Tài chính quốc tế

Ý tham gia đại dự án của Trung Quốc: Cú bắt tay gây chấn động và cái kết bẽ bàng

(VNF) - Từng gây chấn động khắp các nước phương Tây vào năm 2019 khi tham gia đại dự án Vành đai và con đường (BRI) - kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, Ý mới đây thừa nhận họ không đạt được kết quả như mong đợi.

Ý tham gia đại dự án của Trung Quốc: Cú bắt tay gây chấn động và cái kết bẽ bàng

Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế Ambrosetti ngày 2/9, trước khi lên đường công du Trung Quốc, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho hay:

“Nhiều đảng phái ở Ý phản đối sự tham gia của Rome vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thông điệp của Ý rất rõ ràng là chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc, chúng tôi muốn có mặt tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi sẵn sàng đón nhận đầu tư của Trung Quốc, nhưng như tôi đã nói, điều quan trọng là phải có một sân chơi bình đẳng”.

Nhà lãnh đạo Ý thừa nhận rằng việc tham gia dự án không mang lại kết quả như họ mong đợi.

"Thương mại song phương không được cải thiện như kỳ vọng kể từ khi chúng tôi tham gia BRI cách đây 4 năm. Vào thời điểm này, các nước châu Âu không tham gia BRI đang làm tốt hơn chúng tôi. Vì vậy, Italy sẽ quyết định có tiếp tục tham gia sáng kiến hay không. Tại quốc hội, nhiều đảng phản đối điều này", ông Tajani – người đồng thời giữ chức phó thủ tướng Ý, nhấn mạnh thêm.

Là quốc gia G7 duy nhất tham gia BRI vào năm 2019 khi ông Giuseppe Conte làm thủ tướng, Ý kỳ vọng tăng cường ảnh hưởng của nước này trên toàn cầu.

Tuy nhiên, động thái của Ý vấp phải chỉ trích của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Các nhà phân tích cho rằng khi tham gia dự án, Ý đang làm suy yếu khả năng đối đầu với Bắc Kinh của châu Âu.

Kể từ khi cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi lên nắm quyền thủ tướng Ý vào năm 2021, ông đã đóng băng thỏa thuận.

Hai năm trôi qua và với một chính phủ mới được thành lập, Ý hiện đang có suy nghĩ khác về mối quan hệ với Trung Quốc. Khả năng nước này tái gia hạn việc tham gia BRI được đánh giá là khó xảy ra.

Ý có thời hạn đến cuối năm 2023 để thông báo cho Trung Quốc về việc liệu nước này có muốn tiếp tục tham gia dự án hay không. Thoả thuận sẽ hết hạn vào tháng 3/2024 nhưng sẽ tự động được gia hạn nếu không bên nào thông báo rút lui.  

Trước đó, trả lời báo Corriere della Sera ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho rằng tham gia BRI là một quyết định "vội vàng và sai lầm" vì nó “giúp gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Ý nhưng không có tác động tương tự đối với xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc”.

Cũng theo ông Crosett, nước này đang cân nhắc cách để rút khỏi BRI mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh.

Ra mắt năm 2013, BRI là một dự án đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một mạng lưới phức hợp gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển trải dài từ Trung Quốc đến Trung Á, Châu Phi và Châu Âu. Quy mô tài chính của sáng kiến này ước tính lên tới khoảng 1.300 tỷ USD vào năm 2027.

EU từ lâu đã bày tỏ quan ngại về hoạt động đầu tư và cho vay của Trung Quốc tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước ở châu Âu.

BRI đã hứng chịu một số chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang tiến hành “ngoại giao bẫy nợ” thông qua BRI, khiến cho các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ, và nợ đó chuyển hóa thành ảnh hưởng chính trị. Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận cáo buộc này.

Xem thêm >> Kinh tế Nga ngấm đòn trừng phạt: Đồng ruble hụt hơi, lạm phát tăng tốc

Tin mới lên