Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Ấn Độ đột phá trong cuộc đua không gian, Singapore có tân tổng thống

(VNF) - Trong tuần qua, thế giới ghi nhận nhiều sự kiện nổi bật với trọng tâm là những vụ việc diễn ra tại châu Á, xoay quanh các quốc gia như Ấn Độ, Singapore, hay Triều Tiên. Hai cơn bão lớn đã đổ bộ vào Mỹ và Trung Quốc cũng là sự kiện đáng chú ý.

Thế giới tuần qua: Ấn Độ đột phá trong cuộc đua không gian, Singapore có tân tổng thống

Ảnh minh hoạ.

Ấn Độ tạo đột phá trong cuộc đua không gian

Hơn 1 tuần sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ xuống cực nam của Mặt trăng vào ngày 23/8, mới đây, quốc gia Nam Á tiếp tục phóng thành công tàu Aditya-L1 và bắt đầu sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời đầu tiên của mình.

Theo Reuters, ngày 2/9, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã truyền hình trực tiếp buổi phóng tàu Aditya-L1 dưới sự theo dõi của gần 500.000 khán giả trực tuyến và hàng nghìn khán giả trực tiếp.

Điểm đến của Aditya-L1 là điểm Lagrange 1, một vị trí trong không gian nơi các vật thể có xu hướng đứng yên do lực hấp dẫn đạt trạng thái cân bằng, nhờ đó có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu cho tàu. Nhiệm vụ của Aditya L1 là quan sát các hoạt động của Mặt trời và ảnh hưởng của chúng đến thời tiết vũ trụ trong thời gian thực.

Ông Somak Raychaudhury, người tham gia phát triển một số bộ phận của tàu Aditya-L1, cho biết sứ mệnh của tàu này có khả năng “tạo vụ nổ lớn (Big Bang) trong khoa học”.

Những thành công liên tiếp đã giúp Ấn Độ trở thành 1 trong 4 quốc gia đứng đầu trong cuộc đua không gian, mở ra những tiềm năng vô hạn trong tương lai.

Đáng chú ý, chương trình khám phá vũ trụ của Ấn Độ còn được xây dựng dựa trên nguồn kinh phí khá "khiêm tốn" nếu so sánh với Mỹ, Nga và Trung Quốc, có thể trở thành thế mạnh của nước này và làm thay đổi cuộc đua từ trước tới nay vẫn được mặc định là vô cùng tốn kém và đắt đỏ.

Singapore có tân tổng thống

Ngày 1/9, người dân Singapore đã bầu ông Tharman Shanmugaratnam, cựu Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính, 66 tuổi, làm Tổng thống mới của quốc đảo. Ông Tharman đã chính thức trở thành người kế nhiệm của bà Halimah Yacob, nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Singapore.

Kết quả bầu cử cho thấy ông Tharman Shanmugaratnam đã giành được 70,4% phiếu bầu để trở thành người đứng đầu đất nước trong nhiệm kỳ 6 năm tới. Đối thủ chính của ông Tharman Shanmugaratnam là ông Ng Kok Song, cựu giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, chỉ giành được 15,7% số phiếu bầu.

Ông Tharman Shanmugaratnam - Tân Tổng thống Singapore.

Trước đó, ông Tharman đã từ chức thành viên Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền và bộ trưởng cấp cao trong Nội các trước cuộc bầu cử, vì tất cả các ứng cử viên tổng thống đều phải độc lập.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống có tranh chấp đầu tiên của thành phố này trong hơn một thập kỷ.

Ông Tharman sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 9 của Singapore vào ngày 14/9 tới.

Người đứng đầu nhà nước chính thức giám sát nguồn dự trữ tài chính tích lũy của Singapore. Ông có thể phủ quyết các vị trí chủ chốt và một số biện pháp nhất định, cũng như phê chuẩn các cuộc điều tra chống tham nhũng trái với ý muốn của thủ tướng.

Chính phủ Singapore hiện do Thủ tướng Lý Hiển Long của PAP đứng đầu, đảng này đã cầm quyền liên tục kể từ năm 1959. 

Triều Tiên tập trận hạt nhân chiến thuật nhằm vào Hàn Quốc

Theo hãng thông tấn KCNA, "Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) đã tổ chức cuộc diễn tập tấn công hạt nhân chiến thuật, mô phỏng các cuộc tấn công hủy diệt vào những trung tâm chỉ huy lớn và sân bay của quân đội Hàn Quốc vào tối 30/8".

Theo đó, từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật đã được bắn ra biển, phát nổ ở độ cao 400m so với các mục tiêu giả định.

Đến rạng sáng ngày 2/9, phía Hàn Quốc tiếp tục thông báo đã phát hiện Triều Tiên phóng một loạt tên lửa hành trình ra biển Hoàng Hải vào khoảng rạng sáng, khiến Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) phải triệu tập cuộc họp khẩn ngay sau đó.

Các động thái của Triều Tiên được cho là để phản đối việc Hàn Quốc và Mỹ thực hiện cuộc tập trận chung thường niên có tên gọi "Lá chắn Tự do Ulchi", kết thúc vào ngày 31/8. Cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 58.000 binh sỹ hai nước, gồm nhiều nội dung, trong đó có diễn tập chỉ huy mô phỏng trên máy tính, huấn luyện thực địa và diễn tập phòng thủ dân sự.

Bình Nhưỡng lên án đây là cuộc tập trận có mục đích chuẩn bị cho chiến tranh.

