Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Tổng thống Biden công du châu Á, Phần Lan xin gia nhập NATO

(VNF) - Việc Phần Lan, Thụy Điển quyết tâm gia nhập NATO được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong tuần qua, bên cạnh chuyến công du đầu tiên tới châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoài ra, những diễn biến mới về dịch Covid-19 và dịch đậu mùa khỉ mới xuất hiện cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Thế giới tuần qua: Tổng thống Biden công du châu Á, Phần Lan xin gia nhập NATO

Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi lên nắm quyền.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Tính tới 6h sáng 21/5, theo trang thống kê worldometers.info, toàn thế giới đã ghi nhận 526,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó, có hơn 691.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24h qua. 

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Australia (49.921 ca), Mỹ (44.770 ca) và Đức (40.651 ca).

Trong vòng 7 ngày, có 5,6 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận. Các quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất trong tuần qua lần lượt là Triều Tiên (1,9 triệu ca), Mỹ (716.387 ca) và Đài Loan (499.671 ca). Trong đó, Triều Tiên là quốc gia duy nhất chứng kiến mức tăng vọt số ca nhiễm mới, vì trong 7 ngày trước đó nước này chưa công bố dịch.

Dù mới công bố dịch hơn 1 tuần, nhưng tình hình dịch tại Triều Tiên đang vô cùng phức tạp. Theo Yonhap, ngày 20/5, Triều Tiên đã ghi nhận thêm hơn 260.000 ca nghi mắc Covid-19, nâng tổng số trường hợp có triệu chứng sốt tại nước này lên hơn 2 triệu ca.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo quốc gia, Triều Tiên đã đạt kết quả tốt trong việc đối phó với dịch bệnh nhờ việc nước này vẫn duy trì được các hoạt động sản xuất chủ yếu và các dự án quy mô lớn vẫn được xúc tiến.

Ngoài Triều Tiên, Trung Quốc cũng là quốc gia vẫn đang tất bật với các công tác dập dịch tại nhiều thành phố lớn, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh.

Thành phố Thượng Hải, sau gần 2 tháng phong tỏa, đã bắt đầu mở lại các hoạt động đầu tiên từ ngày 16/5, với các trung tâm mua sắm, siêu thị, hiệu thuốc, chợ ẩm thực, dịch vụ ăn uống và làm tóc sẽ tiếp tục hoạt động một cách có trật tự và theo giai đoạn.

Tại nhiều quốc gia, công tác tiêm phòng cho trẻ em và người lớn tuổi đang được đẩy mạnh. Ngày 17/5, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép vắc xin của Pfizer làm mũi tiêm bổ sung cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Tại Đức, Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) cũng khuyến cáo trẻ em từ 5-11 tuổi nên tiêm vắc xin để giảm tỷ lệ mắc bệnh vì trẻ em trong độ tuổi này có nguy cơ lây nhiễm cao.

Số ca nhiễm mới nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng giảm trên toàn cầu. Điều này khiến nhiều quốc gia bắt đầu quá trình chuyển Covid-19 thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, trước tình hình số ca nhiễm mới tại châu Phi bất ngờ tăng trở lại, CDC khu vực này đã cảnh báo có thể có biến thể mới sẽ sớm xuất hiện tại đây, đồng thời thông báo đang tiến hành nghiên cứu để xác định cụ thể.

Ngày 19/5 vừa qua, Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy khẳng định rằng quốc gia này “rất lạc quan” chuyển từ giai đoạn đại dịch Covid-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Ngày 20/5, theo thông báo của Ủy ban phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ Thái Lan, nước này sẽ cho phép các câu lạc bộ đêm và quán rượu, karaoke khôi phục lại thời gian hoạt động bình thường bắt đầu từ tháng 6 do số ca nhiễm mới hằng ngày liên tục giảm.

Cùng ngày, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ học kỳ sẽ bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới đây, học sinh THCS và THPT nhiễm Covid-19 vẫn có thể tới trường tham gia kỳ thi bình thường. 

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 23/5, Bỉ sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, tàu hoả, taxi và bãi bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại. Người dân sẽ chỉ phải đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế và đảm bảo khoảng cách an toàn 1,5m tại các phòng mạch tư.

Virus đậu khỉ liên tục xuất hiện tại nhiều quốc gia

Đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm virus hiếm gặp, họ hàng của virus sởi. Virus đậu mùa có hai chủng chính là chủng Congo và chủng Tây Phi. Trong đó chủng Congo thường gây bệnh nặng hơn, với tỉ lệ tử vong khoảng 10%, và chủng Tây Phi là khoảng 1%.

