Thị trường

'Thu hút khách quốc tế còn khó khăn, chọn du lịch nội địa để tạo đà phát triển'

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết thông tin trên khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội vào chiều 10/8, liên quan đến nội dung về du lịch.

'Thu hút khách quốc tế còn khó khăn, chọn du lịch nội địa để tạo đà phát triển'

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên chất vấn chiều 10/8, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng du lịch chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết giải pháp cho vấn đề này và những đề xuất của Bộ với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19.

“Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển, còn việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành”, ông Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau, nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế.

Đối với khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.

Trước đó, báo cáo tại hội trường, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, du lịch đã có bước phát triển sau đại dịch Covid-19, lượng khách nội địa và lượng khách quốc tế bắt đầu tăng. Việt Nam đã hoàn thành cơ bản về chỉ tiêu du lịch nội địa và chỉ tiêu khách quốc tế đang còn đặt ra phấn đấu, nhưng nét mới hơn đó là ngành đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề về chi tiêu của du khách, chứ không phải thuần túy tính đầu lượt khách, để tính toán hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn này.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, có giá trị không thể đo đếm được qua hoạt động du lịch, khi những sự kiện văn hóa đồng thời được tổ chức để tạo ra điểm đến du lịch hấp dẫn như: Lễ hội Tiếng hát Làng Sen, Đờn ca tài tử, Liên hoan Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông… Ở đó, du khách đến tham quan, đến thưởng ngoạn và trong chiều sâu của họ đã tăng thêm tình yêu quê hương, đất nước, đúng như nhạc sĩ Trần Hoàn đã từng viết trong câu hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa: muốn yêu Tổ quốc mình, hãy yêu thắm thiết những khúc hát dân ca. Như vậy đã mang lại một hiệu ứng tích cực gắn văn hóa với du lịch và du lịch bắt đầu từ sản phẩm văn hóa.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định bên cạnh những kết quả có tính chất khái quát, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm sao để có tăng được lượng khách quốc tế; làm sao để đảm bảo tính bền vững thu hút khách nội địa và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách; du lịch để phải dựa trên những sản phẩm nào… Đó cũng là bài toán đặt ra cho toàn ngành.

Trả lời đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) về giải pháp để lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam bền vững, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết trước đại dịch Covid-19, do Việt Nam chưa có điều kiện đo đếm, tính toán, nên không thống kê xem có bao nhiêu khách trở lại.

“Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam", người đứng đầu ngành du lịch cho hay.

Theo Bộ trưởng, khách quốc tế có trở lại Việt Nam hay không cũng không ảnh hưởng đến việc tăng thu hay không tăng thu cho ngành du lịch, vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ. Bởi có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để khám phá. "Sẽ có đối tượng này đối tượng khác bù đắp lại. Nhưng chúng tôi mong muốn khách sẽ quay lại", Bộ trưởng nói.

Tin mới lên