Ngân hàng

Tăng trưởng lợi nhuận đã đạt đỉnh, dư địa phát triển nào cho các ngân hàng?

(VNF) - Theo VNDirect, chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đã đạt đỉnh trong năm 2017 - 2018 và ngành ngân hàng đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm tốc. Dù vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng trong phân khúc doanh nghiệp tư nhân và tiêu dùng vẫn còn nhiều.

Tăng trưởng lợi nhuận đã đạt đỉnh, dư địa phát triển nào cho các ngân hàng?

Tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh, dư địa phát triển nào cho các ngân hàng?

Tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng phân khúc doanh nghiệp tư nhân và tiêu dùng còn nhiều dư địa

"Chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đã đạt đỉnh trong năm 2017 - 2018 và ngành ngân hàng đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định" - đây là nhận định đáng chú ý của Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra trong báo cáo ngành ngân hàng vừa công bố mới đây.

Đi sâu hơn, VNDirect cho hay tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc trong năm 2019 do Ngân hàng Nhà nước thay đổi trọng tâm sang kiểm soát lạm phát, kéo theo đó là thắt chặt tăng trưởng tín dụng.

Công ty chứng khoán này dự báo năm 2019 và năm 2020, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức khoảng 14-15%.

Dù vậy, theo VNDirect, dư địa tăng trưởng tín dụng trong phân khúc doanh nghiệp tư nhân và tiêu dùng vẫn còn nhiều.

Về phân khúc tiêu dùng, tỷ lệ thâm nhập của tín dụng hộ gia đình ở mức 47,9% GDP vào thời điểm tháng 12/2018 vẫn thấp hơn so với các nước như Thái Lan (78,6%) và Malaysia (82,1%), trong khi các nước này có mức độ tín dụng/GDP tương đương Việt Nam (lần lượt ở mức 128% và 139% so với 130% ở Việt Nam).

Về phân khúc doanh nghiệp tư nhân, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tiếp tục tăng trưởng 16% trong năm 2018 trong khi số lượng doanh nghiệp đóng cửa giảm 5% so với năm 2017.

"Tuy nhiên chúng tôi tin rằng yếu tố chính giúp các ngân hàng thành công trong cạnh tranh ngân hàng bán lẻ là dịch vụ và nhân lực bán hàng. Khả năng phân phối và bán hàng sẽ là các yếu tố quan trọng để chiếm lĩnh thị phần trong phân khúc này. Do đó, ngân hàng có mạng lưới rộng, tập khách hàng lớn sẽ có lợi thế hơn", VNDirect nêu quan điểm.

Riêng đối với phân khúc tài chính tiêu dùng, mặc dù tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đang hạ nhiệt nhưng VNDirect tin rằng phân khúc này vẫn đầy tiềm năng trong dài hạn.

"Chúng tôi tin rằng thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai, với sản phẩm chưa đa dạng và tỷ lệ thâm nhập của thẻ tín dụng còn thấp, do đó còn nhiều dư địa để phát triển. Vì vậy, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của phân khúc này vẫn có thể cải thiện thêm mặc dù lãi suất cho vay đang được kiểm soát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước", các chuyên gia VNDirect cho hay.

Dẫn giải thêm, công ty chứng khoán này cho biết thứ nhất, tài chính tiêu dùng được hỗ trợ bởi mức độ gia tăng tiêu dùng đối với nhà cửa, xe và đồ gia dụng. Ngược lại, tài chính tiêu dùng giúp ngành tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, tạo ra hiệu ứng cấp số nhân đến toàn nền kinh tế. Do tài chính tiêu dùng giúp cho người có thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiếp cận tín dụng nên các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính tiêu dùng để thực hiện chính sách phát triển của chính phủ.

Thứ hai, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam chiếm 17,3% tổng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2018, trong đó dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng (không phải ngân hàng) chỉ chiếm 8,0% tổng tín dụng (trong khi con số này ở nhóm ASEAN- 5 là 34,6% và ở Trung Quốc là 21,0%).

Cùng với đó, tổng mức độ thâm nhập của tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm tín dụng tiêu dùng của ngân hàng và công ty tài chính) ước tính ở mức 22,4% của GDP, thấp hơn các nước trong khu vực. Do đó, lĩnh vực tài chính tiêu dùng vẫn còn dư địa để phát triển từ mức thâm nhập thấp hiện nay.

Chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đã đạt đỉnh trong năm 2017 - 2018

Những biến chuyển đáng chú ý

Nhận định về sự việc NIM tăng khiêm tốn ở một vài ngân hàng, VNDirect cho rằng điều này là do chi phí vốn tăng làm giảm tác động của việc lợi suất tài sản cải thiện.

