Tài chính tuần qua: Coteccons báo lỗ quý III, F.I.T muốn thoái 10% vốn công ty con

Hải Đường - 31/10/2021 10:04 (GMT+7)

(VNF) - Loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III; Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; Tập đoàn F.I.T muốn thoái gần 10% vốn công ty con;… là những tin tức tài chính đáng chú ý tuần qua.

VNF
Tập đoàn F.I.T muốn thoái gần 10% vốn công ty con là một trong những tin tức tài chính đáng chú ý tuần qua

FPT Retail (FRT): Lãi 9 tháng gấp 8 lần cùng kỳ, hoàn thành 114% kế hoạch năm

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) cho biết kết thúc 9 tháng năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 14.018 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 85% kế hoạch cả năm 2021.

Trong đó doanh thu chuỗi Long Châu đạt 2.529 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty đạt 137 tỷ đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 114% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2021.

Báo cáo của FPT Retail cũng cho biết doanh thu online 9 tháng năm 2021 đạt 4.610 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với 9 tháng năm 2020 và chiếm 33% tổng doanh thu hợp nhất FPT Retail.

Doanh thu laptop của FPT Retail 9 tháng năm 2021 đạt 3.350 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết thúc 9 tháng năm 2021, chuỗi FPT Shop đạt 630 cửa hàng, mở thêm 34 cửa hàng so với đầu năm 2021.

Tại ngày 30/9/2021, Long Châu sở hữu 308 nhà thuốc, mở mới 108 nhà thuốc so với đầu năm, trong đó tính riêng quý III, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, Long Châu vẫn mở bán 40 nhà thuốc. 

>>> Xem thêm: FPT Retail (FRT): Lãi 9 tháng gấp 8 lần cùng kỳ, hoàn thành 114% kế hoạch năm

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lãi bình quân gần 15 tỷ đồng mỗi ngày

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận 17.679 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp đạt 644 tỷ đồng, gấp tới 2,3 lần thực hiện trong quý III/2020.

Trong kỳ, BSR có 291 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 118% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính tăng khá cao, hơn 57% lên 147,6 tỷ đồng; tương tự, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 26% và 118% so với cùng kỳ, đạt trên 103 tỷ đồng và 207 tỷ đồng.

Kết quả, BSR ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III đạt 476 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 3 quý năm 2021, BSR ghi nhận 66.588 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 63% so với cùng kỳ, trong đó chiếm tới 23.155 tỷ đồng là doanh thu từ DO 0,05% S và hơn 21.282 tỷ đồng là từ Mogas 95.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 3.998 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 4.095 tỷ đồng. Với kết quả này, BSR đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và vượt gần 360% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

>>> Xem thêm: Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lãi bình quân gần 15 tỷ đồng mỗi ngày

Hải An (HAH): Lợi nhuận quý III lập đỉnh lịch sử, mỗi tháng thu lãi hơn 33 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 475 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí giá vốn cũng tăng, nhưng không đáng kể, giúp cho HAH thu về 140 tỷ đồng lợi nhuận gộp, cao hơn 3 lần quý III/2020. Biên lãi gộp tăng gấp đôi lên 30%.

Khấu trừ các loại chi phí, HAH báo lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng trong quý III, tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi lên sàn của HAH.

Lũy kế 9 tháng, HAH báo cáo doanh thu thuần tăng 55% và lợi nhuận sau thuế tăng 210% cùng kỳ lên 1.284 tỷ đồng và 284 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và vượt 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

>>> Xem thêm: Hải An (HAH): Lợi nhuận quý III lập đỉnh lịch sử, mỗi tháng thu lãi hơn 33 tỷ đồng

Sabeco: Lợi nhuận quý III lao dốc, giảm còn 1/3 so với cùng kỳ là một trong những tin tức tài chính đáng chú ý tuần qua

Sabeco: Lợi nhuận quý III lao dốc, giảm còn 1/3 so với cùng kỳ

Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 4.282 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vốn giảm chậm hơn ở mức 44%, làm lãi gộp quý III của Sabeco lao dốc 54% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.141 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, chi phí giảm mạnh 89%, ghi nhận 2,7 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ giảm 7%, giúp Sabeco đạt hơn 220 tỷ đồng lợi nhuận tài chính trong kỳ, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Không chỉ giảm chi phí tài chính, Sabeco còn đẩy mạnh tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lần lượt thấp hơn cùng kỳ 19% và 24%, đạt tổng giá trị hơn 767 tỷ đồng.

Sabeco báo lãi sau thuế quý III chỉ bằng khoảng 1/3 mức thực hiện cùng kỳ, đạt gần 472 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt 17.369 tỷ đồng và 2.529 tỷ đồng, tương ứng giảm 14% và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2020.

>>> Xem thêm: Sabeco: Lợi nhuận quý III lao dốc, giảm còn 1/3 so với cùng kỳ

Bamboo Capital (BCG): Lãi sau thuế quý III gấp 3 lần cùng kỳ

Quý III/2021, doanh thu thuần của Bamboo Capital (HoSE: BCG) đạt 457 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhờ giá vốn giảm sâu, lợi nhuận gộp chỉ giảm 1,3%, đạt 221 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp vì vậy mà cải thiện mạnh mẽ từ 28,6% lên 48,3%.

