Tài chính quốc tế

'Thị trấn ma' đổi đời nhờ cuộc 'di cư' lịch sử của ngành ô tô Mỹ

(VNF) - Ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã khiến nhiều thị trấn ở vùng nông thôn "lột xác" khi các “ông lớn” xe hơi đang tìm về nơi đây để xây dựng các nhà máy ô tô khổng lồ.

'Thị trấn ma' đổi đời nhờ cuộc 'di cư' lịch sử của ngành ô tô Mỹ

Làn sóng di cư của các nhà sản xuất ô tô đang diễn ra trên quy mô lớn sau sự bùng nổ của xe điện.

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ đang tiến hành một cuộc "di cư" về phía Nam khi các hãng xe đổ hàng tỷ USD vào xây dựng các nhà máy mới ở Georgia, Kentucky và Tennessee.

Stanton, một thị trấn với 400 dân, đang chuẩn bị khai trương một khu phức hợp sản xuất ô tô khổng lồ của Ford. Sau khi đi vào hoạt động, cơ sở rộng 3.600 mẫu Anh của Ford dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 6.000 công nhân, gấp khoảng 15 lần dân số hiện tại của Stanton.

Các cư dân ở đây đang bận rộn lên kế hoạch tái thiết thị trấn, nơi vốn chỉ có một nhà hàng thịt nướng và một vài nghĩa trang. Họ dự định sẽ xây dựng hàng nghìn ngôi nhà mới, mở rộng hệ thống trường học địa phương và có khả năng sẽ thành lập lực lượng cảnh sát để giữ gìn an ninh trật tự trong thời gian tới.

Cuộc sống của người dân tại thị trấn nhỏ thay đổi sau sự xuất hiện của nhà máy sản xuất ô tô Ford.

Khuôn viên nhà máy của Ford, được gọi là BlueOval City, hiện đang dần được hoàn thiện tại khu vực cách Memphis khoảng 50 dặm. Theo kế hoạch, BlueOval City sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2025.

Thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở khu vực này rơi vào khoảng 40.000 USD/tháng. Một phần năm cư dân ở đây sống trong cảnh nghèo đói.

Cách nhà máy của Ford một quãng ngắn là quán thịt nướng SUGA’s Diner – nơi tụ tập của những người công nhân xây dựng. Chủ quán SUGA’s Diner cho biết: “Khi chúng tôi mới đến, nơi đây chỉ là một thị trấn ma không hơn không kém”. Thế nhưng giờ đây, chủ quán cho biết cô đã kiếm được nhiều gấp 3 lần số tiền mà cô từng kiếm được trước khi đến thị trấn này.

Nhiều nhà hàng và quán cafe tại đây cũng được “hồi sinh” sau khi các nhà máy sản xuất ô tô được xây dựng ở đây. Hoạt động kinh doanh vốn từng ảm đạm vì không có khách nay đã sôi động hơn, với mức doanh thu tăng vọt trong năm qua.

Làn sóng cư dân cũng đang dần dịch chuyển về nơi đây, khiến thị trấn thưa thớt người bừng sức sống. Dân cư của thị trấn này dự kiến sẽ tăng lên gần 10.000 người trong thập kỷ tới.

Làn sóng di cư của các nhà sản xuất ô tô trong những năm qua.

Sự thay đổi trong vị trí địa lý của các nhà máy sản xuất ô tô đã âm thầm diễn ra trong nhiều thập kỷ qua nhưng chỉ đến khi xe điện bùng nổ, cuộc “di cư” này mới thực sự diễn ra ồ ạt.

Thay vì Detroit, “đại bản doanh” của nhiều ông lớn trong ngành sản xuất ô tô như Ford, Tesla hay Hyundai hiện đang gấp rút xây dựng các nhà máy lắp ráp và cơ sở sản xuất pin mới. Một trong số đó có diện tích bằng 60 sân bóng đá.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ann Arbor, Michigan, các hãng xe ô tô đã công bố hơn 110 tỷ USD đầu tư liên quan đến xe điện ở Mỹ kể từ năm 2018. Trong đó, khoảng một nửa số tiền này được dành cho các bang miền Nam nước Mỹ.

Ông John Mohr, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sử học ô tô, cho biết hành trình đi về phía Nam của ngành công nghiệp ô tô có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của nhiều thị trấn nhỏ ở nơi đây.

Miền Nam nước Mỹ đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ qua để thu hút các nhà sản xuất ô tô. Nhiều thị trấn, thành phố ở đây đã xây dựng các tuyến đường thủy, cải thiện mạng lưới điện... để sẵn sàng cho cuộc lột xác trở thành siêu đô thị đầy tiềm năng khi các nhà máy sản xuất ô tô đặt “căn cứ địa” ở đây.

Nhà máy sản xuất của Hyundai đang được xây dựng ở Georgia.

Chính quyền địa phương và các viện kỹ thuật cũng đã hợp tác để đào tạo thế hệ công nhân sản xuất mới, ngay cả trước khi một số nhà máy được xây dựng. Đơn cử như các nhà lãnh đạo của bang Georgia đã tới châu Á để tìm hiểu máy móc được sử dụng trong các nhà máy của Hyundai, từ đó sử dụng dây chuyền lắp ráp mô phỏng và đào tạo nhân viên.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của miền Nam nước Mỹ bước đầu đã thành công. Vào tháng 5/2022, Hyundai thông báo sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện và nhà máy sản xuất pin trị giá 5,5 tỷ USD tại bang Georgia. Khu phức hợp này là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử của bang, dự kiến sẽ bổ sung thêm khoảng 8.100 việc làm.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhiều người cũng lo ngại rằng các nhà máy ô tô sẽ phá hủy cuộc sống của người dân nơi đây. Họ cho rằng chúng sẽ góp phần khiến tình trạng giao thông đông đúc hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm hơn. “Tôi nghĩ rằng cả điều tốt nhất và điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến”, một người dân chia sẻ khi được hỏi về sự xuất hiện của các nhà máy sản xuất ô tô ở vùng quê phía Nam nước Mỹ.

Tin mới lên