Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ tới Ukraine

(VNF) - Trong tuần từ 10 - 16/7, nhiều sự kiện đáng chú ý đã diễn ra trên khắp các châu lục. Trong đó, hội nghị thượng đỉnh các quốc gia NATO, thông tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên cũng như việc Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ thăm Ukraine là những sự kiện được quan tâm nhất.

Thế giới tuần qua: Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Hàn Quốc bất ngờ tới Ukraine

Ảnh minh hoạ.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ICBM

Theo hãng thông tấn KCNA, ngày 12/7, Triều Tiên đã phóng 1 tên lửa đạn đạo ICBM, thường được gọi là tên lửa Hwasong-18, ra vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Tên lửa trên đã bay 1.001 km trong 4.491 giây đạt đến độ cao 6.648 km trước khi lao xuống vùng biển phía Đông nước này. 

Vụ phóng tên lửa diễn ra sau khi Triều Tiên cáo buộc Mỹ điều máy bay trinh sát chiến lược xâm phạm vùng không phận bên trên vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho biết vụ phóng tên lửa mới nhất là một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ trước các động thái quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có phản ứng mạnh mẽ trước vụ thử ICBM của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định vụ phóng của Triều Tiên là hành vi bất hợp pháp. Ông Yoon cũng yêu cầu tăng cường cam kết răn đe mở rộng của Mỹ, thông qua Nhóm Tham vấn hạt nhân mà lãnh đạo Hàn - Mỹ đã nhất trí thành lập nhằm thảo luận về kế hoạch hạt nhân và chiến lược.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã lên tiếng phản đối vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhận định Triều Tiên đã phóng tên lửa với tần suất ngày càng tăng trong năm nay.

Hãng Yonhap News của Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngày 12/7. 

Hội nghị thượng đỉnh NATO 

Trong 2 ngày 11 -12/7 tại Vilnius (Litva), Hội nghị thượng đỉnh thường niên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra với nội dung chính liên quan tới việc kết nạp Thuỵ Điển làm thành viên và cuộc xung đột tại Ukraine.

Tại hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ thay đổi ý định, ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Quyết định của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường để NATO có thể kết nạp thành viên thứ 32 trong vài tháng tới.

Trong khi đó, các quốc gia trong khối vẫn cho rằng Ukraine chưa thể trở thành thành viên NATO. Tại hội nghị, NATO đã quyết định xóa bỏ yêu cầu về Kế hoạch hành động Thành viên (MPA) cho Ukraine, song các cường quốc NATO đã bác khả năng mời Ukraine gia nhập liên minh trước khi xung đột với Nga kết thúc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích sự do dự của NATO, cho rằng liên minh “không có thiện chí mời Ukraine gia nhập, cũng không muốn nước này trở thành thành viên”.

Song tại hội nghị, các nước thành viên NATO đã đưa ra cam kết sẽ cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Cụ thể, Đức cam kết viện trợ quân sự thêm 771 triệu USD cho Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ cùng Anh cung cấp tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine.

Tổng thống Hàn Quốc thăm Ukraine

Ngày 15/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ có chuyến công du lần đầu tiên đến Ukraine, gặp và hội đàm với Tổng thống Volodimir Zelensky.

Theo đại diện báo chí của Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Đệ nhất Phu nhân Kim Keon Hee đã đến Ukraine vào đầu ngày 15/7 từ Ba Lan. Ông đã đến thăm Bucha, sau đó tới Irpien. Ông dự định đặt vòng hoa tại một tượng đài chiến tranh và tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Chuyến đi bất ngờ diễn ra sau khi ông Yoon Suk Yoon tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Litva và đến thăm Ba Lan trong tuần này. Tại Ba Lan, ông Yoon Suk Yoon bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và tìm cách hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga.

Là đồng minh của Mỹ và là nhà xuất khẩu vũ khí mới nổi, Hàn Quốc phải đối mặt với áp lực cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây là điều mà chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yoon đã phản đối và thay vào đó chỉ viện trợ nhân đạo và tài chính.

Tổng thống Ukraine và Tổng thống Hàn Quốc gặp mặt. 

Nợ công thế giới tăng cao kỷ lục

Theo báo cáo mới có tên "A world of Debt" của Liên Hợp Quốc, được công bố ngày 12/7 trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 và cuộc họp của các thống đốc ngân hàng trung ương từ ngày 14 - 18/7, nợ công trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong hai thập kỷ qua, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng gấp 3 lần kể từ năm 2002.

Tính tới năm 2022, nợ công thế giới, bao gồm tổng nợ trong nước và nước ngoài của chính phủ, đã tăng lên mức kỷ lục 92.000 tỷ USD. Trong đó, các nước đang phát triển chiếm gần 30% nợ công toàn cầu, trong đó 70% là của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển phải đối mặt với tỷ lệ nợ trên GDP trên 60%, ngưỡng cho thấy mức nợ cao.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết thêm: "Nợ đã trở thành gánh nặng đáng kể đối với các nước đang phát triển do khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, chi phí đi vay tăng, đồng tiền mất giá và tăng trưởng chậm chạp".

"Các quốc gia đang phải đối mặt với sự lựa chọn bất khả kháng là trả nợ hay phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân", LHQ cho biết.

Liên Hợp Quốc cho biết các bên cho vay nên mở rộng nguồn tài chính của họ, với các biện pháp như tạm thời đình chỉ các khoản phụ phí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - khoản hoa hồng tính cho người vay sử dụng hạn mức tín dụng của IMF một cách rộng rãi - và tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần.

EU thông qua đạo luật chip mới

Ngày 11/7, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng chip bán dẫn của khối. Đạo luật mới, được gọi là "Đạo luật chip châu Âu", đạt  mục tiêu tăng gấp đôi thị phần của khối trên thị trường sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, từ mức dưới 10% hiện nay, lên ít nhất 20% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, EU sẽ phải huy động khoản đầu tư công và tư trị giá 43 tỷ EUR (47 tỷ USD). Đạo luật cũng kêu gọi EU dành khoản ngân sách 3,3 tỷ EUR để thực hiện mục tiêu trên, cũng như để tăng cường nghiên cứu và phát triển.

Đạo luật chip châu Âu có ba mục tiêu chính: Xây dựng năng lực quy mô lớn và đổi mới, đảm bảo EU tự cung tự cấp và chuẩn bị cho EU đối phó với các cuộc khủng hoảng nguồn cung có thể xảy ra trong tương lai. Đạo luật chip sẽ đầu tư 6,2 tỷ EUR để thúc đẩy công nghiệp hóa các công nghệ tiên tiến, thành lập các trung tâm năng lực để phát triển kỹ năng và đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính.

Đạo luật chip là một phần trong chiến lược tăng khả năng tự cung tự cấp của châu Âu, được đưa ra sau khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang do xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa diễn ra và ngành sản xuất châu Á trỗi dậy, hoạt động của châu Âu trong lĩnh vực này giảm dần trong những thập kỷ gần đây.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Nắng nóng kỷ lục bao trùm, chính phủ Hà Lan bất ngờ sụp đổ

Tin mới lên