Trong quý, BCG ghi nhận doanh thu tài chính đạt 596 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần quý III năm trước. Dù chi phí tài chính tăng gấp 3 lần lên 435 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 82% lên 77 tỷ đồng, BCG vẫn báo lãi trước thuế 270 tỷ đồng và lãi sau thuế 218 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,6 lần và 2,8 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của BCG đạt 1.904 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 723 tỷ đồng, tăng gấp đôi.

Doanh thu tài chính tăng cũng tăng gấp 4,5 lần, đạt 1.617 tỷ đồng, đưa lãi trước thuế đạt 868 tỷ đồng, tăng 5,6 lần và lãi sau thuế đạt 701 tỷ đồng, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, BCG đã có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong 9 tháng qua.

>>> Xem thêm: Bamboo Capital (BCG): Lãi sau thuế quý III gấp 3 lần cùng kỳ

FLC Faros lãi quý III vẻn vẹn 188 triệu đồng do Covid-19

Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (HoSE: ROS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần 780 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, với chi phí giá vốn tăng cao hơn, ROS chỉ thu về hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm tới 26% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí lãi vay giảm hơn một nửa còn 10,8 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh từ 1,3 tỷ đồng lên 6 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 4,6 lần cùng kỳ.

Khấu trừ thuế, ROS chỉ lãi sau thuế gần 190 triệu đồng, thấp hơn 86% so với con số đạt được trong quý III/2020.

ROS cho biết nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do đợt bùng phát Covid-19 thứ tư và các biện pháp giãn cách xã hội xảy ra trong quý.

Lũy kế 9 tháng, ROS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.808 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giảm gánh nặng chi phí giá vốn, lãi vay và quản lý doanh nghiệp, ROS báo lãi sau thuế trên 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 150 tỷ đồng.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

>>> Xem thêm: FLC Faros lãi quý III vẻn vẹn 188 triệu đồng do Covid-19

Chịu lỗ trong quý III, đâu là điểm sáng của Coteccons?

Quý III/2021, doanh thu thuần của CTD đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 16,8 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 của cùng kỳ. Biên lãi gộp chỉ đạt 1,56%.

Kết quả rất thấp này trên thực tế không phải là điều bất ngờ, bởi suốt quý III, CTD phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: nhiều tỉnh thành phong tỏa; đặc biệt các công trình ở TP. HCM bắt buộc phải tạm dừng thi công; thị trường bất động sản bất ổn, giá nguyên vật liệu tăng cao. 

Dư âm của công cuộc tái cấu trúc năm 2020 cũng là một yếu tố tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh quý III. Cần nhớ, CTD gần như không ký được hợp đồng mới từ quý II/2020 đến cuối năm 2020. Giá trị hợp đồng ký mới chuyển sang 2021 của công ty chỉ đạt 9.000 tỷ (giảm 57% so với cùng kỳ).

Điểm sáng của CTD trong quý III là doanh thu tài chính tăng khá mạnh, tăng 59% so với cùng kỳ, lên 77 tỷ đồng.

Tuy vậy, điều này là không đủ để "cứu" kết quả kinh doanh. Quý III/2021, CTD báo lỗ sau thuế 11,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 88 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, CTD có doanh thu thuần 6.189 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng, giảm 76%.

>>> Xem thêm: Chịu lỗ trong quý III, đâu là điểm sáng của Coteccons?

Tập đoàn F.I.T muốn thoái gần 10% vốn Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ

Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T (HoSE: FIT) mới đây đã đăng ký bán ra 14,7 triệu cổ phiếu TSC của Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (HoSE: TSC).

Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 29/10 đến ngày 27/11, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Mục đích thực hiện giao dịch theo thông báo của Tập đoàn F.I.T là để cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Số lượng cổ phiêu TSC mà F.I.T muốn bán tương đương 9,956% vốn của Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ. Nếu hoàn tất giao dịch, F.I.T sẽ hạ tổng số lượng nắm giữ xuống còn hơn 60,6 triệu đơn vị, tương đương hạ tỷ lệ sở hữu từ 51,03% xuống còn 41,07%.

Như vậy, với việc đưa tỷ lệ sở hữu về dưới 50%, Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ dự kiến không còn là công ty còn của F.I.T.

Tạm tính theo thị giá của TSC trên thị trường chứng khoán, Tập đoàn F.I.T có thể thu về hơn 164 tỷ đồng sau giao dịch.

>>> Xem thêm: Tập đoàn F.I.T muốn thoái gần 10% vốn Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ

Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp

Đại diện Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, Bộ Tài chính đã và đang tăng cường quản lý giám sát đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung vào nhiều nội dung.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục tuyên truyền, phổ biến quy định mới về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo về các rủi ro đối với các chủ thể khi tham gia thị trường, định hướng các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính trong tháng 10 đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời Bộ cũng chỉ đạo tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu.

Bộ Tài chính cũng đang đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.

>>> Xem thêm: Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra 10 công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.