Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Biến chủng Omicron gây báo động toàn cầu, EU chấm dứt cấp phép xuất khẩu vaccine

(VNF) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên biến chủng B.1.1.529 có tới 32 đột biến là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là "biến chủng đáng quan ngại" là thông tin dành được nhiều sự chú ý trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Biến chủng Omicron gây báo động toàn cầu, EU chấm dứt cấp phép xuất khẩu vaccine

Omicron là siêu biến chủng nhiều đột biến chưa từng có.

Siêu biến chủng nhiều đột biến chưa từng có

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, cho tới nay đã gây ra 10 ca mắc tại 3 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm 3 ca ở Botswana, 6 ở Nam Phi và 1 ở Hong Kong, là người có lịch sử đi lại đến Nam Phi.

Theo Giáo sư Cyrille Cohen, Trưởng phòng thí nghiệm miễn dịch thuộc Đại học Bar-Ilan, biến chủng này mang trong mình nhiều đột biến nhất từ trước tới nay, lên tới 32 đột biến ở protein gai, nhiều gấp đôi so với 13-17 đột biến được ghi nhận ở biến chủng Delta.

Gai protein là bộ phận mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.

Giới khoa học lo ngại số lượng đột biến sẽ tác động đến cách thức hoạt động của virus, khiến nó dễ lây lan và lẩn tránh được hệ miễn dịch của con người.

Nhằm ngăn chặn nguy lây nhiễm biến thể mới, nhiều nước đã ban hành lệnh tạm thời ngừng hoạt động vận tải hàng không từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.

Cập nhật đến sáng 27/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 260.820.796 ca, trong đó có 5.205.398 người tử vong.

EU chấm dứt chương trình cấp phép xuất khẩu vaccine từ năm 2022

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Dana Spinant ngày 26/11 cho biết kể từ ngày 1/1/2022, các nhà sản xuất vaccine ở trong EU sẽ không được xin phép xuất khẩu vaccine ra ngoài khối.

Tuy nhiên, EU vẫn sẽ đảm bảo tính minh bạch trong xuất khẩu vaccine thông qua một cơ chế giám sát mới đang được xây dựng.

EU đưa ra quyết định trên chỉ một ngày sau khi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng ở EU, nơi hiện có gần 1/4 người trưởng thành vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ và đang phải hứng chịu một làn sóng lây nhiễm mới.

EU hiện là nhà cung cấp vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ liều đã được xuất khẩu từ tháng 12/2020 tới nay cho hơn 150 quốc gia, trong đó khoảng 1 tỷ liều theo cơ chế ủy quyền xuất khẩu. Tổng số lượng vaccine xuất khẩu của EU chiếm hơn một nửa số lượng sản xuất ở trong khối.

Cơ chế xuất khẩu vaccine phòng Covid-19 được EU ban hành vào cuối tháng 1 năm nay và sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2021.

Mỹ tiếp tục trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 22/11 cho biết, nước này vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2 đối với tổng cộng 8 cá nhân và 17 tàu liên quan theo PEESA.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Quốc hội, các lệnh trừng phạt mới được áp dụng đối với một công ty vận tải biển có tên Transadria Ltd, cùng 2 tàu của công ty này, trong đó tàu Marlin bị đưa vào diện tài sản bị phong toả và một tàu khác chưa được tiết lộ.

“Quyết định này phù hợp với quan điểm của Mỹ tiếp tục phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, đồng thời cho thấy Mỹ luôn tuân thủ Đạo luật Bảo vệ An ninh Năng lượng của Châu Âu (PEESA) năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2 đối với tổng cộng 8 cá nhân và 17 tàu liên quan theo PEESA", ông Blinken nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Washington sẽ tiếp tục làm việc với Đức cùng các đồng minh và đối tác khác nhằm giảm thiểu rủi ro do dự án Dòng chảy phương Bắc gây ra đối với Ukraine và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm “đẩy lùi những hoạt động nguy hiểm của Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng”.

Trong tuyên bố phát ra ngày 22/11, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nói động thái này của Mỹ là biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Mỹ thông báo mở kho dầu dự trữ chiến lược lớn nhất lịch sử

Nhà Trắng ngày 23/11 ra thông báo cho biết Mỹ sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này. Đây là đợt xả kho lớn nhất lịch sử Mỹ trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác nhằm hạ nhiệt giá dầu đang tăng cao.

Nhà Trắng nêu rõ quyết định xuất kho này sẽ được thực hiện song song với các nước tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các đợt xả kho sẽ bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 12 và có thể kéo dài thêm để ổn định thị trường. Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Quyết định của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở thời điểm hiện tại.

Động thái này được OPEC+ đưa ra bất chấp sức ép của các nước tiêu thụ sản lượng dầu mỏ lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản kêu gọi tăng mạnh sản lượng nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Xem thêm >> Đã tặng Việt Nam hơn 18 triệu liều vaccine, Mỹ tiếp tục vận chuyển thêm

Tin mới lên