thông tin được công ty công bố, tính tới hết quý 3/2023, Thế giới Di động có 68.374 nhân viên, giảm hơn 5.600 người so với thời điểm đầu năm 2023. Họ cũng đã công bố việc đóng cửa gần 150 cửa hàng thuộc chuỗi Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, TopZone trong 2 tháng 10 và 11/2023.

Tình trạng suy vi của doanh nghiệp lớn nói trên không phải ngoại lệ. Nền kinh tế đã gặp nhiều trở ngại trên chặng đường tăng trưởng, với không ít hệ lụy từ giai đoạn hậu đại dịch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng của những “con voi” trong nền kinh tế.

Thế giới Di động phải vật lộn với một thực tế không dễ chịu nhưng đang là trào lưu không thể đảo ngược: mô hình kinh doanh đồ công nghệ và điện máy đã chuyển sang hình thức trực tuyến, cùng với sự bùng nổ không cản được của thương mại điện tử, với câu cửa miệng “Nổ” địa chỉ để chúng tôi ship hàng cho quý khách”. Từ thực tế này lại nói đến câu chuyện cách đây nhiều năm: sự “biến mất” cũng đột ngột không kém, của “khủng long” Nokia, sau khi iPhone xuất hiện và sự lên ngôi của “nhà vua” mới Apple.  



Bất động sản thì không “ship hàng” được, nhưng sự dư thừa quá mức nguồn cung, cộng với những rắc rối và lùm xùm liên quan tới thủ tục, chứng nhận quyền sở hữu, rồi những tranh chấp với cư dân tại nhiều dự án đã hoạt động... đã đẩy nhiều “ông lớn” của ngành vào vòng xoáy khủng hoảng.

Những sóng gió mà các tập đoàn địa ốc lớn phải cố gắng vượt qua trong 12 tháng đầy biến động đã xuất hiện dồn dập trên mặt báo. Thiết nghĩ cũng không cần phải mô tả lại chi tiết. Điều cần suy nghĩ ở đây là gì?

Tại ĐHCĐ thường niên Novaland năm 2023, bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên Hội đồng Cố vấn của Novaland cho rằng, khủng hoảng của công ty bắt nguồn từ những biến động trên thị trường tài chính và thị trường bất động sản, bao gồm vĩ mô; khách hàng không thanh toán đúng hạn; các dự án gặp vướng mắc pháp lý; thiếu vốn, nghẽn dòng tiền và sự nghi ngờ từ đối tác, cổ đông...

“Rất nhiều khách hàng của Novaland không tiếp cận được vốn vay để thực hiện thanh toán đúng hạn”, bà Lan nói.

Tất nhiên, lãnh đạo tập đoàn này cũng tự nhìn lại mình, rà soát toàn bộ hoạt động của Novaland và tự rút ra những sai lầm của mình để tái cơ cấu và phục hồi. Dũng cảm nhận ra cái sai để sửa là tiền đề cho cái đúng, cái mới có cơ hội thay thế cái cũ.

Suy cho cùng, trong nguy có cơ, trong suy có thịnh, cái chết là khởi nguồn cho sự hồi sinh. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân trong giai đoạn 2017-2022.

Cũng theo cơ quan này, số doanh nghiệp hoạt động trở lại năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, số doanh nghiệp mới và “mới mà cũ” đã gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023.

Như lời lãnh đạo một doanh nghiệp công nghiệp chuyên làm ăn với các doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ trước thềm năm mới Giáp Thìn. “Anh có để ý không, hình ảnh phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn, hay con đại bàng tự rỉa lông để tái sinh. Tôi tin vào tâm linh, vào đạo Phật, cho nên tôi luôn tự nhủ và nhắc nhở các cán bộ công nhân viên của mình phải làm việc chăm chỉ và làm cái đúng, làm điều mình tin là đúng. Thành công sẽ đến!”.

Tính chính trực và trách nhiệm giải trình rất cần và rất nên được khuyến khích, nhân rộng như một chất keo kết dính các doanh nghiệp với nhau. Nếu hội tụ đủ 2 đức tính ấy cùng với tư duy “làm điều mình tin là đúng”, chúng ta sẽ không phải đau xót mỗi khi nhắc đến các doanh nghiệp thiếu đi tính liêm chính, như Tân Hoàng Minh và FLC.

Làm giàu cho mình nhưng không được làm nghèo cho đất nước và người khác. Đó là điều các doanh nghiệp phải xác tín trong kinh doanh.  

Tin mới lên