Bất động sản

'Tay to' Singapore và những thương vụ bất động sản lớn ở Việt Nam

(VNF) - Là quốc gia giàu mạnh nhất ASEAN, không ngạc nhiên khi Singapore bành trướng đầu tư ra toàn khu vực, bằng cả nguồn vốn công và tư. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp của quốc đảo này hiện diện trên nhiều lĩnh vực và đóng vai trò quan trọng ở những nơi mà họ tham gia, đặc biệt là trong mảng bất động sản.

'Tay to' Singapore và những thương vụ bất động sản lớn ở Việt Nam

Ảnh minh hoạ

Từ công đến tư

Với giới đầu tư Việt Nam, Temasek Holdings và GIC (Quỹ đầu tư quốc gia Singapore) là hai cái tên rất quen thuộc. Đây là 2 tổ chức thuộc sở hữu của chính phủ Singapore, không chỉ tham gia vào các tập đoàn lớn nhất của đảo quốc sư tử mà còn đầu tư tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở nước ta, Temasek và GIC được biết đến rộng rãi là “người quen” của Vinhomes – nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam. Không chỉ thế, Temasek, thông qua Mapletree, cũng sở hữu nhiều bất động sản danh tiếng tại Hà Nội và TP. HCM, như: Mplaza (mua lại từ Kumho Asiana), Vico City, Mapletree Business Centre, Pacific Place Hà Nội…

Tuy nhiên, bấy nhiêu nêu trên cũng mới chỉ là một phần trong bức tranh đầu tư bất động sản Việt Nam của giới chủ Singapore, bởi bên cạnh dòng vốn công, các tập đoàn tư nhân cũng là những “tay chơi” rất chuyên nghiệp.

Nổi bật trong số này là CapitaLand – tập đoàn bất động sản lớn nhất châu Á. Danh mục đầu tư của tập đoàn này hiện diện ở hơn 270 thành phố thuộc 41 quốc gia, nhiều nhất là tại Trung Quốc và Australia. Lĩnh vực đầu tư bất động sản của CapitaLand trải rộng trên hầu khắp mảng miếng: văn phòng, bán lẻ, nhà ở, khu công nghiệp, trung tâm dữ liệu…

Tại Việt Nam, CapitaLand đã bắt đầu đầu tư từ năm 1994. Tính riêng mảng nhà ở, tới nay tập đoàn này đã có được 17 dự án, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM, như: Kris Vue, The Krista, The Vista, Mulberry Lane, Seasons Avenue, Vista Verde, PARCSpring, Feliz en Vista, D1Mension, d’Edge Thao Dien, D2eight, De La Sol, Heritage West Lake, Define, Zenity…

Đáng kể, sau gần 30 năm đầu tư riêng lẻ, hồi 2021, CapitaLand đã ký kết với Becamex để phát triển dự án Thành phố mới Bình Dương. Theo đó, tập đoàn này sẽ tiếp nhận quỹ đất từ Becamex để xây dựng khu nhà ở quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, tổng giá trị phát triển dự án trên 18.300 tỷ đồng (tương đương 1,12 tỷ đôla Singapore).

Dự án này sẽ tập trung phát triển các khối nhà ở với tổng diện tích 18,9ha. Dự kiến sẽ có trên 3.700 căn hộ và nhà ở sở hữu lâu dài được xây dựng tại dự án bao gồm nhà ở thấp tầng, trung tầng và cao tầng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 13.000 cư dân. Quá trình xây dựng sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, với giai đoạn đầu bao gồm khoảng 1.300 căn hộ và nhà ở dự kiến diễn ra từ năm 2022-2024. Toàn dự án dự kiến hoàn thiện vào năm 2027.

Bên cạnh động thái trên, một diễn biến đáng nói khác đã là CapitaLand đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang vào đầu năm 2022. Theo đó, CapitaLand dự kiến phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics đầu tiên tại Việt Nam với diện tích khoảng 400ha tại tỉnh Bắc Giang với tổng giá trị cam kết đầu tư đạt 1 tỷ USD.

Ngoài ra, giữa năm 2022, CapitaLand cũng gây xôn xao giới đầu tư Việt Nam khi công bố thông tin mua lại 8ha đất tại TP. Thủ Đức – TP. HCM để xây dựng khu phức hợp (quy mô ước tính 1.100 căn hộ và shophouse) với tổng doanh thu dự kiến khoảng 720 triệu USD. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý IV/2023. Dự án dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2024, hoàn thành vào năm 2027.

Điều rất đáng nói là trong khi thị trường vẫn đang ngóng chờ kết quả của thương vụ đình đám trên thì đầu năm 2023, CapitaLand lại tiếp tục gây “sốc” khi Reuter tiết lộ tập đoàn này đang đàm phán để mua lại một số dự án của Vinhomes với tổng giá trị lên tới 1,5 tỷ USD.

