Thế giới tuần qua: Động đất kinh hoàng tại Maroc, khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-20

Minh Ý - 10/09/2023 10:35 (GMT+7)

(VNF) - Tuần này, một trận động đất kinh hoàng đã cướp đi sinh mệnh của hơn 2.000 người tại Maroc, trong khi thành phố Hong Kong chìm trong cơn lũ lụt lớn nhất trong vòng 140 năm. Đây là những cảnh báo mới nhất đến trái đất về việc phải gấp rút thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

VNF
Một người dân Maroc sống sót sau trận động đất thảm hoạ.

Động đất tại Maroc, hơn 2.000 người thiệt mạng

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, một trận động đất mạnh 6,8 độ richter đã làm rung chuyển dãy núi High Atlas của Maroc vào khoảng 23h ngày 8/9 (giờ địa phương) ở độ sâu tương đối nông 18,5km. 

Tâm chấn nằm cách thành phố lịch sử Marrakech khoảng 72km về phía tây nam, đây là thành phố có khoảng 840.000 dân và là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Gần như tất cả các ngôi nhà ở khu vực Asni, cách Marrakech khoảng 40 km về phía nam, đều bị hư hại. 

Tính tới sáng 10/9 (giờ Việt Nam), Đài truyền hình nhà nước Al Aoula của Maroc dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ cho biết ít nhất 2.012 người đã thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương, trong đó 1.404 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Đây là trận động đất mạnh kinh hoàng nhất diễn ra tại Maroc trong hơn 6 thập kỷ. Trận động đất tồi tệ nhất thời hiện đại ở Maroc xảy ra vào năm 1960 gần thành phố Agadir phía tây khiến ít nhất 12.000 người thiệt mạng.

Các dịch vụ khẩn cấp đã được triển khai đến các khu vực bị động đất, khi Vua Mohammed VI của Maroc ra lệnh thành lập một ủy ban cứu trợ để phân phối viện trợ cho những người sống sót. Những lời đề nghị viện trợ quốc tế cũng lần lượt đổ về từ các quốc gia bao gồm Nhật Bản, Pháp và UAE.

Trong khi hoạt động cứu hộ đang gấp rút diễn ra, các nhân chứng còn sống sót hầu như phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất" và lo dư chấn.

Cung điện Hoàng gia cho biết Maroc sẽ để tang 3 ngày sau trận động đất. Cờ sẽ được treo ở nửa trượng trên tất cả các tòa nhà công cộng.

Hong Kong bị nhấn chìm trong trận lũ lụt lịch sử 140 năm

Bắt đầu từ ngày 7/9, mưa xối xả đã tràn vào Hong Kong, dẫn đến lũ lụt lan rộng khắp thành phố đông đúc, nhấn chìm các đường phố, trung tâm mua sắm và ga tàu điện ngầm, khiến chính quyền phải ra lệnh đóng cửa trường học và yêu cầu công nhân ở nhà.

Theo CNBC, đặc khu hành chính Hong Kong chứng kiến ​​lượng mưa theo giờ cao nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận cách đây 140 năm. Cụ thể, đài quan sát thời tiết của thành phố đã ghi nhận lượng mưa hàng giờ là 158,1 mm, mức cao nhất kể từ khi được ghi lại trong hồ sơ năm 1884.

Toàn bộ hệ thống đường phố bị dòng nước lũ tràn vào, theo những video lan truyền trên mạng xã hội. Các công nhân tàu điện ngầm phải lội sâu đến thắt lưng trong một nhà ga khi họ cố gắng ngăn dòng nước chảy xuống từ mặt đường.

Đường hầm xuyên cảng của thành phố, một trong những tuyến đường huyết mạch nối đảo Hong Kong với Cửu Long, cũng bị ngập trong nước, trong khi một trung tâm mua sắm ở quận Chai Wan cũng không thoát khỏi cảnh ngập lụt.

Những dòng nước đổ xuống địa hình đồi núi của thành phố tạo ra nguy cơ lở đất. Nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo lũ quét và các dịch vụ khẩn cấp tiến hành hoạt động cứu hộ ở nhiều nơi trên lãnh thổ.

Cơ quan quan sát thời tiết Hong Kong cho biết trận mưa xối xả mới nhất được gây ra bởi "máng áp thấp liên quan đến tàn tích của cơn bão Haikui".

Lực lượng cứu hộ giải cứu một tài xế tại Hong Kong.

Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại New Delhi (Ấn Độ)

Ngày 9/9, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Chủ đề của Năm Chủ tịch G20 2023 của Ấn Độ, và cũng là của Hội nghị Thượng đỉnh mang hàm ý "Thế giới là một gia đình". Đây là quan điểm bao trùm khuyến khích con người cùng tiến bộ như một đại gia đình, vượt qua biên giới, ngôn ngữ và hệ tư tưởng.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Liên minh châu Phi (AU) chính thức trở thành thành viên thường trực của G20.

