Diễn đàn VNF

Thị trường tài chính sẽ ra sau khi tương lai TPP bị bỏ ngỏ?

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần bình tĩnh nghe ngóng phản ứng của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, về TPP để đưa ra quyết định hợp lý.

Thị trường tài chính sẽ ra sau khi tương lai TPP bị bỏ ngỏ?

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới

Năm 2017 được dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ môi trường kinh tế thế giới, trong đó có sự kiện ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Người, ngay trong chiến dịch tranh cử, đã đưa ra nhiều tuyên bố về chính sách kinh tế vì nước Mỹ, một chính sách bảo hộ và đóng cửa, hay rời bỏ TPP… Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao khi vị tân Tổng thống này lên ngôi? Thời báo Ngân hàng xin trích đăng một số nhận định của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nếu ông Doald Trump hành động như tuyên bố, sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam nhưng không có gì đáng hoảng hốt và lo ngại quá. Trong nền kinh tế hội nhập ngày nay, mỗi biến động ở mỗi nền kinh tế đều gây nên những tác động tới các quốc gia khác. Nhưng nước Mỹ không thể tự làm tất cả mọi việc và họ phải đắn đo kỹ trước với mỗi chính sách.

Hơn nữa, ngày 20/1/2017, ông Donald Trump mới chính thức nhậm chức, trực tiếp điều hành Chính phủ. Sau ngày 20/1 đó, còn 100 ngày ông Trump cùng với ê kíp của mình sẽ phải xây dựng các chương trình hành động, các dự thảo luật, sau đó trình ra lưỡng viện Hoa Kỳ để thông qua, khi đó mới đánh giá được các chính sách đó tác động đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam thế nào. Ông Trump nếu hành động sớm thì cũng phải sau 20/5/2017, và những tác động có thể có tới Việt Nam cũng phải đến cuối năm 2017.

Hơn nữa, có rất nhiều ràng buộc đối với một lãnh đạo quốc gia như nước Mỹ nên việc họ làm được đúng như điều họ nói là không dễ dàng. Vì từ lời hứa đến hành động phải theo trình tự pháp luật của Mỹ chứ không thể nóng vội được, nói xong phải làm ngay.

Việc Quốc hội có thông qua TPP hay không cũng phải xuất phát từ quyền lợi dân tộc chứ không phải xuất phát từ cam kết quốc tế. Chính vì thế Quốc hội Việt Nam cũng đang xem xét chưa thông qua TPP và với Mỹ cũng vậy, nếu họ thấy lợi ích của Mỹ, của quốc gia họ không được đảm bảo thì họ sẽ dừng cuộc chơi. Ông Trump thể hiện rõ các chính sách sẽ thay đổi theo hướng vì nước Mỹ, là nước Mỹ phải trở nên mạnh hơn.

Nếu ông Trump làm như những gì ông ta nói, thì ảnh hưởng đến Việt Nam không "khủng khiếp lắm". Sau cú sốc ngày đầu, trên thị trường thế giới đồng USD giảm giá, thị trường chứng khoán sụt giảm, thì thị trường đã trở lại.

Ở thị trường Việt Nam cũng vậy tỷ giá đã ổn định, thị trường chứng khoán đã thu hẹp đà giảm điểm. Với dự định tăng lãi suất của FED - nhìn vào động thái của họ - ít có khả năng xảy ra trong năm nay. Bởi có hạ lãi suất thì phải tới phiên họp ở tháng 12 này, nhất là với chính sách hướng nội của ông Trump. Tuy FED độc lập với Chính phủ Mỹ nhưng thực tế FED và Chính phủ luôn cùng mục tiêu vì sự phát triển của kinh tế Mỹ và tôi nhận thấy họ luôn có sự phối hợp chính sách rất nhịp nhàng.

