Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nắng nóng kỷ lục bao trùm, chính phủ Hà Lan bất ngờ sụp đổ

(VNF) - Thế giới đã trải qua những ngày nhiệt độ cao kỷ lục trong tuần vừa qua, bên cạnh những sự kiện đáng chú ý tại Hà Lan và những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Thế giới tuần qua: Nắng nóng kỷ lục bao trùm, chính phủ Hà Lan bất ngờ sụp đổ

Ảnh minh hoạ.

Thế giới ghi nhận nhiệt độ kỷ lục

Trong tuần vừa qua, thế giới đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong 4 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày 4/7, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,18 độ C.

Đến ngày hôm sau, kỷ lục lại một lần nữa được thiết lập khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục đạt 17,18 độ C. Theo trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ, kỷ lục này đã bị phá vỡ vào ngày 6/7 khi nhiệt độ toàn cầu ở mức 17,23 độ C.

Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ gây hậu quả lớn. Giới chức Mexico công bố báo cáo cho thấy tính đến cuối tháng 6 nước này có 112 người tử vong kể từ tháng 3 vì nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ cao.

Một đợt nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ đã khiến 44 người thiệt mạng tại bang Bihar. Trung Quốc cũng đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt.

Các nhà nghiên cứu cho biết nguyên nhân dẫn tới việc sức nóng bao trùm phần lớn trái đất hiện nay là do hiện tượng El Nino kết hợp với khí thải nhà kính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

Một số nhà khoa học đánh giá mặc dù các tập dữ liệu của cơ quan trên có từ giữa thế kỷ XX, nhưng gần như chắc chắn rằng nhiệt độ nóng nhất của hành tinh ghi nhận trong tuần này cũng là kỷ lục của một khoảng thời gian dài hơn nhiều, dựa trên những gì thấy được từ dữ liệu khí hậu trong nhiều thiên niên kỷ trích xuất từ lõi băng và rạn san hô.

Chính phủ Hà Lan sụp đổ

Ngày 7/7, Chính phủ liên minh của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã sụp đổ do bất đồng không thể vượt qua về cách giải quyết vấn đề người di cư. Dự kiến, cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.

Ông Rutte thông báo 4 đảng trong liên minh cầm quyền đã không thể đi đến thỏa thuận sau những ngày đàm phán căng thẳng.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi các cuộc đàm phán đổ bể, Chủ tịch đảng Tự do (VVD) trung hữu thừa nhận: “Các đối tác trong liên minh cầm quyền có những quan điểm rất khác nhau về chính sách di cư… Chúng tôi đã kết luận rằng không thể vượt qua được những khác biệt. Vì vậy, tôi sẽ sớm trình đơn từ chức lên nhà Vua”.

Cùng ngày, Chính phủ Hà Lan xác nhận Thủ tướng Rutte đã trình đơn từ chức và sẽ đến tiếp kiến nhà Vua Willem-Alexander trong ngày 8/7.

Ủy ban bầu cử Hà Lan cho biết cuộc bầu cử mới dự kiến sẽ được tổ chức sớm nhất vào giữa tháng 11 tới. Ông Rutte sẽ điều hành một chính phủ tạm quyền cho tới khi bầu cử diễn ra.

Liên minh cầm quyền hiện nay là liên minh thứ 4 do ông Rutte lãnh đạo kể từ khi nhậm chức lần đầu vào năm 2010. Tuy nhiên, liên minh này chỉ mới lên nắm quyền từ tháng 1/2022, sau thời gian đàm phán kỷ lục là 271 ngày và vẫn chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề.

Các đảng đã bất đồng về kế hoạch của ông Rutte siết chặt các biện pháp hạn chế đoàn tụ gia đình của người xin tị nạn, biện pháp vốn nhằm hạn chế số người di cư sau vụ bê bối hồi năm ngoái liên quan đến các trung tâm tị nạn quá tải khiến một em nhỏ thiệt mạng và hàng trăm người phải ngủ ngoài trời.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ thăm Trung Quốc

Ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày tại Trung Quốc nhằm xoa dịu mối quan hệ đầy căng thẳng giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới.

Giống như Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng trước trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden, bà Yellen tìm kiếm một sự cân bằng tinh tế giữa hòa giải và tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh chấm dứt các hành vi mà Washington cho là có hại cho các công ty Mỹ và phương Tây.

"Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu phức tạp, hai nền kinh tế lớn nhất cần liên lạc chặt chẽ và trao đổi quan điểm về cách ứng phó của chúng ta trước những thách thức khác nhau.