Ngoài các nước thành viên, hàng năm, chủ tịch G20 đều mời các nước khách mời tham gia các cuộc họp bên lề và hội nghị thượng đỉnh. Năm nay, Ấn Độ đã mời Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Hà Lan, Nigeria, Oman, Singapore, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) làm khách mời.

Năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên không dự hội nghị thượng đỉnh G20 kể từ khi giữ chức chủ tịch vào năm 2012. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng được xác nhận là sẽ vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20. 

Dự kiến trong hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo G20 cùng các quốc gia và tổ chức khách mời sẽ thảo luận và thống nhất ưu tiên chính sách trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới, từ biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ của các nước nghèo, thương mại, năng lượng, chống tham nhũng.

Hội nghị Thượng đỉnh G-20 đã khai mạc tại Ấn Độ.

Nhật Bản bắt đầu sứ mệnh đổ bộ mặt trăng

Ngày 7/9, Nhật Bản đã phóng một tên lửa mang theo tàu vũ trụ thám hiểm mặt trăng, tham vọng trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới hạ cánh xuống mặt trăng.

Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tên lửa H-IIA nội địa đã cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản ngày 7/9 và phóng thành công Tàu đổ bộ Thông minh để Điều tra Mặt trăng (SLIM).

Được mệnh danh là “Xạ thủ mặt trăng”, JAXA đặt mục tiêu hạ cánh SLIM trong phạm vi 100m tính từ địa điểm mục tiêu trên bề mặt mặt trăng, thấp hơn nhiều so với phạm vi thông thường là vài km.

JAXA cho biết trước khi phóng: “Bằng cách tạo ra tàu đổ bộ SLIM, con người sẽ tạo ra sự thay đổi về chất theo hướng có thể hạ cánh ở nơi chúng ta muốn chứ không chỉ ở nơi dễ hạ cánh. Nếu làm được việc này, chúng ta sẽ có thể hạ cánh xuống những hành tinh thậm chí còn khan hiếm tài nguyên hơn cả Mặt trăng”.

Trên toàn cầu, “trước đây chưa có trường hợp nào hạ cánh chính xác xuống các thiên thể có lực hấp dẫn đáng kể như Mặt trăng”, JAXA cho biết thêm.

Sứ mệnh trị giá 100 triệu USD dự kiến ​​sẽ tới mặt trăng vào tháng 2 năm sau.

Trước đó, chỉ có 4 quốc gia đã hạ cánh thành công trên mặt trăng, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và gần đây nhất là Ấn Độ.

Thành phố đông dân hàng đầu của Anh tuyên bố phá sản

Hội đồng thành phố Birmingham - cơ quan chính quyền địa phương lớn nhất nước Anh, nơi cung cấp dịch vụ cho hơn một triệu người, đã tuyên bố phá sản sau khi đệ trình thông báo theo Mục 114 vào ngày 5/9. 

Thông báo được đưa ra khi các nhà lãnh đạo hội đồng Birmingham không thể cân bằng ngân sách do mức thâm hụt phát sinh từ các yêu cầu trả lương ngang bằng - một nỗ lực nhằm cân bằng thu nhập giữa nam và nữ giới của nước Anh.

Trước đó, hồi tháng 6, hội đồng Birmingham đã phải thanh toán 1,1 tỷ bảng cho các yêu cầu này, khiến họ thâm hụt 650 - 760 triệu bảng Anh (816 - 954 triệu USD) ở thời điểm hiện tại, chưa kể tới các vấn đề về cài đặt hệ thống CNTT mới và việc chính phủ cắt giảm 1 tỷ bảng trong thập kỷ qua.

Hội đồng Birmingham cho biết “họ không có đủ nguồn lực” để tài trợ cho nghĩa vụ trả lương ngang bằng và dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 87 triệu bảng Anh (109 triệu USD) cho năm tài chính 2023-2024.

Trong một tuyên bố, lãnh đạo và phó lãnh đạo hội đồng do Đảng Lao động điều hành, John Cotton và Sharon Thompson, cho biết: “Giống như chính quyền địa phương trên khắp đất nước, rõ ràng là hội đồng thành phố Birmingham phải đối mặt với những thách thức tài chính chưa từng có – từ sự gia tăng lớn về nhu cầu xã hội của người trưởng thành cho tới thu nhập giảm đáng kể, chưa kể tới lạm phát tràn lan, rõ ràng là chính quyền địa phương đang phải đối mặt với một cơn bão toàn diện".

Trước tuyên bố của hội đồng thành phố Birmingham, đại diện Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 Phố Downing thừa nhận rằng việc hội đồng tuyên bố đang gặp khó khăn về tài chính sẽ khiến người dân “lo ngại”.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Ấn Độ đột phá trong cuộc đua không gian, Singapore có tân tổng thống

Cùng chuyên mục
Tin khác