Tiêu điểm

Thiếu vật liệu làm Vành đai 4, Bí thư Hà Nội yêu cầu công an kiểm soát khai thác đất, cát

(VNF) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, Công an thành phố vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên về việc khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản, ưu tiên phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Thiếu vật liệu làm Vành đai 4, Bí thư Hà Nội yêu cầu công an kiểm soát khai thác đất, cát

Hà Nội yêu cầu công an vào cuộc kiểm tra tình hình khai thác đất, cát trên địa bàn.

Báo cáo tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về mỏ vật liệu cho dự án, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án đường Vành đai 4 đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu đất, cát. Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra trên cả nước vì những vướng mắc về cơ chế, tiêu biểu như dự án đường cao tốc Bắc-Nam, giai đoạn 2, các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Theo ông Cường, đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát 17 mỏ đất với tổng trữ lượng 57,24 triệu m3, bao gồm 3 mỏ tại Hà Nội, 6 mỏ tại Hòa Bình, 4 mỏ tại Vĩnh Phúc, 4 mỏ tại Thái Nguyên. Trong đó, trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa có mỏ đất có giấy phép cấp cho các dự án xây dựng; qua khảo sát chỉ có 3 mỏ đất (chưa quy hoạch) với tổng trữ lượng khoảng 7,127 triệu m3, nhưng lại nằm trong quy hoạch rừng sản xuất hoặc đã có đề án đóng cửa mỏ, đang đề nghị tiếp tục khai thác.

Bên cạnh đó, đã khảo sát 32 mỏ cát với tổng trữ lượng 75,55 triệu m3, trong đó, có 24 mỏ tại Hà Nội. Trong số các mỏ này, 7 mỏ có giấy phép còn hiệu lực, trong đó, có 3 mỏ không khai thác, không hoạt động; 4 mỏ đang hoạt động khai thác. Ngoài ra, có 6 mỏ cát đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng 16,373 triệu m3; nếu thực hiện theo đúng quy trình thì phải mất hằng năm mới có thể đưa vào khai thác; nên cũng cần tính toán để áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định khai thác. 
 
Nhìn chung, nguồn cung đất, cát đắp phục vụ thi công đường Vành đai 4 tại Hà Nội đang khó khăn. Các nhà thầu mới chỉ sử dụng vật liệu từ nguồn thương mại bao gồm 12 mỏ đất đắp và cát đắp và không có mỏ nào thuộc địa bàn Hà Nội.

"Đặc biệt, đến nay, chưa có mỏ vật liệu nào được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vật liệu thương mại do vận chuyển xa (không phải trên địa bàn Hà Nội), nên giá cao hơn rất nhiều so với đơn giá nhà nước", ông Cường cho hay.

Hiện nay, để thực hiện theo cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu phục vụ dự án thành phần 2.1, nhà thầu Vinaconex đã đăng ký khai thác mỏ đất đồi Gò Đỉnh, mỏ cát Chu Phan; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đăng ký khai thác mỏ cát Thạch Đà 1, mỏ cát Chu Phan 1. 

Toàn cảnh hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, tập trung cao độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để lập danh mục các mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn thành phố bao gồm các mỏ đã có, đã giao và các mỏ mới bảo đảm trữ lượng, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa các thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác,

Đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để đưa khai thác, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND thành phố phải triển khai thực hiện ngay để kịp trình Thường trực HĐND thành phố hoặc kỳ họp HĐND thành phố, trong tháng 9 này, để bảo đảm đầy đủ tính pháp lý. Đồng thời,lưu ý phải tính toán trữ lượng vật liệu đủ cung cấp cho toàn tuyến, bảo đảm giá thành hợp lý.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng . Đồng thời, đề nghị giao Công an thành phố vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản, ưu tiên phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Tính đến ngày 8/9, toàn thành phố đã phê duyệt và thu hồi đất được 706,22/793,80ha, đạt 87,93%; di chuyển là 6.332/10.059 ngôi mộ, đạt 62,95%. Đến nay, Ban Quản lý đã tiếp nhận 638,35ha đất đã thu hồi, phần còn lại sẽ thực hiện bàn giao trong tháng 9/2023. Bên cạnh đó, 7 khu tái định cư đã được khởi công và thực hiện tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín.

Về tiến độ dự án thành phần 1.1 (di chuyển tuyến đường dây diện cao thế từ 110kV đến 500kV), Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán theo ý kiến góp ý của liên ngành. Sở Công Thương đang thẩm định và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2023, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán trong tháng 10/2023; phê duyệt và đấu thầu, ký hợp đồng trong tháng 11/2023. 

Đối với dự án thành phần 2.1, trên toàn tuyến đường song hành, các nhà thầu đã tổ chức 11 mũi thi công; trong đó, đã bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 10km, đắp nền K95 khoảng 1,5km, đang triển khai thi công rải vải địa kỹ thuật, cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu; đồng thời, đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 16 cầu vượt sông, kênh mương trên tuyến...

 

Tin mới lên