Thế khó của Điện Gia Lai: Nợ 10.000 tỷ, 4 dự án điện gió bị điều tra

Hà Giang - 22/08/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Dù kết quả 6 tháng đầu năm 2024 có khởi sắc, nhưng cõng trên vai khối nợ lớn và chưa rõ câu chuyện về 4 dự án điện gió bị điều tra sẽ ra sao đang tạo một thế khó cho Điện Gia Lai.

Công ty cổ phần Điện Gia Lai (HoSE: GEG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 đã soát xét.

Theo đó Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.227 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng ở mức 596,8 tỷ đồng, tăng 39% so với năm ngoái.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 18,5 tỷ đồng, giảm 26% so với năm ngoái. không đủ để bù đắp chi phí tài chính ở mức 414,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12% xuống còn 72,6 tỷ đồng và không ghi nhận chi phí bán hàng. Khấu trừ chi phí, Điện Gia Lai báo lãi sau thuế 127,5 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, Điện Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 3.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 270 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt là 39% và 47% kế hoạch năm.

Áp lực nợ vay lớn

Để triển khai loạt dự án điện năng lượng tái tạo, thủy điện, Điện Gia Lai phụ thuộc lớn vào khoản tín dụng và phát hành trái phiếu.

Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Điện Gia Lai ở mức 16.063 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ở mức 10.193 tỷ đồng. Chiếm 97% nợ phải trả là nợ vay là 9.942 tỷ đồng (gồm 1.314 tỷ đồng vay ngắn hạn và 8.628 tỷ đồng vay dài hạn).

Chiếm 97% nợ phải trả là nợ vay là 9.942 tỷ đồng

Phần lớn các khoản nợ vay của Điện Gia Lai tập trung cho các dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (khoảng 2.740 tỷ đồng), Tân Phú Đông 2 (khoảng 1.566 tỷ đồng), VPL Bến Tre (khoảng 1.063 tỷ đồng) và Ia Bang 1 (khoảng 1.131 tỷ đồng).

Đáng chú ý, cả 4 dự án điện gió trên đều nằm trong danh sách 32 dự án điện gió, điện mặt trời liên quan đến vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố mà Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang yêu cầu một số cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ điều tra.

Ngoài ra, các khoản vay tập trung cho các dự án điện mặt trời Krong Pa, Hàm Phú 2. Tài trợ vốn cho Điện Gia Lai lớn nhất là Ngân hàng Vietcombank, sau đó có BIDV, Worri Việt Nam và một số công ty cho thuê tài chính khác.

Cổ đông ngoại ‘đứng ngồi không yên’

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Điện Gia Lai là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió được thành lập vào năm 1989. Sau nhiều lần tăng vốn, tại thời điểm năm 2023 vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 4.054 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông, Điên Gia Lai có 3 cổ đông lớn là: Jera Asian VietNam Holding Pte.Ltd nắm 29,54%; DEG - Deutsche Investitions nắm 16,63%; Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công nắm 14,13% vốn. Ngoài ra Điện Gia Lai có loạt công ty con của TTC Group đang nắm giữ lượng lớn vốn cổ phần của Điện Gia Lai.

Đáng chú ý, Tập đoàn Jera Asian VietNam Holding Pte.Ltd trở thành cổ đông lớn nhất sau khi chi khoảng 15 tỷ yên (112 triệu USD) để mua 35,1% cổ phần vào tháng 8/2022. Giá trị thương vụ này tương đương hơn 2.700 tỷ đồng. Thời điểm này, cổ phiếu GEG có giá 22.800 đồng/cổ phiếu.

Từ đó đến nay, cổ phiếu GEG liên tục “lao dốc”. Đặc biệt sau thông tin 4 dự án điện gió bị điều tra, giá trị cổ phiếu này càng giảm mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 21/8 cổ phiếu GEG đang giao dịch quanh mức 13.100 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, khoản đầu tư của Tập đoàn Jera Asian VietNam Holding Pte.Ltd đã “bốc hơi” khoảng hơn 45% giá trị so với thời điểm đầu tư.

Trong một cuộc trao đổi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ vào tháng 7/2023, đại diện của Tập đoàn Jera Asian VietNam Holding Pte.Ltd đã nhấn mạnh về tính phức tạp trong việc đầu tư các dự án năng lượng, đòi hỏi việc thực hiện cam kết tuân thủ các yêu cầu của dự án (thỏa thuận mua bán điện, giấy phép, quy định) phù hợp với các tiêu chuẩn cho vay quốc tế.

Tuy nhiên, việc toàn bộ các nhà máy điện gió đang hoạt động của GEC bị điều tra có thể là một tình huống nghiêm trọng, đòi hỏi các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn từ phía cổ đông lớn để phù hợp với định hướng đầu tư và mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Cùng chuyên mục
Tin khác