Thị trường

Thép Cà Ná gây tranh cãi vẫn vào Quy hoạch ngành thép đến năm 2025

(VNF) - Dự thảo lần 2 "Quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035" của Bộ Công Thương công bố hôm nay vẫn đưa dự án thép Cà Ná vào trong quy hoạch ngành.

Thép Cà Ná gây tranh cãi vẫn vào Quy hoạch ngành thép đến năm 2025

Bộ Công Thương vẫn đưa dự án thép Cà Ná vào trong Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035

Ngày 11/12, Bộ Công Thương đã chính thức công bố dự thảo lần 2 "Quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035".

Theo đó, sau khi lấy ý kiến một số bộ, ngành, đơn vị có liên quan, tiếp thu và chỉnh sửa, Bộ Công Thương đã giới thiệu toàn văn dự thảo lần hai quyết định này để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn chỉnh.

Đáng chú ý, tại phần Phụ lục 2, Danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đưa dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận vào quy hoạch dù dự án này từng gây tranh cãi trước đó.

Cụ thể, đến năm 2020, Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận giai đoạn 1 sẽ được thực hiện theo công nghệ lò cao/sắt xốp với công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, Trong đó, công suất sản xuất phôi vuông 2 triệu tấn/năm còn phôi dẹt là 2,5 triệu tấn/năm.

Từ năm 2021 – 2025, sẽ thực hiện giai đoạn 2 của dự án vẫn với công nghệ lò cao/sắt xốp, công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phôi vuông giảm xuống còn 1,5 triệu tấn/năm còn phôi dẹt tăng lên 3 triệu tấn/năm.

Từ năm 2026 – 2031, dự án sẽ triển khai giai đoạn 3 với cùng công nghệ, công suất thiết kế 7 triệu tấn/năm, trong đó, công suất phôi vuông là 2 triệu tấn/năm, phôi dẹt là 5 triệu tấn/năm.

Một điều đáng chú ý khác nữa là tại Danh mục này, Bộ Công Thương đã không nêu tên chủ đầu tư của dự án là ai. Đây cũng là điều cũng được lặp lại đối với các dự án khác.

Tuy nhiên, trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035 của Bộ Công Thương đã xác định dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Tổng thể dự án được dự kiến chia làm 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031.

Theo Dự thảo lần 2

Theo Dự thảo lần 2 "Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép..." dự án thép Cà Ná sẽ được thực hiện với 3 giai đoạn

Bộ Công Thương khẳng định: "Quy hoạch hệ thống sản xuất thép là quy hoạch ‘mềm’ có tính chất định hướng và phải phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đảm bảo huy động hợp lý có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế".

Bộ cho biết mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng sản xuất thép thô từ gang lỏng và sắt xốp sản xuất trong nước lên 21 triệu tấn; năm 2025 đạt 46 triệu tấn; năm 2035 đạt 55 triệu tấn gang và sắt xốp.

Mục tiêu sản xuất phôi thép đến năm 2020 đạt 32,3 triệu tấn; năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn; năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn phôi thép. Phấn đấu tỉ lệ phôi sản xuất từ gang theo công nghệ lò cao/sắt xốp năm 2020 đạt 65%, năm 2025 đạt 80% và năm 2035 đạt 83%.

Về giải pháp vốn, Bộ cho biết sẽ tiến hành huy động vốn của các thành phần kinh tế thông qua việc thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước.

Dự thảo lần 2, thép Cà Ná vẫn vào Quy hoạch ngành thép đến năm 2025

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2035 sản xuất được 55 triệu tấn gắng và sắt xốp

Ngoài ra, để đảm bảo thị trường trong nước, Bộ sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, ngăn chặn những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hoặc không phù hợp với xuất xứ hàng hoá được quy định trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với quy định thương mại quốc tế.

Dự thảo cũng lưu ý sẽ đặt ra các yêu cầu để bảo vệ môi trường như lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi... tại các cơ sở sản xuất gang, thép;tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất thép về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường; nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi chứa kim loại nặng, khí thải... được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép.

Tin mới lên