Thế giới tuần qua: Tổng thống Haiti bị ám sát, Mỹ trừng phạt 14 công ty Trung Quốc

Minh Đăng - 10/07/2021 15:46 (GMT+7)

(VNF) - EU đề nghị Anh trả hơn 47 tỷ euro để dàn xếp tài chính hậu Brexit; Tổng thống Haiti bị ám sát; tàu Ever Given rời Kênh đào Suez; Mỹ trừng phạt 14 công ty Trung Quốc là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
(Ảnh minh họa).

EU đề nghị Anh trả hơn 47 tỷ euro để dàn xếp tài chính hậu Brexit

Liên minh châu Âu (EU) cho biết Vương quốc Anh có trách nhiệm trả 47,5 tỷ euro (56,2 tỷ USD) cho EU, như một phần của thỏa thuận dàn xếp tài chính hậu Brexit.

Báo cáo ngân sách hợp nhất của EU cho năm 2020 cho biết, khoản tiền này được ghi nợ theo một loạt các điều khoản mà cả hai bên đã thống nhất trong thỏa thuận Brexit. Anh sẽ thanh toán trước 6,8 tỷ euro trong năm nay, phần còn lại sẽ trả sau.

Tổng số tiền 47,5 tỷ euro đã được đề cập trong báo cáo là "khoản phải thu ròng từ Anh".

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Anh khẳng định chi phí để dàn xếp Brexit vẫn chỉ nằm trong giới hạn đặt ra trước đó là 40,74-45,40 tỷ euro.

Số tiền 47,5 tỷ euro nói trên cao hơn đáng kể so với dự kiến của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Vương quốc Anh là 41,4 tỷ euro.

Báo cáo ngân sách của EU cho biết thêm, số tiền ban đầu trị giá 6,8 tỷ euro sẽ được Anh thanh toán vào năm 2021, phần còn lại sẽ được thanh toán sau.

Thỏa thuận thương mại và hợp tác giữa Anh và EU đã được ký kết vào tháng 12/2020, sau hơn 4 năm đàm phán khi Anh kết thúc 47 năm tư cách thành viên EU.

Tổng thống Haiti bị ám sát

Rạng sáng 7/7, một nhóm tay súng đã tấn công vào dinh thự riêng của Tổng thống Haiti Jovenel Moise.

Vị tổng thống 53 tuổi này đã bị trúng 12 phát đạn và tử vong sau đó. Đệ nhất phu nhân Martine cũng bị thương nặng và đã được đưa đến bang Florida (Mỹ) để điều trị.

Theo truyền thông địa phương, ít nhất 3 nghi phạm đã bị bắn hạ, 17 người đang bị cảnh sát giam giữ và 8 người khác đang bỏ trốn, trong đó có kẻ chủ mưu.

Trong số các nghi phạm có 26 người mang quốc tịch Colombia và 2 người mang quốc tịch Mỹ gốc Haiti.

Chính phủ Colombia đã cam kết sẽ hỗ trợ Haiti trong quá trình điều tra, bởi ít nhất 6 người trong số 28 nghi phạm của vụ tấn công được xác định là cựu quân nhân Colombia.

Theo các nhà chức trách Haiti, động cơ của vụ ám sát vẫn chưa được xác định.

Tuy nhiên, trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise đã phải đối mặt với làn sóng kêu gọi từ chức vì bị phe đối lập cho là “tham quyền cố vị”.

Ngày 9/7, Chính phủ Haiti đã đề nghị Mỹ cử khoảng 500 binh sỹ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng gồm hải cảng, sân bay và hệ thống năng lượng của nước này.

Tàu Ever Given rời kênh đào Suez

Sau gần 4 tháng neo đậu ở Kênh đào Suez (Ai Cập), “siêu tàu” Ever Given chở hơn 18.000 container hàng hóa đã chính thức được phóng thích ngày 7/7.

Theo người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA), ông Osama Rabie, SCA và Tập đoàn Hàng hải Evergreen đã ký thỏa thuận bồi thường liên quan đến con tàu Ever Given.

Sau khi thỏa thuận được ký kết, con tàu vận chuyển container dài 400m đã rời Kênh đào Suez, tiếp tục hành trình hướng đến cảng biển Rotterdam lớn nhất châu Âu.

Tàu Ever Given được hai tàu kéo hộ tống qua Hồ Great Bitter cũng như xuyên suốt hành trình trên Kênh đào Suez.

Trước đó, ngày 6/7, Tòa án Kinh tế tỉnh Ismailia của Ai Cập đã đồng ý cho gỡ bỏ lệnh tạm giữ đối với con tàu khổng lồ Ever Given, cho phép tàu rời Kênh đào Suez trong ngày 7/7 để tiếp tục hành trình đến Rotterdam, theo yêu cầu của SCA.

Mỹ liệt 14 công ty Trung Quốc vào danh sách đen

Bộ Thương mại Mỹ ngày 9/7 thông báo đã đưa thêm 34 thực thể vào danh sách đen về kinh tế, trong đó có 14 công ty của Trung Quốc.

Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, 14 công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt có "liên quan đến những vi phạm và xâm hại nhân quyền ở Tân Cương".

14 thực thể này bao gồm Học viện Điện tử và Công nghệ Thông tin Trung Quốc; Côn ty Công nghệ Viễn thông Xinjiang Lianhai Chuangzhi; Công ty Công nghệ Thông tin (CNTT) Hữu nghị Thâm Quyến; Công ty CNTT Xinjiang Sailing; Công ty CNTT Beijing Geling Shentong; Công ty Công nghệ Shenzhen Hua'anta và Công ty Bảo mật Chengdu Xiwu.

20 doanh nghiệp và tổ chức còn lại trong đợt bổ sung danh sách trừng phạt này là các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân từ Nga và Iran. Ngoài ra, năm thực thể khác hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc cũng được đưa vào danh sách trừng phạt của Washington.

Các công ty bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" sẽ buộc phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại và chịu sự giám sát gắt gao khi xin phép nhận hàng từ các nhà cung cấp Mỹ.

Phản ứng trước động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/7 tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các công ty của mình.

Xem thêm >> Bị liệt vào danh sách đen, doanh nghiệp Trung Quốc kiện chính phủ Mỹ

Cùng chuyên mục
Tin khác