Virus đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958, và tên bệnh được đặt xuất phát từ thực tế là hai đợt bùng phát một căn bệnh như bệnh đậu mùa xảy ra trên những con khỉ trong phòng thí nghiệm được giữ để nghiên cứu.

Loại virus này trước đây chỉ xuất hiện giới hạn ở châu Phi, tuy nhiên, kể từ đầu tháng 5, châu Âu và Bắc Mỹ đã thông báo hàng chục trường hợp nghi nhiễm hoặc đã xác nhận nhiễm virus đậu mùa khỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh này đang bắt đầu lan rộng và có thể dẫn tới một đại dịch mới trong khi Covid-19 còn chưa kết thúc.

Đến ngày 20/5, thêm nhiều quốc gia châu Âu báo cáo các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp như Tây Ban Nha (7 ca), Bồ Đào Nha (14 ca), Italia: (1 ca), Anh (7 ca), sau khi virus đậu mùa khỉ hiếm gặp được ghi nhận đang có dấu hiệu bùng phát tại Mỹ và Canada.

Ngày 18/5, Mỹ ghi nhận ca nhiễm virus đậu khỉ đầu tiên tại Massachusetts, sau khi một người đàn ông di chuyển bằng ô tô tới Canada và bị lây bệnh từ châu Âu.

Bệnh có biểu hiện tương tự như bệnh đậu mùa, và thường có triệu chứng nhẹ. Các biểu hiện chính thường gặp của bệnh là sốt, đau cơ, sưng mặt và toàn thân. Các nốt mụn nước xuất hiện trên da trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu sốt, đi kèm các triệu chứng như đau nhức cơ, nhức đầu và cảm lạnh. Các triệu chứng bệnh xuất hiện từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan này đang phối hợp với giới chức y tế Anh và Liên minh châu Âu (EU) để đánh giá về bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời khuyến nghị các trường hợp nhiễm virus nên được cách ly riêng để nghiên cứu, đánh giá.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện nay vẫn chưa có vắc xin chuyên dung, tuy nhiên, theo WHO và giới chức y tế Anh, vắc xin đậu mùa vẫn có thể sử dụng và làm giảm tới 85% nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Thụy Điển, Phần Lan quyết tâm gia nhập NATO

Ngày 15/5 vừa qua, Phần Lan và Thụy Điển đã đưa ra quyết định lịch sử về việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, sau hơn 70 năm theo đuổi chính sách trung lập và không liên minh quân sự, Phần Lan đã “bắt đầu kỷ nguyên mới bằng cách xin gia nhập NATO, nhằm đảm bảo sẽ không có chiến tranh xảy ra trên lãnh thổ nước này.

Tương tự, cùng ngày 15/5, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển cho biết nước này cũng sẽ chính thức gửi đơn sẽ từ bỏ 200 năm không liên minh quân sự và xin gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Phần Lan.

Hai quốc gia cho biết đã cùng gửi đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5.

Được biết, việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO được thúc đẩy bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Việc có đường biên giới chung với Nga dường như đang khiến Phần Lan trở nên bất an hơn bao giờ hết và tìm kiếm sự bảo vệ của NATO. Thụy Điển cũng là quốc gia bị ảnh hưởng bởi những bất ổn trong khu vực, do đó, việc 2 quốc gia này quyết định từ bỏ sự trung lập để tìm tới NATO là điều hoàn toàn hợp lý.

Việc Phần Lan và Thụy Điển muốn gia nhập NATO được hoan nghênh bởi các nước Anh, Pháp, Canada và phần lớn lãnh đạo các quốc gia thành viên khối. Tuy nhiên, trong nội bộ NATO, quyết định này lại vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia do Helsinki và Stockholm bị cáo buộc hậu thuẫn cho tổ chức người Kurdistan (PKK), một tổ chức đã chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hàng thập kỷ qua.

Việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO cũng bị phía Nga lên án và bị đánh giá là có thể dẫn tới việc điều động các loại vũ khí nguy hiểm hơn từ Moscow.

Trước mắt, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ xem xét lợi ích của toàn bộ các đồng minh và quyết tâm tham gia tổ chức của Phần Lan và Thụy Điển, sau đó mới có thể đi đến kết luận về việc kết nạp thành viên mới.

