Tài chính

Thời của doanh nghiệp nhiệt điện?

(VNF) - Các doanh nghiệp nhiệt điện có khả năng sẽ ghi nhận một năm kinh doanh thuận lợi nhờ hiện tượng El Nino quay trở lại khiến điều kiện thủy văn gặp bất lợi, giúp tăng hiệu suất huy động nhiệt điện; cùng với đó là xu hướng hạ nhiệt của giá than và giá khí; đi kèm với bối cảnh tỷ giá diễn biến ổn định.

Thời của doanh nghiệp nhiệt điện?

Thời của doanh nghiệp nhiệt điện?

Năm của nhiệt điện

Trong báo cáo triển vọng ngành điện công bố gần đây, Công ty Chứng khoán SSI nhấn mạnh đến “sự trở lại của nhiệt điện” trong năm 2023. Sự trở lại này, theo quan điểm của SSI, xuất phát từ dự báo thủy điện sẽ kém thuận lợi trong 6 tháng cuối năm 2023 sau khi duy trì tích cực cho đến hết quý I/2023. Điều này dẫn đến việc nhiệt điện sẽ được huy động với hiệu suất cao hơn.

Bên cạnh đó, SSI cũng lưu ý đến khả năng căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ dịu đi, thậm chí đi đến thỏa thuận đình chiến trong năm nay, có thể khiến giá dầu khí và giá than giảm. Điều này có lợi cho nhiệt điện bởi đây là các nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất.

Có phần đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng hiện tượng La Nila đã kéo dài khoảng 3 năm từ năm 2020 nên nhiều khả năng sẽ bắt đầu suy yếu vào nửa đầu năm 2023, nhường chỗ cho hiện tượng El Nino, gây bất lợi cho các doanh nghiệp thủy điện. Các doanh nghiệp nhiệt điện với các nhà máy có tuổi đời còn mới, vận hành ổn định được kỳ vọng sẽ được huy động sản lượng cao hơn.

Về giá than, VCBS cho hay giá than toàn cầu được dự báo hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao trong năm tới. Lý do là Trung Quốc hiện đang chiếm hơn 50% sản lượng cung – cầu than, mặc dù đang có những tín hiệu khởi sắc trong việc nới lỏng kiểm soát Covid-19 nhưng thị trường bất động sản, xây dựng vẫn ảm đạm nên nhu cầu tiêu thụ than chỉ tăng nhẹ. Trong khi đó, nhu cầu than của EU được dự báo vẫn ở mức cao khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị siết chặt.

Giá than giảm rất mạnh trong thời gian gần đây nhưng vẫn neo mức khá cao. Nguồn đồ thị: Tradingeconomics.com

Về giá khí đốt, triển vọng hạ nhiệt phụ thuộc vào diễn biến xung đột giữa Nga và Ukraine, bởi Nga đang là quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ 4 thế giới. Trước đó, xung đột giữa 2 nước này đã đẩy giá LNG tăng vọt lên mức 70 USD/mmBTU vào đầu tháng 3/2022 trước khi hạ nhiệt về mức khoảng 30 USD/mmBTU, theo VCBS.

Nhìn xa hơn, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự báo mức độ tiêu thụ điện năng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới để giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-7% cho đến năm 2026 và trên 5,5% trong các năm sau đó. Vào năm 2030, HSC tin rằng tiêu thụ điện năng sẽ gấp đôi năm 2021, đạt trên 511 tỷ kWh dựa trên tốc độ tăng trưởng gộp bình quân 8,2% trong giai đoạn 2021-2030.

Để đáp ứng tiến trình này, HSC cho rằng nhiệt điện than và khí vẫn sẽ dẫn đầu quá trình mở rộng công suất.

“Mặc dù cam kết giảm mức phát thải ròng về không vào năm 2050, tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển điện than và điện khí để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia của HSC nhấn mạnh.

Doanh nghiệp bớt lo gánh nặng tỷ giá

Tháng 10/2022, tỷ giá USD/VND bỗng nhiên tăng vọt và neo ở vùng giá cao 24.000 – 25.000 trong tháng 11 rồi bắt đầu hạ nhiệt trong tháng 12. Diễn biến này phần nào gây bất lợi cho nhiều doanh nghiệp điện bởi đặc thù vay nợ quốc tế để đầu tư các dự án điện.

Sang đến đầu năm 2023, tỷ giá USD/VND hiện đã về vùng 23.500. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm nay, tiền đồng sẽ không mất giá mạnh như năm 2022 bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023; cùng với đó là trợ lực từ việc cán cân thanh toán cải thiện nhờ thặng dư thương mại; ngoài ra, chỉ số USD (DXY) được kỳ vọng đã lập đỉnh vào quý IV/2022 và xu hướng chủ đạo là giảm trong năm 2023.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng tỷ giá USD/VND dao động trong biên độ hẹp +/-3% trong năm 2023.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cũng dự báo tỷ giá sẽ duy trì ổn định trong năm nay.

“Mặc dù FED vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất nhưng tốc độ chậm lại, cùng với chỉ số DXY đã duy trì ổn định, sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ giá trong năm 2023. Nhờ vậy, chúng tôi cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ quay lại hồi phục trong năm 2023, đưa dự trữ ngoại hối về mức an toàn, tương đương xấp xỉ 100 tỷ USD”, phía VFS nêu quan điểm.

Như vậy, xét về “thiên thời, địa lợi”, các doanh nghiệp nhiệt điện có khả năng sẽ ghi nhận một năm kinh doanh thuận lợi nhờ hiện tượng El Nino quay trở lại khiến điều kiện thủy văn gặp bất lợi, giúp tăng hiệu suất huy động nhiệt điện; cùng với đó là xu hướng hạ nhiệt của giá than và giá khí; đi kèm với bối cảnh tỷ giá diễn biến ổn định. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhiệt điện niêm yết như PGV, QTP hay HND bứt phá trong năm 2023.

Tin mới lên