Làm như vậy có thể giúp cả hai bên hiểu đầy đủ hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu và đưa ra quyết định tốt hơn để củng cố nền kinh tế của chúng ta", bà Yellen nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng.

Đồng thời, bà Yellen nhắc lại Washington muốn đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh với một "bộ quy tắc công bằng" có lợi cho cả hai nước theo thời gian.

Ngày 7/7, bà Yellen đã có cuộc gặp mặt kéo dài 5 tiếng đồng hồ với ông He Lifeng. Trong đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi liên lạc chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Mỹ để cải thiện việc ra quyết định kinh tế, bất chấp những căng thẳng song phương.

Lời kêu gọi được đưa ra khi trong tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát xuất khẩu đối với 2 kim loại được sử dụng rộng rãi trong chất bán dẫn và xe điện với danh nghĩa bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của mình.

Xem thêm >> Bị phương Tây ‘giáng đòn’ vào ngành sản xuất chip, Trung Quốc đáp trả

Iran trở thành thành viên SCO

Ngày 4/7, Iran đã chính thức trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau 15 năm viết đơn gia nhập.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhấn mạnh việc nước này chính thức trở thành thành viên thứ 9 của SCO sẽ mang tới những lợi ích lịch sử.

Nhà lãnh đạo này tin tưởng, tư cách thành viên của Iran trong SCO sẽ đặt nền móng cho việc đảm bảo an ninh tập thể, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng tính kết nối, đoàn kết, đảm bảo sự tôn trọng lớn hơn đối với chủ quyền của các quốc gia, đồng thời tăng cường các mối quan hệ hợp tác trong bối cảnh giải quyết các mối đe dọa về môi trường.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh tư cách thành viên chính thức của Iran trong SCO là bước tiến quan trọng trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao toàn diện, mở rộng mối quan hệ với các nước láng giềng, cũng như theo đuổi cách tiếp cận "hướng tới châu Á".

SCO là một tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng Trung Á và cũng là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới về phạm vi địa lý và dân số (chiếm tới 40% dân số thế giới và 28% tổng GDP toàn cầu).

Tổ chức này được thành lập bởi Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan vào năm 2001, và hiện đang tạo thành thị trường khu vực lớn nhất thế giới với 8 thành viên chính thức và 3 quốc gia quan sát viên. Ấn Độ và Pakistan đã trở thành thành viên thường trực của SCO từ năm 2017.

Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo SCO được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 4/7. (Ảnh: FNA)

Threads - Ứng dụng mới "khuấy đảo thế giới ảo" của Meta

Ngày 5/7, Meta - chủ sở hữu của Instagram, Facebook và WhatsApp, đã ra mắt dịch vụ mới nhất của mình, được gọi là Threads. Mặc dù được liên kết với Instagram, trọng tâm chính của ứng dụng mới là chia sẻ các đoạn văn bản ngắn. Người dùng có thể đăng tối đa 500 ký tự hoặc chia sẻ video dài tối đa 5 phút.

Mark Zuckerberg đã giới thiệu ứng dụng như một nơi trú ẩn “thân thiện” cho các cuộc thảo luận công khai trực tuyến, tạo ra sự khác biệt rõ ràng với Twitter thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk.

"Chúng tôi chắc chắn đang tập trung vào lòng tốt và biến nơi này trở thành một nơi thân thiện", CEO Zuckerberg của Meta cho biết hôm ra mắt dịch vụ.

Ứng dụng mới của Meta được phát hành trên các cửa hàng ứng dụng iOS hoặc Android, có mặt tại hơn 100 quốc gia (trừ Liên minh châu Âu). Chỉ sau 2 ngày ra mắt, ứng dụng này đã thu hút tới 70 triệu người dùng, trở thành ứng dụng được tải xuống hàng đầu tại các cửa hàng ứng dụng.

Sự thành công ban đầu của Threads nhanh chóng mang lại nhiều "lời ra tiếng vào" cho ứng dụng này. Bên cạnh đó, ứng dụng này dường như cũng đã khiến ông chủ Twitter Elon Musk "nóng máu".

Vài giờ sau khi Threads hoạt động, Musk, người đã mua lại Twitter vào tháng 10, đã tweet: “Thà bị người lạ tấn công trên Twitter còn hơn là đắm chìm trong niềm hạnh phúc giả tạo trên Instagram ẩn giấu nỗi đau”. 

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Bất ổn lan rộng ở châu Âu, Nhật - Hàn cải thiện quan hệ

Tin mới lên