Để có thể gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ cần nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 30 quốc gia thành viên. Một số nhà ngoại giao tính toán quá trình phê chuẩn của các nước thành viên có thể phải mất đến 1 năm hoặc lâu hơn.

Tổng thống Joe Biden công du châu Á

Ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên chuyên cơ Air Force One tiến tới châu Á, bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày với điểm đến là 2 quốc gia đồng minh thân thiết với Mỹ: Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi ông Biden lên nắm quyền Nhà Trắng vào năm 2021.

Đến chiều 20/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ đã đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam. Ngay sau khi hạ cánh, ông Biden đã cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến thăm nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Samsung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại nhà máy Samsung chiều ngày 20/5.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ông Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol để trao đổi về một loạt vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự kiến gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, nhấn mạnh cam kết của hai nước đồng mình phối hợp cùng nhau nhằm củng cố các chuỗi cung ứng.

Cũng trong chuyến đi này, ông Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ (Quad), được tổ chức ngày 24/5 tại Tokyo (Nhật Bản). Hội nghị này dự kiến sẽ là nơi khởi động cho Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), nhằm giải quyết các vấn đề như chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và thương mại kỹ thuật số.

Bên cạnh các vấn đề liên quan tới kinh tế, chuyến công du của Tổng thống Mỹ dự kiến cũng sẽ bao gồm các hạng mục nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của đối thủ Trung Quốc tới các quốc gia châu Á, “xoay trục” các quốc gia trong khu vực hướng về Mỹ và cả tình hình hạt nhân đang nóng dần lên tại Triều Tiên.

Nga cắt khí đốt tới Phần Lan

Ngày 20/5, theo thông báo từ công ty cung cấp năng lượng nhà nước Gasum của Phần Lan, phía Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho nước này từ 7h ngày 21/5 (giờ địa phương) do Helsinki không đồng ý với phương án thanh toán khí đốt bằng ruble.

Ông Mika Wiljanen, CEO của Gasum cho biết phía Phần Lan “lấy làm tiếc” khi bị cắt nguồn cung khí đốt, song quốc gia này đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống nguồn cung bị gián đoạn và hoàn toàn có thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng của mình trong thời gian tới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Phần Lan phụ thuộc vào Nga với gần 68% lượng khí đốt tự nhiên vào năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt của Nga chỉ chiếm 5% trong tổng hỗn hợp năng lượng tiêu thụ của quốc gia Bắc Âu, bao gồm năng lượng tạo ra từ nhiên liệu sinh học và các nguồn hạt nhân, theo dữ liệu từ Eurostat và Mạng lưới các nhà vận hành hệ thống truyền tải khí đốt của Châu Âu.

Theo hãng thông tấn Interfax, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Phần Lan đạt trung bình khoảng 3,2 triệu m3 mỗi ngày từ ngày 1/1 đến ngày 16/3/2022.

Nếu Nga cắt khí đốt, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thực phẩm sẽ phải tìm nguồn cung thay thế hoặc điều chỉnh sản xuất.

Được biết, ngoài đường ống nối với Nga, mạng lưới cung cấp khí đốt của Phần Lan còn kết nối với châu Âu thông qua đường ống BalticConnector chạy từ nước này tới Estonia. Nhờ đó, Phần Lan vẫn có thể tiếp tục nhận khí đốt và còn có thể sử dụng kho chứa dưới lòng đất tại Latvia.

Đến nay, Phần Lan là quốc gia thứ 3 bị Nga cắt nguồn cung khí đốt, sau Ba Lan và Bulgaria. Đây là các quốc gia kiên quyết không chấp nhận phương án thanh toán bằng đồng ruble được Moscow đưa ra hồi tháng 3, khiến nhà cung cấp Gazprom của Nga buộc phải cắt nguồn cung khi đến hạn thanh toán.

Trước khi bị cắt nguồn khí đốt, Phần Lan cũng đã bị Nga cắt nguồn cung điện từ ngày 14/5 do không thanh toán tiền điện.

Việc Moscow cắt nguồn cung điện và khí đốt cho Phần Lan, xét trên một góc độ khác, cũng được coi là đòn “trả đũa” sau khi Helsinki tuyên bố sẽ gia nhập NATO vào ngày 15/5 vừa qua.

Xem thêm >> Nga tiếp tục gọi tên nước ‘lĩnh đòn’ cắt khí đốt

Tin mới lên