Temu gặp rắc rối pháp lý liên châu lục: Tất cả là tại 'giá rẻ'?
(VNF) - Nền tảng mua sắm trực tuyến Temu đã “gây bão” trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt. Mặc dù đã giành được thị phần lớn, nhưng Temu cũng phải đối mặt với những thách thức lớn, một trong số đó liên quan tới pháp lý.
Temu là ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) được sở hữu bởi PDD Holdings, công ty mẹ niêm yết tại Mỹ của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo. Sàn thương mại này giao dịch mọi thứ, từ hàng gia dụng, quần áo cho tới đồ điện tử, với slogan "mua sắm như tỷ phú".
Năm 2022, Temu được cho ra mắt tại Mỹ và ngay lập tức tạo thành “cơn sốt” tại thị trường này. Temu đứng đầu danh mục ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong nhiều tháng, trực tiếp “đe dọa” tới thị phần của Shein - ứng dụng mua sắm thời trang “đồng hương” (đã “Mỹ tiến” từ 2017) và cả “gã khổng lồ” Amazon.
Năm 2023, ứng dụng này mở rộng sang các thị trường như Canada, Úc và New Zealand. Cùng năm, Temu cũng tiến vào Đông Nam Á, bắt đầu với Philippines và Malaysia, sau đó là Thái Lan, Brunei và Việt Nam trong năm nay. Tháng 4/2024, Temu mới ra mắt tại thị trường châu Âu nhưng đã tăng trưởng “thần tốc” với hơn 90 triệu người dùng tính đến tháng 9.
Sức hấp dẫn của Temu rất rõ ràng. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn thế giới, Temu đã thu hút khách hàng thông qua những mức giá cực kỳ thấp của mình. Giày chạy bộ nam có giá dưới 5 USD, nhiều đồ gia dụng có giá dưới 1 USD, những chiếc áo phông giá rẻ “không tưởng” và thậm chí còn giảm giá thêm nếu mua số lượng lớn.
“Hiện tại, Temu không quan tâm nhiều đến việc hòa vốn. Lợi thế cạnh tranh chính của nó là bán sản phẩm với giá rẻ nhất có thể. Nền tảng này tập trung vào việc chiếm được sự tin tưởng của khách hàng”, Ivy Yang, người sáng lập Substack Calling the Shots và Wavelet Strategy, nhận định. Bên cạnh đó, công ty này cũng chi nguồn ngân sách “khủng” cho việc quảng cáo, đảm bảo cho việc chiếm lĩnh thị phần tại bất kỳ khu vực hoạt động nào.
Nhưng cũng giống như hầu hết thanh thiếu niên, Temu đang trải qua những khó khăn khi trưởng thành. Bên cạnh những lời phàn nàn vô tận về nền tảng mua sắm trực tuyến giá cực rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc, Temu còn ở trong tình trạng đáng ngại hơn vì dính vào những lùm xùm pháp lý tại nhiều khu vực.
Nghi vấn “lách thuế” tại Mỹ
Theo báo cáo hồi tháng 6/2023 của nghị viện Mỹ, Temu và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein gửi gần 600.000 gói hàng đến Mỹ mỗi ngày theo quy tắc de minimis (quy tắc cho phép hầu hết các sản phẩm có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế nhập khẩu và kiểm tra hải quan, theo Mục 321, Đạo luật thuế quan năm 1930 của Mỹ). Con số 600.000 gói hàng mỗi ngày tương đương hơn 30% tổng số các gói hàng nhập khẩu vào Mỹ theo điều khoản de minimis. Điều này làm dấy lên nghi ngờ Shein và Temu đã tận dụng luật miễn thuế của Mỹ để “lách thuế”.
Để so sánh, năm 2022, nhà bán lẻ quần áo Gap đã trả 700 triệu USD tiền thuế nhập khẩu của Mỹ và nhà bán lẻ Thụy Điển H&M đã trả 205 triệu USD, vì họ nhập khẩu hàng hóa theo khối lượng lớn trong các container thay vì đóng gói riêng lẻ.
Ngoài việc giảm thuế quan, các nhà lập pháp cho biết lỗ hổng này cũng cho phép các công ty cung cấp dữ liệu không chi tiết cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ do khối lượng lớn các gói hàng nhỏ có giá trị dưới 800 USD.
Vi phạm bảo vệ người tiêu dùng và bị điều tra tại EU
Cuối tháng 10 năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu tiến hành thủ tục chính thức chống lại Temu vì có thể vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU. Cụ thể, Temu bị điều tra trong các lĩnh vực liên quan đến việc bán các sản phẩm bất hợp pháp, thiết kế dịch vụ có khả năng gây nghiện, chẳng hạn như các chương trình thưởng giống trò chơi có thể khuyến khích hành vi gây nghiện và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng, các hệ thống được sử dụng để đề xuất mua hàng cho người dùng cũng như quyền truy cập dữ liệu của các nhà nghiên cứu.
