Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ đe doạ trừng phạt Nga, Triều Tiên xác nhận phóng thử tên lửa

(VNF) - Căng thẳng tại Ukraine tiếp tục khiến mối quan hệ Mỹ - Nga thêm bất hoà, Dòng chảy phương Bắc 2 trở thành “điều kiện trao đổi” lợi ích, trong khi Triều Tiên lại khiến cả thế giới thêm phần bất an khi xác nhận phóng thử tên lửa,…là những sự kiện đáng chú ý trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ đe doạ trừng phạt Nga, Triều Tiên xác nhận phóng thử tên lửa

Tổng thống Mỹ tiếp tục đe doạ sẽ trừng phạt Tổng thống Nga Putin về căng thẳng xoay quanh Ukraine.

Biến chủng phụ của Omicron đã lan ra 50 quốc gia trên toàn thế giới

Dòng phụ của biến chủng Omicron có tên BA.2, hay còn gọi là "Omicron tàng hình” đã xuất hiện ở hơn 50 quốc gia trên thế giới, với hơn 8.000 ca nhiễm, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sở dĩ BA.2 được gọi là phiên bản “tàng hình” của Omicron vì chúng khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR. Mặc dù không nguy hiểm như BA.1 – một dòng phụ khác của Omicron được ví như biến thể Delta thứ 2, nhưng BA.2 có tốc độ lây lan nhanh gấp 1,5 lần so với BA.1, gây nên số lượng lớn ca nhiễm và đè nặng lên hệ thống y tế của một số quốc gia trên thế giới.

Mặc dù không dán nhãn BA.2 là một biến thể đáng lo ngại, tuy nhiên, các quan chức của WHO đã nhiều lần cảnh báo rằng các biến thể mới sẽ phát sinh khi Omicron lan rộng khắp thế giới với tốc độ chưa từng có.

Các nước ghi nhận nhiều ca nhiễm gồm Ấn Độ, Nam Phi, Anh, Đan Mạch, Canada. Trong đó, Đan Mạch được là nước ghi nhận số ca lây nhiễm BA.2 nhiều nhất, với hơn 6.500 ca/ngày.

Mỹ đe doạ trừng phạt Nga nếu tấn công Ukraine

Những diễn biến mới tại Ukraine tiếp tục khiến mối quan hệ giữa Mỹ cùng các đồng minh NATO và Nga trở nên gay gắt, thậm chí có nguy cơ dẫn tới các lệnh trừng phạt mới với đối phương, không loại trừ cả Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) cũng bị coi như một điều kiện trao đổi.

Phương Tây đã đe dọa áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế mạnh tay nếu Nga tấn công Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/1 thậm chí còn cho biết ông cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuyên bố của Tổng thống Biden được đưa ra sau khi các vòng đàm phán giữa Mỹ và Nga cũng như của Nga và Phương Tây về vấn đề Ukraine vẫn lâm vào ngõ cụt.

Căng thẳng giữa Nga và NATO đã leo thang trong thời gian qua khi phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 binh sĩ áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến đánh nước này, nhưng Moscow phủ nhận và khẳng định mọi động thái đều nhằm tự vệ. Các cuộc hội đàm trong tháng này giữa hai bên đã không thể xoa dịu căng thẳng, dù Washington và Moscow nhất trí tiếp tục thảo luận.

Mới đây, ngày 27/1, truyền thông phương Tây còn đưa tin Mỹ tự tin về việc Nga không thể tấn công Ukraine, vì Mỹ sẽ tác động khiến Dòng chảy phương Bắc 2 không thể được đưa vào vận hành.

Không chỉ Mỹ, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Nga sẽ chuốc lấy "hậu quả nghiêm trọng" nếu tấn công Ukraine, trong đó có trừng phạt kinh tế.

EU kêu gọi Nga lập tức giảm căng thẳng tình hình biên giới Ukraine, chấm dứt tình trạng tập trung đông quân số sát nước láng giềng và những phát ngôn đe dọa.

Quân lính Nga được triển khai tới sát biên giới Ukraine. 

Mỹ, Pháp công bố tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong nhiều thập kỷ

Ngày 28/1, Cục phân tích Kinh tế Mỹ và Cơ quan Thống kê Pháp đã công bố số liệu về tăng trưởng kinh tế quốc gia, hé lộ những con số đáng kinh ngạc về 2 nền kinh tế lớn trên thế giới trong nhiều năm.

Theo đó, bất chấp các khó khăn từ đại dịch và làn sóng nhiễm bệnh mới vào tháng 12/2021, tổng sản phẩm quốc nội Mỹ tăng với tốc độ 6,9% hàng năm trong quý IV, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 2,3% trong quý III.

Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã tăng tốc với tốc độ 5,7% - mức tăng cao nhất kể từ năm 1984 sau khi giảm 3,4% vào năm 2020, cao hơn 3,1% so với mức trước đại dịch, vượt qua mức dự đoán 5,5% của các nhà phân tích kinh tế, Cục phân tích Kinh tế Mỹ cho biết ngày 27/1.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 20 năm kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn kinh tế Trung Quốc.

Theo ước tính của Cục Phân tích Kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế đạt mức trung bình 5,5% do xuất khẩu, tiêu dùng cá nhân và các khoản đầu tư không thường xuyên tăng lên.

Nếu như Mỹ đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong gần 4 thập kỷ, thì Pháp đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 5 thập kỷ.

Cụ thể, theo Cơ quan Thống kê Pháp, tốc độ tăng trưởng kinh tế Pháp trong quý IV đã nhận được lực đẩy khi chi tiêu tiêu dùng tăng 0,4% dù đã chậm lại so với mức tăng mạnh 5,6% trong quý III giữa bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại, giúp tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp đạt 7% - mức cao nhất kể từ năm 1969.

Cơ quan Thống kê và Bộ trưởng Kinh tế Pháp đều nhận định kinh tế Pháp đã hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19 khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế nhờ tiến bộ trong chương trình tiêm chủng.

FED ra thông báo giữ lãi suất ở mức gần bằng 0

Ngày 26/1, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã ra thông cáo báo chí về việc quyết định giữ mức lãi suất của mình ở mức 0 – 0,25%, trái với dự đoán sẽ tăng lãi suất như ban đầu.

Theo đó, quyết định này được đưa ra trong điều kiện các hoạt động kinh tế và việc làm đang được củng cố dần, các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhiều nhất đã được cải thiện nhưng vẫn đang đối mặt với làn sóng lây lan dịch bệnh mới, tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao.

Mặc dù chưa quyết định tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại, Fed vẫn cho biết họ có kế hoạch tăng lãi suất và ngừng mua trái phiếu vào đầu tháng 3 – một trong những điều kiện để tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất có thể làm chậm lại nhu cầu của người tiêu dùng và kiềm chế lạm phát.

Biện pháp tăng lãi suất của Fed cũng có thể khiến lãi vay tín dụng cao hơn, các cá nhân và doanh nghiệp sẽ tiêu dùng một cách hợp lý hoặc đầu tư ít hơn, làm giảm áp lực đối với nguồn cầu và từ đó giảm lạm phát.

Tuy nhiên, việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất làm dấy nên lo ngại quá trình phục hồi kinh tế sẽ bị chậm lại và ảnh hưởng đến thị trường lao động. Ngân hàng trung ương cũng cho rằng đường đi của nền kinh tế Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến đại dịch Covid-19.

Triều Tiên xác nhận thử tên lửa mới

Ngày 27/1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa, gồm phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa dẫn đường chiến thuật đất đối đất, bất chấp các lệnh cấm thử vũ khí và biện pháp trừng phạt từ Liên hợp quốc.

Đây là lần thử tên lửa thứ 6 của Triều Tiên trong tháng 1/2022, sau các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 5, 11/1, tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa ngày 14/1, tên lửa đạn đạo chiến thuật ngày 18/1 và tên lửa hành trình ngày 25/1.

Đây được coi là một phần quan trọng trong kho vũ khí tầm ngắn đang ngày càng được mở rộng của Triều Tiên nhằm áp đẳo các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực.

Trong bối cảnh ngoại giao với Mỹ bế tắc, các vụ thử tên lửa mới của quốc gia Đông Á nhanh chóng thu hút sự chú ý của các quốc gia trên thế giới và khiến nhiều “ông lớn” như Mỹ và các đồng minh “đứng ngồi không yên”.

Theo Kyodo News, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang thu xếp để tổ chức một cuộc họp ngoại trưởng ba bên vào giữa tháng 2 tại Hawaii để thúc đẩy hợp tác đối phó các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho biết tần suất và thời điểm của các vụ thử tên lửa liên tiếp này đều bất thường, dường như Triều Tiên đang muốn khẳng định quốc gia sẽ không bỏ bê quốc phòng dù Mỹ cố thuyết phục họ từ bỏ vũ khí hạt nhân và thể hiện tiềm lực quân sự ngay trước thềm Thế vận hội Olympic Mùa đông sắp diễn ra.

Xem thêm >> Lo Nga cắt khí đốt, Mỹ - EU ráo riết tìm nguồn cung mới

Tin mới lên