Tài chính

Thanh khoản hụt dần, nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát?

(VNF) - Ở thời điểm hiện tại, VDSC cho rằng nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch nhiều để tránh rủi ro trong vùng trũng thông tin khi dòng tiền vẫn chưa mạnh dạn tham gia vào thị trường. VCSC cũng đồng quan điểm khuyến nghị rằng nhà đầu tư nên tiếp tục vị thế quan sát khi xu hướng hiện tại chưa rõ ràng. Trong khi đó, BVSC dự báo thị trường sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh trong tuần mới.

Thanh khoản hụt dần, nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát?

Thanh khoản hụt dần, nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát?

Phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp nhưng có phần tích cực hơn. Trên sàn HoSE, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 5,23 điểm (tương đương 0,62%) và đóng cửa tại vùng 847,61 điểm, nhưng thanh khoản là vấn đề đáng chú ý khi tiếp tục suy giảm chỉ với gần 173 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Sàn HNX có mức giảm nhẹ không đáng kể, chỉ 0,06 điểm (tương đương 0,05%), chốt phiên tại 111,55 điểm.

Mặc dù cổ phiếu tăng giá chiếm đa số với 18/30 mã tăng nhưng chỉ số VN30 chỉ có mức tăng khiêm tốn 4,28 điểm (tương đương 0,54%), đóng cửa tại 789,87 điểm. Các cổ phiếu nổi bật của nhóm VN30 như HDB (+5,3%),  SAB (+4,9%),  REE (+2,6%),  NVL (+2,0%),  VHM (+1,2%)… Nhóm giảm giá kìm hãm chỉ số có BVH (-0,9%), VPB (-0,7%), STB (-0,5%), HPG (-0,4%)…

Mặc dù sàn HoSE chỉ tăng nhẹ nhưng nhiều cổ phiếu penny và midcap có mức tăng tích cực như PET (+7,0%), CCL (+7,0%), STK (+6,9%), HPX (+6,7%), TVB (+6,3%)… Ở sàn HNX, các cổ phiếu đóng cửa và tăng giá nhiều nhất có THD (+9,9%), PLC (+7,2%), WCS (+6,8%)… 

Khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ trong ngày cuối tuần với số tiền 154,25 tỷ đồng. Ở sàn HoSE, họ đã mua ròng với con số 158,4 tỷ, tập trung mạnh vào những cổ phiếu như PLX (+136 tỷ), VHM (+35,6 tỷ), HPG (+35,3 tỷ), VRE (+23,5 tỷ), VNM (+11,7 tỷ)…

Sàn HNX thì ngược lại nhưng với lượng bán ròng không đáng kể, chỉ 2,23 tỷ, chủ yếu ở các cổ phiếu như PVS (-1,9 tỷ), SHS (-1,2 tỷ), LHC (-0,3 tỷ).

Theo nhìn nhận của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc cao nhất tuần nhưng thanh khoản lại là vấn đề đáng quan ngại khi càng lúc càng giảm dần đều.

"Trong khoảng thời gian mà thị trường chưa có thông tin tích cực ủng hộ thì dòng tiền vẫn chưa mạnh dạn tham gia. Do vậy nhà đầu tư cũng hạn chế giao dịch nhiều để có thể tránh rủi ro đáng có trong vùng trũng thông tin", chuyên gia của VDSC nêu lời khuyên.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index, VN30, HNX-Index hay VNMidcap và VNSmallcap vẫn duy trì ở mức Tiêu cực. Tuy nhiên, với việc đang đóng cửa trên đường MA5 ngày, các chỉ số này vẫn đang trong khả năng có thể cải thiện được tín hiệu.

"Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường với đại diện là VN-Index có thể tiếp tục nỗ lực tăng điểm để kiểm định kháng cự MA10 tại 850 điểm. Nếu vượt được qua kháng cự này đi kèm với sự gia tăng của khối lượng giao dịch thì tín hiệu ngắn hạn sẽ thoát khỏi trạng thái Tiêu cực với kháng cự tiếp theo tại 860 điểm, tạo bởi đường MA20 ngày.

Ngược lại, nếu thất bại trong việc chinh phục kháng cự này thì nền tảng yếu của đà hồi phục có thể bị thách thức khi áp lực bán được thúc đẩy từ kháng cự có thể sẽ gia tăng mạnh hơn. Trong trường hợp này, VN-Index có thể sẽ thoái lui để kiểm định lại hỗ trợ MA100 tại 843 điểm", chuyên gia của VCSC khuyến nghị.

Với tín hiệu xu hướng chưa rõ ràng như hiện tại, theo VCSC, nhà đầu tư nên tiếp tục vị thế quan sát.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì dự báo tuần mới, VN-Index sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiến vào vùng kháng cự 848-853 điểm trong những phiên đầu tuần tới.

BVSC cho rằng về tổng thể, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn đang hiện hữu khi trước mắt là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận dự kiến của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, qua đó có thể tạo ra ảnh hưởng không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Tin mới lên