Hoả hoạn tại Nam Phi

Sáng sớm 31/8, cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nam Phi thông báo một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một khu nhà 5 tầng, được cho là khu định cư không chính thức ở Johannesburg, khiến ít nhất 74 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Một vài nhân chứng sống ở khu vực gần đó cho biết, khu nhà 5 tầng này có ít nhất 200 người sinh sống, là nơi những người vô gia cư tới thuê mà không có bất kỳ hợp đồng chính thức nào.

Hình thức nhà ở này thường không đáp ứng được các quy định cơ bản về an toàn. Chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường mô tả tòa nhà giống như một khu định cư không chính thức, cho biết các căn hộ trong tòa nhà vốn chỉ dành cho hai hoặc ba người ở, được chia thành các khu vực ngủ để chứa nhiều người.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gọi đây là một “thảm kịch”.

Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa rõ ràng nhưng chính quyền tại hiện trường không cho thấy đây là hành động cố ý. Ngọn lửa bùng phát vào khoảng 1h30 sáng giờ địa phương, khi nhiều người bên trong tòa nhà đang ngủ say. 

Theo truyền thông địa phương, đây là khu nhà cũ thứ tư bị bốc cháy trong thành phố này những tháng gần đây.

Toà nhà bị hoả hoạn tại Johanesburg.

Bão lớn liên tục đổ bộ

Tuần này, hai cơn bão lớn đã đổ bộ vào Mỹ và Trung Quốc.

Đầu tiên là cơn bão với tên gọi Idalia, đổ bộ vào khu vực Florida (Mỹ) vào rạng sáng ngày 30/8, mang theo gió mạnh và mưa, với sức gió lên tới gần 200km/h. 

Do nhiệt độ mặt nước biển rất ấm, cơn bão mạnh lên nhanh chóng trên Vịnh Mexico lên cấp 4, trước khi suy yếu xuống cấp 3 khi đổ bộ vào đất liền. Nó gây ra lũ lụt trên diện rộng khi đi qua và làm hư hỏng các đường dây điện, khiến hàng nghìn người sống trong tình trạng mất điện.

Chiều ngày 30/8, Idalia đã suy yếu thành bão nhiệt đới khi đi qua Georgia và Nam Carolina. Cơn bão di chuyển qua bờ biển Bắc Carolina cho đến ngày 31/8, mang theo mưa lớn và lũ lụt ven biển, trước khi dần dần tiến ra Đại Tây Dương.

Một cơn bão khác có tên Saola, đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) rạng sáng ngày 2/9, với sức gió tối đa lên tới 165km/h. Đây là cơn bão thứ 9 đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay, và là 1 trong 5 cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông từ năm 1949.

Theo China Daily, đến 10h sáng ngày 1/9, hơn 780.000 người ở Quảng Đông đã được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm. Tất cả hơn 80.000 tàu đánh cá của tỉnh này cũng đã quay trở lại bến cảng để trú ẩn. Các trường học cũng thay đổi ngày khai giảng do bão đổ bộ.

Theo đài quan sát khí tượng địa phương, bão Saola dự kiến mang theo gió giật mạnh và mưa lớn đến các khu vực ven biển và phía Nam tỉnh Quảng Đông từ ngày 2-3/9. Dự báo bão sẽ suy yếu dần khi di chuyển theo hướng Tây Nam dọc theo bờ biển Quảng Đông với tốc độ 15 - 20 km/h.

Nhiều nước châu Á ghi nhận nhiệt độ kỷ lục

Sự thay đổi khí hậu đang được cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết trên trái đất thông qua hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan.

Mới đây, các nhà chức trách Ấn Độ cho biết tháng 8 vừa qua là tháng nóng nhất và khô hạn nhất kể từ khi các kỷ lục quốc gia được lập ra cách đây hơn một thế kỷ.

Tháng này rơi vào giữa đợt gió mùa hàng năm của Ấn Độ, nơi thường mang tới 80% lượng mưa hàng năm của cả nước. Nhưng bất chấp những trận mưa lớn gây ra lũ lụt chết người ở miền bắc nước này hồi đầu tháng, lượng mưa nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết lượng mưa trung bình trong tháng 8 chỉ là 161,7mm, thấp hơn 30,1mm so với kỷ lục trước đó của tháng 8/2005. Điều đó đã khiến đất nước này phải chịu nắng nóng không ngừng.

Các nhà chức trách Nhật Bản ngày 1/9 cũng cho biết nước này đã trải qua mùa hè nóng nhất kể từ năm 1898 - thời điểm người ta bắt đầu lưu trữ các dữ liệu về nhiệt độ.

Theo đó, cơ quan thời tiết cho biết nhiệt độ từ tháng 6 đến tháng 8 "cao hơn đáng kể" so với mức trung bình trên khắp miền bắc, miền đông và miền tây đất nước. Ở nhiều nơi, “không chỉ nhiệt độ tối đa mà cả nhiệt độ tối thiểu” cũng đạt mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, Australia đang trải qua mùa đông "ấm áp" nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình là 16,75 độ C trong mùa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8.

Cục Khí tượng cho biết đây là mức cao hơn kỷ lục được thiết lập vào năm 1996 và là nhiệt độ mùa đông trung bình cao nhất kể từ khi các kỷ lục của nước này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1910.

Xem thêm >> Tài phiệt Nga tẩu tán tài sản, qua Dubai đổ tiền mua bất động sản xa xỉ

Tin mới lên