Tài chính

Thị trường hàng trăm tỷ USD trên toàn cầu nhưng ở Việt Nam là 'đứa con rơi'

(VNF) - Tài chính cá nhân là cụm từ không còn mấy xa lạ đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Phát triển tài chính cá nhân có thể mở ra và phát triển thị trường hàng trăm tỷ USD trong thời gian tới.

Thị trường hàng trăm tỷ USD trên toàn cầu nhưng ở Việt Nam là 'đứa con rơi'

Tọa đàm "Financial Advisor – Nghề cố vấn tài chính chuyên nghiệp”.

Thị trường tài chính cá nhân vẫn là “đứa con rơi”

Tài chính cá nhân và phát triển tài chính cá nhân không còn là chuyện riêng của người giàu mà đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với những người có nguồn thu nhập thấp và giới trẻ. Tại Tọa đàm "Financial Advisor – Nghề cố vấn tài chính chuyên nghiệp” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 14/11, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) khẳng định, tài chính cá nhân đang là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Chỉ cần gõ cụm từ “tài chính cá nhân” trên Google, ngay lập tức người tìm có thể thu được hàng trăm nghìn lượt hiển thị chỉ trong vài giây và số lượt kết quả hiển thị liên tục tăng qua từng tháng.

Mặc dù được quan tâm nhiều nhưng thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc. Trình độ dân trí tài chính tại nước ta vẫn còn hạn chế trong khi khả năng hoạch định tài chính cá nhân vẫn còn khiêm tốn.

“Theo khảo sát của VFCA trên địa bàn Hà Nội, trên 80% người tham gia khảo sát không biết đến tài chính cá nhân và không quan tâm nhiều đến tài chính cá nhân. Cuộc khảo sát tại TP.HCM vào tháng 8/2023 cũng ghi nhận kết quả tương tự”, TS Lê Minh Nghĩa cho biết.

Chưa kể, thông tin về tài chính cá nhân ngày càng được mở rộng nhưng lại là thông tin mở, đa số còn lập lờ khiến nhiều người như rơi vào ma trận khi tìm hiểu về tài chính cá nhân. Từ việc thiếu tiếp cận đến tài chính cá nhân, nhiều người đã thất bại trong việc đầu tư, dùng nguồn thu từ lao động quá khứ để “tiền đẻ ra tiền”.

Thị trường tài chính chỉ vững vàng khi có 3 “chân kiền” nhưng ở Việt Nam, thị trường tài chính chỉ có 2 chân là tài chính công và tài chính doanh nghiệp. "Trong thị trường này, tài chính cá nhân giống như một “đứa con rơi” và hầu hết các hoạt động đều là tự phát và chỉ ở trong không gian hẹp", TS Lê Minh Nghĩa nhận định.

Tiềm năng của nghề tư vấn tài chính ở Việt Nam

Quy mô thị trường tài chính Việt Nam hiện tại tập trung chủ yếu ở các kênh chính là tổ chức tín dụng, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, bảo hiểm và bất động sản với tổng tài sản thị trường tài chính đạt 25.035 nghìn tỷ đồng vào năm 2022.

Ở kênh tổ chức tín dụng, Việt Nam lọt top 2 quốc gia có tỷ lệ người dân tiếp cận thị trường tài chính cá nhân thấp nhất thế giới. Theo ThS Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành công ty cổ phần Tư Vấn Đầu Tư và Quản Lý Gia Sản FIDT, hơn 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng hơn 50% trong số đó không tiếp cận tín dụng.

Về quy mô thị trường bảo hiểm, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn, dao động trong khoảng từ 72 – 75 triệu USD, trong khi con số này ở thị trường mới nổi là 175 USD và ở thị trường phát triển là 4.664 USD.

Trong khi đó, 92% người Việt có mong muốn mua nhà nhưng trong đó 58% phải trì hoãn việc mua nhà trong 5 năm vì vấn đề tài chính.

Ông Huấn cho biết nhìn vào bức tranh toàn cảnh, rõ ràng thị trường tài chính cá nhân Việt Nam vẫn còn rất “thơm”. Trên thực tế, thống kê của McKinsey & Company vào hồi tháng 9/2023 cũng chỉ ra rằng, thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) tại Việt Nam ước tính đạt 600 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR khoảng 15%, phát triển nhanh hơn các quốc gia châu Á khác.

Tỷ trọng tài sản được quản lý trong tổng tài sản tài chính cá nhân (PFA) dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Chính vì thế, các tổ chức và tư vấn tài chính đang đứng trước cơ hội hưởng lợi từ cơ hội quản lý tài sản rất lớn. Song song với đó, nghề tư vấn tài chính cá nhân cũng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, thậm chí là bùng nổ.

Tiềm năng là thế nhưng thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam vẫn còn rất “hoang sơ” và chưa phát triển tương xứng. Theo ông Huấn, 5 lý do chính dẫn đến thực trạng này là: Tiềm năng khách hàng chưa được khai thác do quá thiếu năng lực chuyên môn; người dân thiếu niềm tin vào các tổ chức tài chính; yêu cầu tài chính của khách hàng không được đáp ứng; các sản phẩm quản lý gia sản thiếu cả chiều sâu và chiều rộng; tương tác đa kênh hạn chế khi các tổ chức hiện chủ yếu tập trung vào tương tác vật lý với khách hàng.

Để có thể biến thách thức thành cơ hội, các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý và cơ chế cho thị trường tư vấn tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, những người tư vấn tài chính cá nhân cũng cần trau dồi thêm kiến thức về chuyên môn cũng như nắm vững các chiến lược tư vấn cho khách hàng để từ đó xây dựng cho khách hàng những phương án bảo vệ và đầu tư tài chính một cách tốt nhất.

“Người tư vấn tài chính phải làm bạn với khách hàng, xây dựng sự tin tưởng, trao đi giá trị chứ không phải trao vào tay khách hàng một sản phẩm tài chính”, ông Tony Dương, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân và tư vấn đầu tư tại IG Wealth Management (Canada), khẳng định.

Tin mới lên