Báo cáo bán hàng mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy 3 mẫu ô tô của Suzuki Việt Nam gồm: sedan hạng B Ciaz, MPV đa dụng Ertiga và mẫu hatchback hạng B Swift tiếp tục lọt vào danh sách 10 mẫu xe “ế ẩm” nhất trên thị trường.
Đầu tiên là Suzuki Ciaz, mẫu sedan hạng B cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc như Toyota Vios, Honda City, hay Hyundai Accent. Theo báo cáo bán hàng được hãng công bố, doanh số của Suzuki Ciaz trong cả tháng 10/2021 chỉ bán được vỏn vẹn 3 chiếc. Trong khi đó, doanh số của các đối thủ cao gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.
Cụ thể, doanh số của Hyundai Accent trong tháng 10/2021 là 3.346 xe, cao gấp 1.115 lần doanh số Ciaz; Toyota Vios (doanh số 1.748 xe) gấp 583 lần.
Bị người tiêu dùng trong nước quay lưng, mẫu xe Suzuki Ciaz lại ngừng phân phối tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê, năm 2017, tổng số xe Suzuki Ciaz được bàn giao tới tay khách hàng là 359 chiếc. Sang năm 2018, doanh số của Ciaz bất ngờ sụt giảm xuống còn 261 chiếc trong cả năm.
Năm 2019, Suzuki Việt Nam bán ra tổng số 1.117 chiếc Ciaz. Tuy nhiên, doanh số này còn thua xa so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc như: Toyota Vios (27.180 chiếc), Hyundai Accent (19.719 chiếc), Honda City (9.702 chiếc), Mazda2 (2.074 chiếc) hay Kia Soluto (3.419 chiếc).
Trên thị trường, mẫu sedan hạng B Ciaz của Suzuki Việt Nam không được người tiêu đùng đánh giá cao nếu so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc.
Một trong những điểm trừ của Suzuki Ciaz đó là động cơ khá yếu khi chỉ là loại có dung tích 1,4 lít, công suất chỉ 91 mã lực, điều này khiến xe bị ì nếu muốn tăng tốc trên đường hay vượt xe khác. Cùng với đó, Suzuki Ciaz vẫn dùng loại hộp số 4 cấp được cho là đã lạc hậu, trong khi các đối thủ cùng phân khúc hầu hết đã sử dụng hộp số 6 cấp hoặc CVT.
Tính năng tiện ích cho người dùng là một trong những yếu tố quan trọng để khách hàng “xuống tiền”, tuy nhiên ở Ciaz các trang bị trên xe khá nghèo nàn và chỉ ở mức là đủ dùng. Đặc biệt là xe không được trang bị hệ thống cân bằng điện tử, trong khi hầu hết các mẫu xe hiện nay đều được trang bị hệ thống này.
Suzuki Ertiga chỉ bán được 8 xe trong cả tháng 10/2021
Cũng theo báo cáo bán hàng của VAMA, doanh số của Suzuki Ertiga bán ra trong tháng 10/2021 chỉ có 8 xe rời khỏi đại lý. Con số này kém xa trước đối thủ cạnh tranh là Mitsubishi Xpander (doanh số 1.067 xe) tới 1.059 xe. Ở tháng trước đó, doanh số của Suzuki Ertiga là 43 xe, trong khi doanh số của đối thủ Xpander là 283 xe.
Cộng dồn doanh số 10 tháng đầu của năm 2021 Suzuki Ertiga bán ra chỉ đạt 954 xe, con số này thậm chí “chưa thấm vào đâu” so với Mitsubishi Xpander bán ra chỉ tính riêng trong tháng 10/2021 (doanh số 1.067 xe).
Một trong những lý do khiến Suzuki Ertiga lâm vào cảnh “bết bát” một phần là do thiết kế của xe già dặn và lỗi thời, cùng với đó là sự “hụt hơi” về trang bị tiện ích, an toàn trên xe trước đối thủ cạnh tranh khiến nhiều khách hàng đắn đo trước khi xuống tiền.