Đầu tháng 11, EC tiếp tục cảnh báo Temu phải sửa đổi các hoạt động thương mại lừa đảo hoặc có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt do một báo cáo điều tra của Mạng lưới hợp tác bảo vệ người tiêu dùng do Bỉ, Đức và Ireland dẫn đầu.
Báo cáo phát hiện Temu tham gia vào hoạt động bán hàng bằng cách đưa ra các chương trình giảm giá giả mạo và đánh giá thổi phồng. Công ty đưa ra thông tin gây hiểu lầm, bao gồm cả việc phóng đại tình trạng sẵn có của các mặt hàng và thúc đẩy tính cấp bách của doanh số bán hàng bằng thời hạn. Các nhà chức trách nhấn mạnh rằng Temu không thông báo đúng cho người dùng về quyền trả lại sản phẩm của họ và không cung cấp thông tin liên hệ rõ ràng để khiếu nại.
Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng còn chỉ trích Temu vì sử dụng trò chơi “quay vòng may mắn” mà không đưa ra thông tin rõ ràng về điều kiện hoặc phần thưởng.
Gặp “rào cản” tại Đông Nam Á
Cũng như nhiều nơi khác, những chiến thuật giảm giá của Temu đã gặp phải nhiều rào cản ngày càng tăng khi công ty này tìm cách chinh phục các thị trường mới ở Đông Nam Á.
Indonesia đã ra lệnh gỡ Temu khỏi các cửa hàng ứng dụng vào tháng 10, một động thái mà chính phủ cho biết sẽ bảo vệ các thương gia nhỏ hơn của nước này. Tại Thái Lan, các doanh nghiệp địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm ảnh hưởng của Temu, trong khi người dân lo ngại về việc chính phủ hỗ trợ một ứng dụng không đóng thuế địa phương và có khả năng lấy đi việc làm của người lao động Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã bắt tay vào xây dựng các chiến lược để giải quyết vấn đề Temu xâm nhập vào Thái Lan.
Không chỉ vậy, sau khi tham gia thị trường Việt Nam vào tháng 10, Temu cũng bị cảnh báo cấm hoạt động do chưa đăng ký kinh doanh. Bộ Công Thương Việt Nam còn ra cảnh báo khẩn về nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký như Temu, Shein và 1688. Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã yêu cầu kiểm tra tiến độ lập hồ sơ thu thuế đối với Temu.
Tất cả là tại giá rẻ?
Có thể thấy, các rắc rối của pháp lý của Temu xuất phát do rất nhiều vấn đề, nhưng để tóm gọn lại thì đều phát sinh từ mức giá rẻ không tưởng mà sàn thương mại điện tử này đưa ra để thu hút người dùng.
Lấy ví dụ với nghi vấn “lách luật” tại Mỹ, việc nền tảng này nhập khẩu các gói hàng lẻ với giá trị dưới 800 USD rõ ràng đã giúp Temu tránh được một khoản thuế không nhỏ, cũng như tạo điều kiện cho việc cung cấp các mức giá thấp hơn trên nền tảng của mình. Hoặc nói ngược lại, để đảm bảo cho việc giữ được mức giá thấp “không tưởng” trên nền tảng, Temu đã phải vận dụng nhiều cách để khiến số tiền nhập khẩu hàng hóa thấp hơn.
Tương tự với các chương trình giảm giá “giả mạo” tại EU, Temu thu hút khách hàng với mức giá thấp trong thời gian giảm giá có hạn, bởi lẽ việc duy trì mức giá ưu đãi trong thời gian quá dài sẽ gây tổn hại cho người bán hàng và nền tảng.
Tất nhiên, việc các quốc gia tăng cường rào cản pháp lý với Temu một phần cũng do lo ngại sự tràn vào của hàng hoá giá rẻ Trung Quốc sẽ làm tổn hại tới các nhà sản xuất trong nước, do họ không thể cạnh tranh với tốc độ, chất lượng hay giá cả từ những nhà cung cấp Trung Quốc.
Tồn tại và phát triển nhờ ưu điểm về giá cả, nhưng Temu giờ đây đang đối mặt với những “cú đấm thép”. Rất có thể, sau những “cú đấm” này, nền tảng từ Trung Quốc sẽ có những thay đổi nhất định để tương thích với các thị trường mới, tiếp tục phát triển dù với tốc độ chậm hơn.
Nhưng mặt khác, sự xuất hiện của Temu cũng đang khiến các nhà hoạch định chính sách và giới kinh doanh của nhiều quốc gia phải trăn trở, vì phải tìm ra phương thức cạnh tranh cả về giá cả lẫn chất lượng với những nhà cung cấp công suất lớn và đang dư thừa hàng hoá tại Trung Quốc.
Giá rẻ tới mức ‘vô lý’, Temu vướng loạt rào cản ở Đông Nam Á
- Temu đã đăng ký thuế, kê khai doanh thu tháng 10 'bằng 0' 09/11/2024 07:05
- Bộ Công Thương cảnh báo người dùng tuyệt đối không mua sắm trên Temu 01/11/2024 11:10
- Temu càn quét toàn cầu nhưng tài sản ông chủ liên tục 'bốc hơi' 31/10/2024 08:00
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.