Nhân vật

Terry Gou, ông trùm 'đế chế' Foxconn: Lớn lên trong chùa, ước mơ làm lãnh đạo Đài Loan

(VNF) - Xuất phát điểm là một doanh nghiệp start-up với số vốn 7.500 USD, Hon Hai Precision Industry, hay còn được gọi là Foxconn, dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập Terry Gou đã trở thành doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới với doanh thu đạt hàng tỷ USD mỗi năm.

Terry Gou, ông trùm 'đế chế' Foxconn: Lớn lên trong chùa, ước mơ làm lãnh đạo Đài Loan

Tỷ phú Terry Gou, người đứng sau thành công của Tập đoàn sản xuất đồ điện tử Foxconn

Với niềm tin “các sản phẩm điện tử sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, cả ở hiện tại lẫn tương lai”, tỷ phú Terry Gou, người đứng sau sự thành công của Tập đoàn Foxconn, đã quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực điện tử.

Tuổi thơ lớn lên trong chùa

Ông Terry Gou sinh năm 1950 tại Bản Kiều, một thị trấn nằm ở ngoại ô Đài Bắc.

Theo chia sẻ của ông Gou, trong suốt 11 năm đầu đời, ông cùng gia đình phải sống chung tại căn phòng đơn ở một ngôi chùa. Cơm ăn áo mặc là mối bận tâm lớn nhất của cả nhà ông lúc bấy giờ.

“Chúng tôi ăn tối, dọn dẹp, sinh hoạt và ngủ cùng một chỗ. Để kiếm thực phẩm, hàng ngày, tôi đến nhà thờ, hát vài bài thánh ca và họ sẽ trả công cho tôi bằng một hộp sữa, một túi bột mì”, ông Gou chia sẻ trên tờ Time vào năm 2019.

Quá trình học tập từ tiểu học lên tới đại học của ông Gou không có điểm gì nổi bật so với các đồng niên khác.

Năm 24 tuổi, để trang trải học phí và phụ giúp gia đình, ông Gou bươn trải nhiều công việc khác nhau như làm công nhân tại nhà máy cao su, nhà máy dược phẩm. 

Tỷ phú Terry Gou cùng vợ là bà Delia Tseng.

Thành lập Foxconn cùng khát vọng lớn lao

Năm 1974, với số vốn 7.500 USD có được nhờ vay mẹ, vị doanh nhân Đài Loan quyết định mua máy đúc nhựa và thành lập một công ty chuyên sản xuất các bộ phận bằng nhựa cho tivi với tên gọi Hon Hai Precision Industry, hay còn được biết tới là Foxconn. Khi ấy, công ty chỉ sở hữu 10 nhân sự lớn tuổi.

Đến những năm 1980, khi tình hình kinh doanh bắt đầu tốt hơn, ông Gou quyết định mở rộng thương hiệu của mình bằng cách thực hiện một chuyến công tác kéo dài 11 tháng trên khắp nước Mỹ. Trong khoảng thời gian này, ông đã “gõ cửa” từng doanh nghiệp một để tuyên truyền và bán các sản phẩm của công ty mình.

Cũng chính nhờ chuyến đi này, ông Gou đã bén duyên với một cơ sở sản xuất của IBM tại Bắc Carolina, nơi ông nhận được đơn đặt hàng lớn đầu tiên, từng bước mở ra cánh cửa thành công sau này cho Foxconn. Năm 1988, nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc của Foxconn được hình thành, đây cũng chính là nhà máy lớn nhất của tập đoàn tính đến thời điểm hiện tại.

Cuối giai đoạn 1980 - 1990, tập đoàn đã liên tục có những hợp đồng sản xuất thiết bị khác nhau cho Apple và Sony tại Trung Quốc. Phần lớn các thiết bị điện tử của “táo khuyết” đều được lắp ráp tại trung tâm sản xuất chính của Foxconn, một khuôn viên rộng lớn được nhiều người ví như là “thành phố iPhone”.

Thành công nối tiếp thành công, ngoài Sony và Apple, thời điểm này doanh nghiệp của ông Gou cũng nhận được hàng loạt các đơn đặt hàng từ các ông lớn công nghệ khác như HP, IBM…

Tính đến năm 2012, các nhà máy của Foxconn đã sản xuất ước tính khoảng 40% tất cả các thiết bị điện tử tiêu dùng được bán trên toàn thế giới. Đến năm 2016, Tập đoàn Foxconn đã mua lại hãng sản xuất điện tử Nhật Bản Sharp và thương hiệu điện thoại di động đình đám một thời, Nokia.

Hiện tại, Foxconn đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về điện tử với 800.000 cổ đông trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, tập đoàn có đến 7 cơ sở tại Trung Quốc và đang là thị trường lao động tư nhân lớn nhất nước này với hơn 1 triệu nhân viên đang làm việc. Đầu tháng 8/2023, Foxconn đã công bố doanh thu quý II/2023 đạt 41 tỷ USD.

Hưởng lợi từ tài chính tập đoàn, tài sản của vị tỷ phú 73 tuổi này ghi nhận tăng 7% từ đầu năm tới nay.

Theo số liệu từ Forbes tính đến cuối tháng 8/2023, tỷ phú Terry Gou đang sở hữu 7,2 tỷ USD. Ông Gou đồng thời cũng xếp thứ 6 trong top 50 người giàu nhất Đài Loan và thứ 317 trong nhóm tỷ phú thế giới 2023.

Tài chính cá nhân ổn định, ông Terry Gou quay sang theo đuổi hoài bão đem lại sự thịnh vượng cho cả Đài Loan

Theo đuổi cuộc đua thành lãnh đạo đài Loan

Không dừng lại tại cương vị một doanh nhân, năm 2019, ông Gou đã từ chức giám đốc Foxconn và tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan. Tuy nhiên, ông đã bỏ cuộc sau đó khi không được chọn là ứng viên của Quốc dân đảng, đảng đối lập chính của Đài Loan vốn có truyền thống ủng hộ quan hệ gần gũi với Trung Quốc.

Với mục tiêu đưa Đài Loan phát triển hơn nữa, ông Gou đã quyết định tiếp tục theo đuổi cuộc đua trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đài Loan trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Vị tỷ phú kỳ vọng sau khi đạt được vị trí mình mong muốn, ông sẽ giúp Đài Loan nâng GDP bình quân đầu người lên cao hơn Singapore trong tương lai không xa.

Khi được hỏi về vấn đề xung đột lợi ích với việc bản thân ông là cổ đông lớn của Foxconn, công ty có vốn đầu tư lớn vào Trung Quốc, ông Gou cho biết ông sẵn sàng “hy sinh” tài sản cá nhân của mình ở Trung Quốc "để đổi lấy hòa bình cho Đài Loan".

Xem thêm >> Nhà sáng lập Foxconn Terry Gou: Nguyện ‘hy sinh tài sản để đổi lấy hòa bình cho Đài Loan’

Tin mới lên