Tương tự như Suzuki Ciaz và Swift, Suzuki Ertiga cũng là mẫu xe khá kén khách tại Việt Nam
Nếu so sánh về kích thước, Suzuki Ertiga hoàn toàn lép vế trước Mitsubishi Xpander cả về kích thước chiều dài, rộng và cao. Cụ thể, thông số của Mitsubishi Xpander lần lượt là 4.475 x 1.750 x 1.730 (mm), trong khi đó, thông số tương tự trên Suzuki Ertiga là 4.395 x 1.735 x 1.690 (mm). Chiều dài cơ sở của Xpander “nhỉnh” hơn Ertiga giúp mẫu xe này có không gian nội thất rộng rãi hơn.
Cùng chung cảnh ngộ, Suzuki Swift cũng là cái tên quen thuộc của Suzuki Việt Nam thường xuyên góp mặt vào nhóm danh sách các mẫu xe “ế ẩm” nhất trên thị trường trong từng tháng. Trong tháng 10/2021, chỉ có 64 xe được bàn giao tới tay khách hàng. Cộng dồn doanh số từ đầu năm đến nay chỉ có 414 xe. Đáng chú ý, trong cả năm 2020 mẫu xe Suzuki Swift chỉ bán được 648 xe.
Trang bị trên xe Suzuki Swift lạc hậu và nghèo nàn hơn 2 đối thủ cạnh tranh Mazda2 hatchback và Toyota Yaris
Suzuki Swift bán tại Việt Nam chỉ có duy nhất một phiên bản với giá bán 549 triệu đồng. Việc khách hàng “quay lưng” đối với Suzuki Swift là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi Swift thua kém Mazda2 hatchback và Toyota Yaris về trang bị.
Cụ thể, trang bị an toàn trên Swift chỉ dừng lại ở mức cơ bản với hệ thống chống bó phanh, phân phối lực phanh điện tử, hỗ trợ phanh khẩn cấp,… Trong khi đó, đối thủ Toyota Yaris được hãng trang bị nhiều tính năng an toàn hơn như hệ thống kiểm soát lực kéo, cân bằng điện tử, khởi hành ngang dốc, hệ thống kiểm soát hành trình, camera lùi, cảm biến đỗ trước/sau và có 7 túi khí an toàn.
Suzuki Swift cũng “hụt hơi’ trước Mazda2 hatchback khi mẫu xe do Thaco Trường Hải phân phối được trang bị hệ thống an toàn chủ động thông minh i-Activsense với các tính năng an toàn cao cấp nhất trong phân khúc như hệ thống hỗ trợ phanh thông minh trong thành phố, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo chệch làn đường, lưu ý người lái nghỉ ngơi,…
Có nhiều lý do để giải thích cho việc “ế ẩm” của các mẫu xe Suzuki tại thị trường Việt Nam. Đầu tiên, nếu xét về thiết kế thì so với các đối thủ trong cùng phân khúc, những “đứa con” của Suzuki vẫn chưa thực sự nổi bật và thiếu sự hiện đại, trau chuốt.
Thứ hai, những trang bị tiện nghi của xe mới chỉ dừng lại ở mức đủ dùng và không được chú trọng, nâng cấp nhiều qua các phiên bản.
Thứ ba, mạng lưới hệ thống đại lý, chăm sóc bảo dưỡng xe thưa thớt. Theo thống kê cho đến nay, chỉ có 38 đại lý Suzuki hoạt động trên toàn quốc, đa số các đại lý này chỉ đạt tiêu chuẩn 3S. Trong khi đó, các đối thủ khác như Toyota, Hyundai hay Honda đều sở hữu mạng lưới hệ thống rộng lớn, đạt tiêu chuẩn 5S.
Chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 1996, sau hơn 25 năm hoạt động, Suzuki dường như ngày càng trở nên “đuối sức” so với những thương hiệu sừng sỏ khác. Mặc dù nếu so về thâm niên hoạt động thì các đối thủ như Toyota, Honda cũng chỉ xuất hiện sớm hơn Suzuki chỉ vỏn vẹn 1 năm nhưng hai thương hiệu này lại đang rất thành công.
Có thể nói, sự thất bại của Suzuki tại thị trường Việt Nam hầu hết đều xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan. Nếu thực sự muốn "thoát ế" và vươn lên vị trí cao trên “đấu trường” ô tô Việt Nam, có lẽ Suzuki phải thay đổi và đầu tư, chăm chút nhiều hơn nữa cho những mẫu xe cũng như làm mới mình bằng nhiều chiến dịch, chiến lược cụ thể.
Xem thêm: Bị khách hàng ‘quay lưng’, Suzuki Ciaz lại ngừng phân phối