Suzuki Swift bị ‘thất sủng’ tại thị trường Việt Nam

Bảo Minh - 24/09/2020 15:36 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù mang mác xe nhập khẩu và có giá bán cạnh tranh nhưng những điều này cũng không giúp Suzuki Swift chinh phục được người tiêu dùng trong nước.

VNF
Suzuki Swift bị ‘thất sủng’ tại thị trường Việt Nam

Doanh số “èo uột” qua từng tháng

Trái ngược với sự thành công tại thị trường Ấn Độ, mẫu xe Suzuki Swift bán ra ở thị trường Việt Nam lại gặp khó và thất bại thảm hại với doanh số “èo uột” khi so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của mẫu xe Suzuki Swift trong cả năm 2019 chỉ là 1.690 chiếc, thua xa Toyota Yaris, Mazda2.

Doanh số hàng tháng Suzuki Swift chỉ vài chục chiếc hàng tháng

Cụ thể, Swift kém hơn đối thủ Toyota Yaris tới 796 chiếc; còn khi so sánh với Mazda2 thì Swift cũng thấp hơn 972 chiếc. Doanh số của Toyota Yaris và Mazda2 trong cả năm 2019 lần lượt là 2.886 xe và 2.662 xe.

Bước sang năm 2020, doanh số của Suzuki Swift tiếp tục đà “tụt dốc” không phanh khi tháng mở màn của năm mới chỉ bán được duy nhất 1 xe.

Sang tới tháng 2, mẫu xe này không bán được chiếc nào. Tới tháng 3, Suzuki Swift bán được 1 chiếc, tháng 4 bán được 4 chiếc và tháng 5 bán được 18 chiếc.

Các tháng tiếp theo doanh số của Swift ghi nhận mức tăng nhẹ “lẹt đẹt”, chỉ vài chiếc trong từng tháng.

Tháng 8 vừa qua, doanh số của Swift chỉ đạt 21 xe. Cộng dồn doanh số 8 tháng của năm 2020, doanh số của mẫu xe này đạt 125 chiếc, một con số rất khiêm tốn khi so với đối thủ Toyota Yaris (8 tháng đạt 918 xe) và Mazda2 (8 tháng đạt 1.413 xe).

Suzuki Swift vì sao “ế” mặc dù có lợi thế về giá bán?

Có nhiều lý do để giải thích cho việc vì sao mẫu xe đô thị Suzuki Swift “ế ẩm” tại thị trường Việt Nam. 

Về thiết kế, so với các đối thủ trong cùng phân khúc, Swift vẫn chưa thực sự nổi bật và thiếu sự hiện đại, trau chuốt trong khi các đối thủ đã bước sang thế hệ mới. Cộng thêm vào đó là những trang bị tiện nghi trên Swift chỉ dừng lại ở mức đủ dùng và không được chú trọng, nâng cấp nhiều.

Có thể thấy, các đối thủ cạnh tranh với Swift đều liên tục cập nhật, cải tiến nhiều chi tiết về thiết kế lẫn trang bị tiện nghi theo từng năm, thậm chí là ra mắt phiên bản mới (Mazda2 mới ra mắt tháng 3/2020). Trong khi đó, Suzuki dường như vẫn tỏ ra khá “lười” trong việc chăm chút cho đứa “con cưng” Swift.

Báo giá phụ tùng mỗi nơi một kiểu cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng "quay lưng" với xe Suzuki

Ngoài “lười” nâng cấp và thay đổi, Suzuki tại Việt Nam còn “lười” quảng bá thương hiệu của mình. Những sự kiện ra mắt xe mới cũng như các chiến dịch ưu đãi, giảm giá đặc biệt cũng ít và nhỏ lẻ, trái ngược với hướng đi của các đối thủ khác.

Thêm một lý do khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thất bại của Suzuki Swift tại Việt Nam đó là các chương trình ưu đãi, khuyến mãi của hãng từ trước đến nay hầu như là không nhiều. Chỉ khi đến thời gian gần đây, khi thị trường ô tô Việt Nam bùng nổ cuộc chạy đua về giá nhằm kích cầu tiêu dung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Suzuki mới nhập cuộc để tránh khỏi việc bị “đào thải”.

Chưa hết, mạng lưới hệ thống đại lý, chăm sóc bảo dưỡng xe thưa thớt, phụ tùng thiếu và giá phụ tùng không minh bạch cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho Suzuki Swift ngày càng thất thế trước những đối thủ vốn dĩ đã quá mạnh tại thị trường Việt Nam.

Chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 1996, sau hơn 21 năm hoạt động, Suzuki dường như ngày càng trở nên “đuối sức” so với những thương hiệu sừng sỏ khác.

Sự thất bại của Suzuki Swift tại thị trường Việt Nam hầu hết đều xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan. Nếu thực sự muốn “thoát ế” và tráng bị đào thải trên “đấu trường” ô tô Việt Nam, có lẽ Suzuki phải chăm chút nhiều hơn nữa cho đứa “con cưng” Swift, cũng như làm mới chính mình bằng nhiều chiến dịch, chiến lược cụ thể và lâu dài.

Xem thêm: Đề xuất giảm thuế mới, ô tô sẽ tiếp tục giảm giá?

Cùng chuyên mục
Tin khác