Tiêu điểm

‘Thể chế tốt tiền sẽ đẻ ra tiền, thể chế kém có tiền cũng không tiêu được’

(VNF) - TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Đại biểu Quốc hội cho rằng, cách thông thường để phục hồi kinh tế là bơm tiền nhưng thể chế quan trọng hơn. "Thể chế tốt thì nguồn lực được khơi thông, tiền đẻ ra tiền. Còn thể chế kém thì có tiền cũng không tiêu được"

‘Thể chế tốt tiền sẽ đẻ ra tiền, thể chế kém có tiền cũng không tiêu được’

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế phát biểu tại thảo luận kinh tế xã hội.

Tăng trưởng kinh tế mức thấp nhất trong lịch sử

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế nhận xét, nền kinh tế đang rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp đều ở mức thấp nhất trong lịch sử và các chính sách hỗ trợ thực thi không như kỳ vọng.

"Kinh tế muốn phục hồi thì tiền bạc quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. Thể chế tốt thì nguồn lực được khơi thông, tiền đẻ ra tiền. Còn thể chế kém thì có tiền cũng không tiêu được", Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế nói.

Để khơi thông nguồn lực thể chế, ông Lộc cho rằng không cách nào khác là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đang "nặng nề hơn với doanh nghiệp, người dân vài năm qua". Cùng đó, các quy định chồng chéo gây rủi ro cho người thực hiện cần được khắc phục, nhất là khắc phục tâm lý sợ sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ công chức, doanh nghiệp.

"Cần bổ sung chế tài kinh tế xử lý vi phạm và luật hóa các biện pháp bảo vệ cán bộ, doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung", ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Trong thời kỳ khủng hoảng, giải pháp kinh điển là bơm tiền vào nền kinh tế. Các quyết định bơm tiền được Quốc hội ban hành, nhưng triển khai gặp trở ngại. "Vì thế, cần giải quyết tình trạng có tiền không tiêu được. Chừng nào tình trạng này còn thì khó hy vọng phát triển bứt phá thời gian tới", ông Lộc nhìn nhận.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, thể chế, hạ tầng và nhân lực là vấn đề cần cải cách nhanh hơn. Hiện thể chế, hạ tầng và nhân lực nước ta vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn của nền công nghệ 2.0, 3.0, trong khi thế giới đang ở giai đoạn cuối của cách mạng 4.0 và tiến tới 5.0.

"Cần thanh toán những "món nợ" thể chế, hạ tầng, nhân lực của các giai đoạn phát triển trước, việc này cũng quan trọng không kém các nỗ lực số hóa nền kinh tế", ông nói.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, là điểm đến dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư. Nhưng tận dụng cơ hội này, theo Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Vũ Tiến Lộc, phụ thuộc vào chuẩn bị thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Để không lặp lại tình trạng "sau vài chục năm mở cửa, các ngành công nghiệp chủ lực như ôtô, dệt may, điện tử vẫn lắp ráp, gia công", ông Lộc đề nghị Chính phủ đưa ra chiến lược đột phá phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới.

"Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, các lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn mà Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói trong 10-15 năm tới thì không thể vượt bẫy trung bình, thành quốc gia phát triển", ông Lộc lưu ý.

Thể chế là một nguồn lực

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân ( Đoàn Cà Mau) cho rằng, cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế. Chúng ta cần coi thể chế như một nguồn lực, sớm thành lập ban chỉ đạo trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng, đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ nhà nước – thị trường.

“Việc các địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn” - đại biểu Lê Thanh Vân thẳng thắn bình luận.

Theo đó, cần tiếp cận, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, tập trung vào 3 ngành mũi nhọn: khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Sử dụng hiệu quả đồng vốn để giải quyết các vấn đề khúc mắc, giảm chi thường xuyên để chi cho đầu tư, phát triển, dùng toàn bộ tăng thu của các năm để tăng chi hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót (Đoàn Lai Châu) cũng cho rằng, cần sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo.

Thực tế, qua rà soát 523 văn bản cho thấy, phần lớn văn bản đảm bảo đồng bộ khả thi. Tuy nhiên, cũng có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo. Từ kết quả rà soát cho thấy, việc sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập là cần thiết.

Tin mới lên