Tới tháng 11/2023, CapitaLand tuyên bố đã thâu tóm xong một lô đất 5,6ha tại khu tây Hà Nội (được cho là một phần Vinhomes Smart City) và sẽ phát triển 9 tòa tháp cao 29 – 35 tầng tại đây vào quý I/2024, tổng giá trị đầu tư ước tính khoảng 18.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ đôla Singapore).

Ngoài CapitaLand, một “ông lớn” khác của Singapore cũng đang hoạt động rất tích cực trên thị trường bất động sản Việt Nam là Keppel Land. Tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 1990 và cho đến nay đã có trong tay danh mục hơn 20 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 3,5 tỷ USD.

Dự án đầu tiên của Keppel Land tại Việt Nam là International Centre – cao ốc văn phòng tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Hà Nội (năm 1992). Tiếp theo đó, tập đoàn này lần lượt cho ra đời: khu phức hợp Saigon Centre (TP. HCM, giai đoạn 1, năm 1996), Villa Riviera (dự án nhà ở đầu tiên, TP. HCM, hoàn thành 2006), The Estella (TP. HCM, dự án căn hộ, hoàn thành 2012), Riviera Cove (hoàn thành 2012), Riviera Point (TP. HCM, hoàn thành 2014), Palm Residence (TP. HCM, hoàn thành năm 2017), Estalla Heights giai đoạn 1 (TP. HCM, hoàn thành năm 2017), Saigon Sports City (TP. HCM, động thổ 2019), Palm Heights (hoàn thành 2019), The View (hoàn thành 2019), Celesta Rise thuộc khu đô thị CELESTA (ra mắt 2020), Linden và Tilia Residences – 2 giai đoạn đầu tiên của Empire City (Thủ Thiêm, TP. HCM, hoàn thành 2021).

Năm 2022, Keppel Land gây chú ý lớn khi đầu tư 14,2ha đất tại Mailand Hanoi City (tên cũ là Splendora, tại Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội).

Còn năm 2023, hoạt động đáng chú ý nhất là Keppel Land đã bắt tay với Khang Điền để cùng phát triển một loạt dự án nhà ở, khu đô thị tại TP. HCM cũng như tham gia vào dự án Tiến Bộ Plaza tại Hà Nội.

Trái ngược với 2 “ông lớn” nêu trên chuyên đầu tư nhà ở, Sembcorp và Frasers Property là hai “đại gia” rất ưa thích bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, với Sembcorp, tập đoàn này từ năm 1996 đã hợp tác với Becamex để lập ra Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP). Tính đến nay, Sembcorp đã phát triển 11 khu VSIP, thu hút hơn 17 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra hơn 300.000 cơ hội việc làm tại Việt Nam.

Năm 2022, Sembcorp đã khởi công VSIP thứ 12 tại tỉnh Cần Thơ và tuyên bố thành lập thêm 5 VSIP mới. Điều này cho thấy hoạt động của VSIP và Sembcorp là vô cùng hiệu quả.

Tương tự Sembcorp, Frasers Property cũng có lịch sử 27 năm đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn này đã khởi đầu bằng Melinh Point - một dự án văn phòng hạng A tại trung tâm TP. HCM vào năm 1995, được nối tiếp bởi khu công nghiệp Bình Dương (Binh Duong Industrial Park). Gần đây, Frasers Property đã có cú bắt tay với Gelex để triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD.

Ngoài bất động sản công nghiệp, Frasers Property cũng được biết đến là chủ đầu tư của dự án Q2 Thao Dien - khu phức hợp cao cấp nhà ở, văn phòng và thương mại tại TP. HCM. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú với các dự án: Fraser Suites Hanoi, Fraser Residence Hanoi và Capri by Fraser – TP. HCM.

Triển vọng lớn

Có thể thấy, các doanh nghiệp Singapore đã có một hành trình đầu tư xuyên suốt và chuyên nghiệp trên thị trường bất động sản Việt Nam, hướng tới 2 phân khúc là nhà ở và bất động sản công nghiệp. Với sự tương đồng nhất định về văn hóa, sự nhạy bén về thời cuộc, các nhà đầu tư của đảo quốc sư tử đã trình diễn một vũ điệu đẹp mắt trong 30 năm qua.

Không chỉ năng nổ trong giai đoạn thuận lợi, mà ngay cả lúc khủng hoảng (như hiện nay) của thị trường bất động sản Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore vẫn cho thấy sức mạnh rất lớn của mình, mà các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) trong năm qua là một biểu hiện rõ nét.

Sẽ không có gì bất ngờ nếu trong những năm tới đây, vị thế của doanh nghiệp Singapore trên thị trường bất động sản Việt Nam được nâng cao hơn nữa, thậm chí sẽ là lớn nhất trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài và gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới xu hướng phát triển của thị trường trong tương lai.

Tin mới lên