Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nước Mỹ đối mặt loạt thách thức nghiêm trọng

(VNF) - Trong tuần vừa qua, việc chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới. Đồng thời, nước này cũng phải đối mặt với các thảm hoạ tự nhiên và nhiều nguy cơ khác với nền kinh tế.

Thế giới tuần qua: Nước Mỹ đối mặt loạt thách thức nghiêm trọng

Ảnh minh hoạ.

Thoát cảnh đóng cửa chính phủ trong gang tấc

Chỉ vài giờ trước "hạn chót", Nghị viện Mỹ cuối cùng đã thông qua được một thoả thuận để ngăn chặn chính phủ đóng cửa. 

Một dự luật, do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất, đã được Hạ viện thông qua một cách gấp rút, trước khi được chuyển tới Thượng viện và được đồng thuận một cách "chóng vánh" trong ngày 30/9 - ngày cuối cùng trước khi chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần.

Đề xuất này sẽ giữ cho chính phủ Mỹ hoạt động cho đến ngày 17/11 và có khoản tài trợ khắc phục thảm họa - nhưng không bao gồm viện trợ cho Ukraine, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp ở cả hai đảng.

Đự luật vào phút cuối của chính phủ cũng bao gồm một biện pháp đặc biệt để duy trì hoạt động của Cục Hàng không Liên bang (FAA). 

Thượng viện cũng đã thông qua dự luật với tỷ lệ 88-9 khi chỉ còn 2 giờ trước hạn chót.

Trước đó, ngày 29/9, Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã bác bỏ dự luật tạm thời tài trợ cho chính phủ do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất, nhằm gia hạn nguồn tài trợ của chính phủ thêm 30 ngày.

Nếu chính phủ Mỹ phải đóng cửa, hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ sẽ phải nghỉ việc tạm thời và những người khác sẽ bị buộc phải làm việc không lương cho đến khi tình trạng bế tắc được giải quyết. Bộ Quốc phòng dự kiến ​​rằng việc trả lương cho quân đội vào giữa tháng 10 sẽ bị trì hoãn nếu Nghị viện không ban hành luật trước ngày 11/10.

New York ban bố tình trạng khẩn cấp do lũ lụt

Ngày 29/9, một trận mưa kỷ lục đã "hạ gục" hệ thống thoát nước của thành phố New York, khiến nước lũ dâng cao tràn qua các đường phố và tràn vào các tầng hầm, trường học, tàu điện ngầm và xe cộ khắp thành phố đông dân nhất nước này.

Lượng mưa rơi trong một ngày tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York đạt gần 20 cm, nhiều hơn bất kỳ trận mưa nào kể từ năm 1948. Lượng mưa tương đương một tháng đã đổ xuống Brooklyn chỉ trong vòng 3 giờ.

Thống đốc New York Kathy Hochul đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Thành phố New York, Long Island và Thung lũng Hudson vào sáng 29/9 khi trận lũ lụt tồi tệ nhất xảy ra. Trong một cuộc phỏng vấn với WNBC-TV của New York, bà kêu gọi người dân ở nhà vì điều kiện đi lại nguy hiểm.

Bà Hochul nói: “Đây là một hiện tượng thời tiết rất khó khăn. Đây là một sự kiện đe dọa tính mạng. Và tôi cần tất cả người dân New York chú ý đến cảnh báo để chúng tôi có thể giữ an toàn cho họ”.

Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cũng ban bố tình trạng khẩn cấp cho bang của ông vào chiều 29/9.

Người dân New York gặp khó khăn khi di chuyển do mưa lớn gây lụt.

 

Lãi suất vay thế chấp tại Mỹ cao nhất gần 23 năm

Theo số liệu được công bố ngày 28/9 của công ty cho vay thế chấp Freddie Mac, lãi suất các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm trung trình ở mức 7,31% trong tuần này, cao hơn mức 7,19% trong tuần trước. Mức lãi suất này ở thời điểm một năm trước là 6,7%.

Ông Sam Khater, chuyên gia kinh tế trưởng của Freddie Mac, cho biết: “Lãi suất các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2000”.

Lãi suất cho vay thế chấp tăng mạnh khi giới đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, sau cuộc họp chính sách hồi tuần trước.

Lãi suất cho vay thế chấp thường dao động theo lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ, vốn biến động dựa trên sự tổng hòa của các yếu tố như những đồn đoán về các động thái của Fed, điều Fed thực sự làm và những phản ứng của giới đầu tư.

Khi lợi suất trái phiếu tăng, lãi suất cho vay thế chấp cũng tăng theo và ngược lại. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng từ 4,3% vào ngày 20/9 lên 4,6% tính đến ngày 27/9.

Ireland thu giữ lượng ma túy lớn nhất từ ​​trước đến nay, trị giá hơn 165 triệu USD

Đầu tuần này, cảnh sát Ireland cho biết vụ bắt giữ ma túy lớn nhất từ ​​trước đến nay trong lịch sử Ireland đã bị chặn lại ngoài khơi bờ biển Cork ở phía đông nam đất nước.

Tổng giám đốc Cục Doanh thu và Hải quan Gerry Harrahill cho biết số cocaine nặng 2.253 kg, trị giá ước tính khoảng 157 triệu EUR (165 triệu USD), đã bị thu giữ từ tàu “MV Matthew” đi từ Nam Mỹ.

Justin Kelly, Trợ lý Ủy viên An Garda Síochána, lực lượng cảnh sát Ireland, cho biết: “Đây là vụ thu giữ ma túy lớn nhất trong lịch sử của đất nước”.

Theo thông cáo báo chí, 3 người đàn ông, 31, 50 và 60 tuổi, đã bị bắt vì tình nghi phạm tội có tổ chức và hiện đang bị thẩm vấn tại các đồn Garda ở County Wexford.

Cảnh sát cho biết số ma túy này có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được chuyển cho các nhóm tội phạm ở Ireland, Vương quốc Anh và châu Âu.

Pakistan đóng cửa 56.000 trường học vì đau mắt đỏ

Ngày 27/9, các quan chức Pakistan cho biết hơn 56.000 trường học sẽ đóng cửa trong tuần này nhằm  ngăn chặn sự bùng phát hàng loạt của một loại virus truyền nhiễm ở mắt.

Thông báo được đưa ra sau khi Punjab, tỉnh đông dân nhất Pakistan, tuyên bố đóng cửa toàn diện sau khi ghi nhận 357.000 ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) kể từ đầu năm.

Nhiễm trùng mắt lây lan nhanh gây đỏ, ngứa và chảy nước mắt và nhiễm trùng có thể lây lan qua tiếp xúc bằng tay cũng như ho và hắt hơi.

Người phát ngôn bộ giáo dục Punjab, Zulfiqar Ali, nói với AFP: “Việc đóng cửa là một biện pháp chủ động nhằm bảo vệ tối đa cho học sinh khỏi bị lây nhiễm”.

Các trường học sẽ mở cửa trở lại từ thứ Hai (2/10) và tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) để hạn chế sự lây lan của bệnh nhiễm trùng đau mắt đỏ.

Xem thêm >> Mỹ hắt hơi thế giới sẽ cảm lạnh, còn khi Trung Quốc ‘đổ bệnh’ thì sao?

Tin mới lên