Tài chính quốc tế

Tạo giống lúa biến đổi gen khổng lồ, tham vọng của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến Việt Nam

(VNF) - Giống lúa mới của Trung Quốc có thể mang lại sản lượng cao gấp 2 lần giống lúa thông thường, đe dọa đến vị thế của các nhà xuất khẩu gạo trong khu vực như Thái Lan hay Việt Nam.

Tạo giống lúa biến đổi gen khổng lồ, tham vọng của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến Việt Nam

Giống lúa biến đổi gen của Trung Quốc cho sản lượng gấp 2 giống lúa thông thường.

Mới đây, Trung Quốc đã có vụ thu hoạch thứ 2 của giống lúa biến đổi gen có "kích thước khổng lồ". Được biết, giống lúa này đã được gieo trồng ở vùng đất đai nghèo dinh dưỡng ở Tây Nam, Trung Quốc nhưng mang lại sản lượng vượt xa kỳ vọng.

Theo Tân Hoa Xã, giống lúa biến đổi gen này là một bước đột phá trong nỗ lực tăng cường an ninh lượng thực của Trung Quốc. Giống lúa này này cho năng suất đạt 12,6 tấn/ha, cao gấp 2 lần so với năng suất trung bình của các giống lúa bình thường được trồng ở các nơi có đất phì nhiêu.

Giống lúa biến đổi gen của Trung Quốc có nhiều ưu điểm vượt trội.

Giống lúa biến đổi gen này được Viện Nông nghiệp cận nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phát triển vào năm 2017. Theo Viện nghiên cứu, thân cây của nó có thể cao tới khoảng 2m và có khả năng chống chịu sâu bệnh, lũ lụt tốt hơn so với các giống lúa thông thường.

Ngoài ra, loại lúa khổng lồ này cũng có thể tạo ra môi trường sống tự nhiên cho một số loài thủy sản nông nghiệp, giúp tăng độ phì nhiêu của đất, từ đó người trồng có thể hạn chế sử dụng phân bón hóa học.

Giống lúa khổng lồ này đã được trồng thử nghiệm tại 22 vùng trên khắp Trung Quốc, từ tỉnh Hải Nam, Hắc Long Giang, Quảng Đông cho đến Trùng Khánh. Dự kiến, Trung Quốc sẽ sớm đưa giống lúa biến đổi gen này vào trồng đại trà trong thời gian tới nhằm tăng sản lượng gạo của quốc gia.

Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu các giống cây trồng mới.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hồi tháng 4 đã tuyên bố sẽ tăng xuất khẩu gạo lên 24% trong thập kỷ tới. Tham vọng này của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia chuyên xuất khẩu gạo tại châu Á như Thái Lan hay Việt Nam, tờ SCMP nhận định.

An ninh lương thực luôn là vấn đề cấp thiết và được chính quyền Bắc Kinh quan tâm hàng đầu. Bên cạnh giống lúa biến đổi gen, Trung Quốc còn nghiên cứu và phát triển nhiều loại giống cây trồng khác như sầu riêng, thanh long,… và đã đạt được những thành công nhất định.

Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, lệnh hạn cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cùng những bất ổn địa chính trị đã khiến giá gạo toàn cầu tăng mạnh trong những tháng gần đây. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, chỉ số giá gạo toàn cầu trong tháng 9 đã tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn ở mức cao.

Việt Nam vẫn giữ được vị thế của mình trên thị trường gạo quốc tế. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,61 triệu tấn gạo, tương đương 3,66 tỷ USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 40,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ tính riêng trong tháng 9/2023, nước ta xuất khẩu 800.000 tấn gạo, đạt giá trị 495 triệu USD với đơn giá xuất khẩu bình quân 618 USD/tấn - mức kỷ lục trong hơn 10 năm qua.

Tin mới lên