Thống đốc: ‘Cân nhắc bỏ room tín dụng khi điều kiện cho phép’
(VNF) - Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nền kinh tế hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngân hàng, việc loại bỏ hạn mức tín dụng sẽ được cân nhắc khi điều kiện cho phép.
Tại phiên chất vấn thuộc Chương trình Kỳ họp thứ 8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) về việc dỡ bỏ chính sách điều hành hạn mức tín dụng của NHNN.
Theo đó, Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 3 năm 2022 của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu và từng bước tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Để thực hiện chỉ đạo này, NHNN đã tiến hành đánh giá kỹ lưỡng thực trạng nền kinh tế Việt Nam, tình hình của hệ thống tổ chức tín dụng, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội.
“Qua quá trình phân tích, NHNN nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, chưa thể loại bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.
Bà cho biết thêm, nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Đã có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%, thậm chí có năm tăng trên 50%, gây ra hệ lụy rủi ro cho hệ thống, nhất là với các ngân hàng yếu kém, huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn.
Những rủi ro này càng gia tăng trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung và dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu qua thị trường chứng khoán chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Do đó, NHNN sử dụng hạn mức tín dụng để kiểm soát, phân bổ và giám sát mức tăng trưởng của các tổ chức tín dụng, đồng thời cảnh báo những tổ chức có mức tăng trưởng cao tiềm ẩn rủi ro.
Bà Hồng cũng lưu ý rằng tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện đang ở mức cảnh báo theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Vì vậy, NHNN đã báo cáo Chính phủ về việc chưa thể dỡ bỏ hạn mức tín dụng vào thời điểm này.
Tuy nhiên, NHNN vẫn linh hoạt điều chỉnh hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu thị trường, chỉ đạo cấp hạn mức theo đánh giá xếp loại từ cơ quan thanh tra, và ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, đồng thời giám sát chặt chẽ các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán.
“Đến cuối năm 2023, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2024, với định hướng khoảng 14 – 15%. Tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã thiết lập nguyên tắc điều chỉnh tự động khi tổ chức tín dụng vượt quá 80% hạn mức đã thông báo. Đây là lộ trình trong khi NHNN tiếp tục theo dõi và sẽ tiến tới bỏ công cụ điều hành này khi điều kiện cho phép,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% và sẽ linh hoạt điều chỉnh dựa trên diễn biến thực tế, dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, do đó khả năng đạt chỉ tiêu này là khả thi.
Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc nhấn mạnh rằng nếu nợ xấu phát sinh từ yếu tố khách quan thì NHNN khó kiểm soát. Tuy nhiên, đối với các tổ chức tín dụng, NHNN đã chỉ đạo thắt chặt kiểm soát nợ xấu thông qua việc thẩm định kỹ các khoản vay và đối tượng vay, đảm bảo sự thận trọng và cân đối nguồn vốn.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng việc bỏ hoàn toàn room tín dụng là cần thiết, nhưng cần lộ trình phù hợp cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hơi. Khi các công cụ thị trường phát huy được hiệu quả vốn có, vai trò của room tín dụng sẽ không còn được thể hiện rõ, sẽ là thời điểm thích hợp nhất để bỏ công cụ hành chính như room tín dụng.
Bỏ room tín dụng: Nên nhưng chưa phải lúc này
- Tín dụng nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh, đã đến lúc bỏ room? 03/10/2024 02:30
- Thống đốc chưa bỏ room tín dụng, Bộ Tài chính quyết đánh thuế tối thiểu toàn cầu 01/10/2023 03:00
- Tín dụng ì ạch: Lại nói chuyện giữ hay bỏ 'room'? 29/07/2023 11:30
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.