Thành viên HĐQT trước xu hướng mới AI và ESG: Vì đâu khó ứng dụng?

Hà Lê - 03/09/2024 13:39 (GMT+7)

(VNF) - Các thành viên HĐQT ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là khi phải nắm bắt kiến thức về tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội, và quản trị) và trí tuệ nhân tạo (AI) để ứng dụng, kết hợp hài hoà vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đó là một trong những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Thường niên Thành viên Độc lập HĐQT 2024 do Hội Thành viên Độc lập HĐQT (VNIDA) tổ chức.

Hai bài toán lớn của thành viên HĐQT hiện nay là AI và ESG.

Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trào lưu mới trên phạm vi toàn cầu, không chỉ mang lại nhiều cơ hội mà đặt ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, việc thực hành ESG cũng là một “bài toán khó”, đòi hỏi nhiều nguồn lực và sự kiên trì của doanh nghiệp.

AI và rào cản tuổi tác

Về AI, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc FiinGroup cho hay, đây là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất trong những năm gần đây vì những thay đổi mà nó tạo ra đối với môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, AI vẫn còn khá mới mẻ và chủ yếu thu hút sự chú ý của những người trẻ. Trong khi đó, khảo sát của FiinGroup đối với các doanh nghiệp niêm yết lớn trên sàn chứng khoán cho thấy, độ tuổi bình quân của các thành viên HĐQT là 45, không còn được coi là trẻ.

“Để nắm bắt được xu thế, hiểu AI là gì và tác động của AI đối với hoạt động của doanh nghiệp, thị trường, với đối thủ cạnh tranh hay sản phẩm dịch vụ, các thành viên HĐQT phải học, học hỏi, tìm hiểu, thậm chí là thuê tư vấn”, ông Hiệu đặt vấn đề.

Tổng giám đốc FiinGroup Nguyễn Hữu Hiệu cho rằng, rằng khác biệt tuổi tác là thách thức cho HĐQT áp dụng AI

Tổng giám đốc Fiingroup nhấn mạnh, không chỉ dừng ở mức độ hiểu và theo dõi, các thành viên HĐQT còn phải chú ý đến việc cân bằng trong việc ứng dụng AI. Điều quan trọng là làm sao xác định được mức độ sáng tạo AI nên đạt tới, vì AI cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Thách thức đặt ra là cân bằng giữa sự sáng tạo và rủi ro, đồng thời cân đối chi phí đầu tư với lợi ích mà AI mang lại, để đảm bảo nguồn ngân sách phù hợp và tránh thất thoát trong đầu tư hoặc sai lệch định hướng.

“Đây không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn liên quan đến chiến lược làm thế nào để đội ngũ nhân sự có đủ kỹ năng ứng dụng AI, vì điều này có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong cách thức vận hành của doanh nghiệp”, ông Hiệu nói thêm.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) cho rằng, thành viên HĐQT phải nhìn nhận rất ro lợi ích từ AI. Theo bà Giao, việc áp dụng kiến thức mới trên quy mô rộng là thách thức lớn và có thể mang lại rủi ro khi sử dụng quá nhiều nguồn lực.

Do đó, Tổng giám đốc PVI AM đề xuất doanh nghiệp nên thành lập một bộ phận nhỏ để nghiên cứu chi tiết về lợi ích và rủi ro của AI trước khi lập kế hoạch triển khai và báo cáo cho ủy ban chiến lược. Dựa trên kết quả này, ủy ban sẽ xác định lộ trình thực hiện cụ thể trình lên ban điều hành.

“Nếu ngay lập tức triển khai hoặc dùng quá nhiều nguồn lực cho vấn đề này thì có thể không thuyết phục”, bà Trịnh Quỳnh Giao lưu ý.

ESG và câu chuyện động lực

Về ESG, ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Phân viện kiểm toán nội bộ quốc tế tại Việt Nam (IIA Vietnam), đánh giá đây cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam đã cam kết Net Zero vào năm 2050 và các thị trường nhập khẩu bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn tương đương với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch IIA Vietnam, thành viên HĐQT cần xác định được tầm quan trọng và giá trị mà chiến ESG mang lại cho doanh nghiệp, cho cổ đông. Đồng thời, HĐQT cũng cần thảo luận xem có quyết định đầu tư hay không hoặc làm tới đâu, cần có KPI để thực hiện và đo lường hiệu quả, phân công nghiệm vụ cụ thể để ESG thực sự đi vào hệ thống.

Chủ tịch IIA Vietnam Hoàng Đức Hùng đánh giá, ESG cũng là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp hiện nay

Dưới góc nhìn của đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Hữu Hiệu nêu thực trạng, ESG chỉ mới xuất hiện ở doanh nghiệp lớn, còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đây vẫn là “một câu chuyện xa vời”.

“Những người nói nhiều nhất về ESG là các đơn vị nước ngoài, tức là các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp SME Việt Nam - chiếm đến 90% khu vực kinh tế - lại chưa thể thực hiện ESG, nó còn quá xa vời và chưa thiết thực”, Tổng giám đốc Fiingroup đánh giá.

Theo ông Hiệu, trong bối cảnh pháp luật chưa bắt buộc triển khai ESG, một vấn đề cần quan tâm là động cơ nào để HĐQT, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này: “Liệu rằng, doanh nghiệp có thực hiện ESG vì lý do pháp lý, vì động cơ tài chính, hay chỉ để cải thiện hình ảnh?”.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM cho rằng, ESG là câu chuyện thiết thực và nên được HĐQT quan tâm. Với kinh nghiệm thực tế của mình, bà Giao nhấn mạnh, đây vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp.

Tổng giám đốc PVI AM Trịnh Quỳnh Giao cho rằng, ESG là vấn đề sống còn của doanh nghiệp

“Danh sách đầu tư của PVI AM có ngành năng lượng, hàng xuất khẩu đang chịu sức ép rất lớn về các tiêu chuẩn ESG. Đơn cử với doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu, Mỹ nếu không đáp ứng được các yêu cầu về ESG thì không vào được hoặc có vào thì phải chịu mức thuế rất cao”, bà Giao chia sẻ.

Vị này cũng nhấn mạnh, thách thức cho các thành viên HĐQT là nhìn thấy câu chuyện ESG đang đến gần nhưng gặp vấn đề về năng lực thực hiện, thiếu mảng kiến thức rất lớn, cần có đơn vị tư vấn và sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ.

ESG: Vừa là ‘thuốc bổ’, vừa là ‘thuốc chữa bệnh’

ESG: Vừa là ‘thuốc bổ’, vừa là ‘thuốc chữa bệnh’

Doanh nghiệp
(VNF) - TS. Bùi Thanh Minh cho rằng thực hành ESG vừa là "thuốc bổ" vừa là "thuốc chữa bệnh" cho doanh nghiệp, nhưng để đạt hiệu quả thì cần phải sử dụng thuốc theo liều lượng phù hợp để có một cơ thể khoẻ mạnh.
Cùng chuyên mục
Tin khác