Tài chính quốc tế

Thế kẹt và lời cảnh báo với Châu Âu: Lạm phát xuống chậm, không vội giảm lãi suất

(VNF) - Các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang đối mặt với lạm phát giảm chậm hơn dự kiến. Điều này dấy lên lo ngại làn sóng lạm phát thứ hai có thể trở lại khi các rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu.

Thế kẹt và lời cảnh báo với Châu Âu: Lạm phát xuống chậm, không vội giảm lãi suất

Số liệu do cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone tăng 2,6% trong tháng 2/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, mức này cao hơn so với mức dự báo tăng 2,5% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra.

CPI lõi - chỉ số không tính đến hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn về giá cả là thực phẩm và năng lượng - tăng 3,1%, cũng cao hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. 

Tổng hợp Trading Economics

Lạm phát bất ngờ cao hơn kỳ vọng đã dấy lên lo ngại rằng, lãi suất cao của ECB sẽ được giữ ở mức cao lâu hơn so với kỳ vọng trước đây là bắt đầu giảm vào nửa đầu năm 2024. Các nhà kinh tế chỉ ra lạm phát dịch vụ cao dai dẳng là yếu tố chính khiến các nhà hoạch định lãi suất lo lắng về nguy cơ cắt giảm lãi suất quá sớm. Giá dịch vụ khu vực đồng euro đã tăng 3,9% trong tháng Hai, chỉ giảm nhẹ so với mức tăng 4% liên tiếp trong ba tháng trước đó.  

Tổng hợp từ Euro Stat

Con số lạm phát dịch vụ này "sẽ khuyến khích nhiều thành viên của hội đồng quản trị đang kêu gọi sự kiên nhẫn, khiến bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trước tháng 6 rất khó xảy ra", Marco Valli - Kinh tế trưởng châu Âu tại ngân hàng UniCredit của Ý cho biết. 

Theo ông Robert Holzmann - Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo cho biết: "Chúng tôi đã theo dõi dữ liệu lạm phát đến từ cấp độ châu Âu và quốc gia, và những gì chúng tôi thấy là chúng xác nhận quan điểm của tôi rằng phải chờ đợi, phải chú ý và không thể vội vàng đưa ra quyết định" 

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng đồng tình với quan điểm trên khi bà phát biểu rằng: "Điều mà tôi không muốn thấy là chúng ta đưa ra quyết định vội vàng khiến lạm phát tăng trở lại và phải thực hiện nhiều biện pháp hơn. Chúng ta chưa có đủ bằng chứng để tin tưởng rằng lạm phát sẽ đạt được mục tiêu trung hạn 2% và duy trì ở mức đó" trong bài phát biểu vào ngày 15/02/2024.

Thành viên Ban điều hành Isabel Schnabel đã cùng với Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel và các quan chức diều hâu khác cảnh báo không nên giảm chi phí đi vay quá sớm, với những rủi ro bao gồm lạm phát dịch vụ dai dẳng, thị trường lao động kiên cường và căng thẳng Biển Đỏ. 

Bên cạnh đó tiền lương là động lực ngày càng quan trọng của lạm phát trong những quý tới. Các công cụ theo dõi tiền lương của ECB tiếp tục phát tín hiệu áp lực và có sự chững lại trong các thoải thuận tiền lương tại Eurozone vào những tháng cuối năm 2023.

Trong quý 4, lương thương lượng chỉ tăng 4,5%, giảm so với mức kỷ lục 4,7% trong ba tháng trước đó, theo chỉ số do ECB tổng hợp. "Áp lực tiền lương năm 2024 đặc biệt phụ thuộc vào kết quả của các vòng đàm phán đang diễn ra hoặc sắp tới, ảnh hưởng đến phần lớn lao động tại Eurozone trong vài tháng tới", bà Lagarde cho biết. 

Theo Bloomberg

Dù lạm phát giảm chậm hơn kỳ vọng tuy nhiên sự giảm tốc của lạm phát tiếp tục hiện hữu tại hầu khắp 20 quốc gia thành viên Eurozone. Trong tuần vừa rồi, một loạt nền kinh tế lớn nhất khối gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha đều báo cáo lạm phát giảm. Riêng Italy cho biết tốc độ lạm phát đi ngang trong tháng 2.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 3 của Vermi Finance “Triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Âu vẫn chưa có nhiều biến chuyển khi các chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn đang dò đáy và chưa có sự hồi phục rõ ràng. Lạm phát tại Châu Âu tiếp tục hạ nhiệt tuy nhiên ít nhất phải đến tháng 6, sau khi có những số liệu mới về tăng trưởng mức lương tại Châu Âu hoặc sau khi lạm phát cơ bản  áp  sát mức 2% thì ECB mới có thể bắt đầu giảm lãi suất”. 

Nhiều khả năng trong cuộc họp vào tháng 3, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và tiếp tục chờ đợi thêm những tín hiệu tiếp theo từ tăng trưởng lương thưởng cũng như những bằng chứng rõ ràng hơn về việc lạm phát sẽ giảm về mức 2% trong thời gian tới trước khi chính thức giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Châu Âu vực dậy khỏi suy thoái vốn đã kéo dài từ khủng hoảng năng lượng do những vấn đề địa chính trị giữa Nga và Ukraine vào năm 2022. 

Tin mới lên