FED đưa ra thông điệp sẽ tăng lãi suất, tôi cho rằng đó là một sự hối thúc đầu tư, họ nói vậy để các nhà đầu tư tăng tốc đầu tư vì nếu chậm mà FED tăng lãi suất thì giá đầu tư sẽ đắt hơn. Tôi cho rằng trong ngắn hạn thị trường tài chính Việt Nam sẽ ổn định, không đáng lo.

TS.Trương Văn Phước – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

TS Trương Văn Phước Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử cần thời gian để xem có hiện thực hóa được hay không. Phải đợi đến 20/1/2017, khi ông Trump chính thức nhậm chức. Khi đó nội các mới của ông Trump mới hình thành, dựa vào các chính sách kinh tế, an ninh quốc phòng, ngoại giao của một Chính phủ Mỹ mới như thế nào mới có thể nhận định được.

Tuy nhiên, ông Trump có những luận điểm phê phán lãi suất thấp của FED hiện nay, và ông Trump đã có ý đồ cho những gói kinh tế kích thích cầu nội địa của nền kinh tế Mỹ, liên quan đến thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, mà ở đó lãi suất rất quan trọng. Tôi cho rằng có những yếu tố mà chúng ta cũng cần phải tính toán, cân nhắc khi điều hành nền kinh tế.

Năm ngoái, FED tăng lãi suất 0,25%, nhưng năm nay, lạm phát Mỹ chưa đi vào quỹ đạo, thất nghiệp Mỹ chưa xử lý tốt, đó là lý do FED chưa tăng lãi suất. Tuy FED nói có thể tăng lãi suất vào cuối tháng 12 năm nay, nhưng có thể sẽ chưa. Tôi nghĩ quá trình tăng lãi suất sẽ diễn ra đều đặn hơn và với quy mô nhỏ hơn 0,25%. Còn nói về chính sách tiền tệ tổng thể trong một thời kỳ thì phải chờ tháng 1 năm sau…

TS.Lê Quốc Phương – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương):

TS Lê Quốc Phương Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương

Những tuyên bố của ông Trump thể hiện rõ ông ta theo chủ nghĩa hướng nội, bảo hộ và chính sách kinh tế đối ngoại của ông ta là đóng cửa, ngược hẳn với chính sách mở cửa và tự do hóa mà Hoa Kỳ đã theo đuổi hơn 10 năm nay qua 3 đời tổng thống trước. Ông Trump cho rằng thương mại tự do có hại cho kinh tế và việc làm của Mỹ nên muốn xóa bỏ các hiệp định thương mại và đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Hàng xuất khẩu của các nước trong đó có Việt Nam vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Và việc ông ta tuyên bố không ủng hộ TPP - chưa biết ông ta có ngăn cản được điều này hay không nhưng nếu Hoa Kỳ rút khỏi TPP như ông Trump tuyên bố, sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu, chúng ta cũng chịu ảnh hưởng.

Trường hợp không thể phá vỡ các cam kết quốc tế, TPP vẫn được thực thi thì ông Trump vẫn có thể sử dụng các công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước như tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế nhập khẩu, dựng thêm các hàng rào kỹ thuật… như thế sẽ gây khó và ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như: dệt may, giày dép, điện thoại, máy vi tính và điện tử, gỗ, máy móc và thủy sản… Nguy cơ kiện bán phá giá cũng tăng lên…

Tuy nhiên, tôi cho rằng dù ông Trump có cố gắng sử dụng các công cụ bảo hộ, thì quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ dù có chịu ảnh hưởng nhưng cũng chỉ ở một mức độ nhất định chứ không sụt giảm mạnh.

Phạm Sĩ An (Viện Kinh tế Việt Nam)

Phạm Sĩ An Viện Kinh tế Việt Nam

Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng hàng xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, mặt hàng Trung Quốc không sang Mỹ được, có thể sang Việt Nam. Khi đó mọi chuyện rất khó lường. Tuy nhiên tôi tin rằng tỷ giá không biến động lớn bởi tỷ giá của Việt Nam tuy có phần phụ thuộc vào bên ngoài nhưng phần nhiều phụ thuộc vào điều hành chủ quan của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian vừa qua thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam tương đối tốt.