Theo VNDirect, việc cải thiện NIM là rất quan trọng đối với lợi nhuận của các ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng cho vay bị hạn chế, do thu nhập lãi chiếm đến 80% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Do đó, việc chuyển hướng sang cho vay các phân khúc có lợi suất cao hơn là xu hướng tích cực, thể hiện bởi việc lợi suất tài sản được cải thiện trong các năm gần đây.

"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lợi suất tài sản cao hơn có thể bị bù trừ bởi các yếu tố như yêu cầu chặt chẽ hơn của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu vốn, mà điều này khiến cạnh tranh huy động dài hạn trở nên gay gắt hơn, khiến cho chi phí vốn tăng", công ty chứng khoán này cho hay.

Dẫn chứng thêm về các yếu tố khiến chi phí vốn tăng, VNDirect cho biết về mặt pháp lý, quy định mới yêu cầu tăng hệ số rủi ro với các khoản cho vay, tiền gửi liên ngân hàng và chứng khoán nợ, cùng với đó là "siết" tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, khiến lãi suất huy động có chiều hướng tăng.

"Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ muốn giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp SME và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, gây ra thách thức cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, ngân hàng sẽ không thể chuyển hết phần tăng của chi phí vốn sang lãi suất cho vay", VNDirect nhận định.

Do đó, công ty chứng khoán này dự báo NIM năm 2019 của ngành sẽ chỉ tăng nhẹ, thậm chí đi ngang mặc dù lợi suất tài sản cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng NIM sẽ không giống nhau giữa các ngân hàng do mỗi ngân hàng có độ nhạy với lãi suất tiền gửi và nhu cầu vốn khác nhau. Lợi thế sẽ thuộc về các ngân hàng có dư nợ tín dụng/huy động (LDR) thấp, mạng lưới rộng lớn (giúp huy động dễ dàng hơn) và có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao (giúp giảm chi phí vốn).

Bên cạnh sự thay đổi về NIM, một biến chuyển đáng chú ý khác trong hệ thống ngân hàng là việc tăng trưởng thu nhập ngoài lãi giảm tốc, dù vậy, thu nhập ngoài lãi vẫn chiếm tỷ trọng khá cao.

VNDirect dự báo thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng sẽ gia tăng nhờ thu nhập phí bancassurance và thu hồi nợ xấu, bên cạnh các dịch vụ thu phí thông thường như dịch vụ thanh toán, bảo lãnh và thẻ tín dụng.

Công ty chứng khoán này cho rằng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, sau làn sóng ký hợp đồng phân phối bảo hiểm hồi năm 2017 - 2018.

"Mặc dù đã có một làn sóng hợp tác bancassurance độc quyền trong năm 2017 - 2018, một số ngân hàng vẫn chưa có đối tác bảo hiểm độc quyền. Do đó, các ngân hàng này có tiềm năng lớn cho tăng trưởng thu nhập ngoài lãi mạnh mẽ, đến từ phí trả trước từ các thỏa thuận bancassurance độc quyền mới", VNDirect cho biết

Theo quan điểm của công ty chứng khoán này, một thỏa thuận bancassurance thành công sẽ tạo điều kiện tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ cho các ngân hàng này trong vài năm tới. Do đó, các hợp đồng bancassurance độc quyền sẽ là yếu tố giúp tăng thu nhập cho các ngân hàng này.

Bên cạnh bancassurance, việc cải thiện thu hồi nợ xấu cũng có thể tạo ra thu nhập bất thường cho các ngân hàng, đồng thời giúp giảm chi phí dự phòng tín dụng. Tuy nhiên theo VNDirect, nợ xấu có thể sẽ tăng.

Trong khi nợ xấu tồn đọng trước đây đã được tích cực xử lý, nợ xấu mới vẫn tiếp tục hình thành. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng khác với trước đây, nợ xấu trong quá khứ đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp quốc doanh. Hiện tại, nợ xấu đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân, đặc biệt là ở các ngân hàng bán lẻ.

"Do đó, nợ xấu sẽ tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng mạnh trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng do hoạt động này rủi ro cao; và tăng chậm hơn ở ngân hàng có tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn và việc mở rộng cho vay bán lẻ thận trọng hơn", công ty chứng khoán đánh giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp phát hành thông qua thông tư số 15/2018/TT-NHNN, hiệu lực tháng 8/2018. Do đó, nợ xấu đã tăng vì ngân hàng phải rà soát và phân loại lại nợ xấu của doanh nghiệp.

"Nhìn chung, chúng tôi giữ quan điểm trung lập về ngành ngân hàng trong năm 2019 trong bối cảnh chính sách tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng và khả năng lan tỏa của rủi ro kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng mỗi ngân hàng có những thách thức và cơ hội riêng biệt", VNDirect nêu góc nhìn chung

Tin mới lên