Theo tôi, Việt Nam sẽ có nhiều thách thức nhưng cũng có một phần cơ hội. Hơn nữa, ngay trong tuyên bố chính sách của ông Trump bất tương thích, lời nói sau không tuân thủ lời nói trước, do đó nhiều người nghĩ Trump sau này sẽ không thực hiện. Nhưng cũng có thể Trump là một nhà kinh tế nên đưa ra những phương án hết sức định lượng, tính toán được, ông coi như một hợp đồng giữa ông và người dân Mỹ, hợp đồng đã ký phải thực hiện cho nên ông ta sẽ cố thực hiện những gì đã nói.

Ông Trump rất lạnh lùng cứng rắn, không theo một lề lối chính trị, do đó không loại trừ khả năng bỏ qua các cam kết quốc tế. Đối với Trump, nước Mỹ có sức mạnh để đàm phán nên không ngại gì khi sử dụng sức mạnh ấy.

Theo định lượng phân tích lý tính, tác động cơ hội của TPP đến Việt Nam rất tích cực từ phúc lợi xã hội, tăng trưởng GDP và thúc đẩy cải cách trong nước. Nếu TPP không được thông qua, những lợi ích tiềm năng Việt Nam có thể mất đi, giảm bớt sức ép cải cách trong nước mà ta đang nỗ lực thực hiện - đây là điều tôi lo ngại hơn là những tác động kinh tế thương mại.

TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách:

TS Nguyễn Đức Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách

Hiện nay Việt Nam đang quan tâm nhất đến TPP. TPP là sợi dây kết nối giữa Mỹ và Việt Nam cũng như các nước khác. Sợi dây kết nối ấy cũng quan trọng với Mỹ, nó như một mạng lưới bủa giăng ra cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ cần TPP hoặc một hình thức khác. Câu chuyện của tương lai là Mỹ và Trung Quốc nên không có TPP sẽ có một thứ khác tương tự như TPP, thậm chí có thể còn mạnh mẽ hơn TPP để đối chọi lại thế cân bằng.

TPP không phụ thuộc vào Trump hay bất kỳ tổng thống nào khác, bởi đó là vấn đề của nước Mỹ. Mỹ vẫn cần TPP chừng nào nước Mỹ còn theo chủ nghĩa can thiệp, vẫn theo vai trò là người duy trì và ổn định an ninh toàn cầu.

Việc ông Trump tấn công vào TPP như tấn công vào di sản của Obama để đánh lại người đương nhiệm có ý nghĩa về mặt tranh cử. Nhưng lúc đã thắng thì chính sách có thể mềm đi rất nhiều.

Ông Trump đe dọa nhiều nhưng bản chất đe dọa là nhằm tăng độ bất định của TPP lên, dãn TPP ra, hoặc thay đổi điều khoản của TPP nhưng không thể vứt bỏ TPP được. Kể cả ông có giữ lời hứa bỏ TPP thì còn có Quốc hội và các quan chức Nhà trắng, lãnh đạo Mỹ, họ không vứt bỏ TPP dễ dàng như vậy. Bỏ TPP sẽ mất đi một khoảng trống quyền lực đối với Trung Quốc. Như vậy Mỹ thiệt, đồng minh của Mỹ thiệt chứ không phải Việt Nam. Như vậy, không cần lo lắng quá nhiều.

Ông Trump tin rằng Trung Quốc định giá nhân dân tệ thấp, hàng hóa vào mạnh, tàn phá Mỹ. Trump yêu cầu Trung Quốc thay đổi tỷ giá, theo tôi Trung Quốc không làm. Và như vậy Trump sẽ mở cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, đánh thuế với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản, còn rất nhiều quyền lợi các bên. Nếu có chăng Trung Quốc sẽ điều chỉnh tỷ giá lên một chút và cũng không thể diễn ra ngay. Thế giới cũng sẽ có những điều chỉnh và thực sự chúng ta không đáng lo ngại.

Tin mới lên