Tài chính quốc tế

'Thủ phủ casino' Campuchia: Lột xác nhờ đầu tư Trung Quốc rồi bất ngờ bị 'lãng quên'

(VNF) - Sihanoukville, một thị trấn ven biển yên bình ở Campuchia đã “thay da đổi thịt” chỉ trong vài năm ngắn ngủi nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó phần lớn từ Trung Quốc. Thế nhưng, đang đà phát triển thần tốc, một quyết định bất ngờ đã biến Sihanoukville thành một “thành phố bị lãng quên”.

'Thủ phủ casino' Campuchia: Lột xác nhờ đầu tư Trung Quốc rồi bất ngờ bị 'lãng quên'

Đặc khu kinh tế của Campuchia: Từng phất lên nhờ Trung Quốc, nay hóa 'thành phố ma'

Trong ký ức của nhiều người, Sihanoukville vốn là một thị trấn ven biển với khung cảnh hết sức yên bình và nên thơ. Nơi đây từng là điểm dừng chân yêu thích của nhiều khách du lịch phương Tây. Tuy nhiên, khi dòng tiền đầu tư nước ngoài, trong đó có phần lớn từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào, Sihanoukville đã “lột xác” hoàn toàn. 

Khung cảnh yên bình vốn có của Sihanoukville bị thế chỗ bởi những tòa nhà chọc trời cùng những sòng bạc xa hoa, sáng đèn cả đêm lẫn ngày. Không biết từ bao giờ, Sihanoukville trở thành “thủ phủ casino” và được ví như là “Macao của Đông Nam Á”.

Sihanoukville từng được xem là "Macao của Đông Nam Á".

Dòng vốn nhà đầu tư Trung Quốc

Cảng Sihanoukville nằm ở tỉnh Preah Sihanouk thuộc bờ biển phía Tây Nam của Campuchia. Nơi đây là cảng biển lớn nhất của Campuchia và là thành phố lớn thứ hai sau thủ đô Phnom Penh. Vị trí của Sihanoukville giống như Thâm Quyến của Trung Quốc.

Với vị trí đắc địa, Sihanoukville đóng vai trò quan trọng trong tuyến thương mại thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Chính vì thế, cái tên Sihanoukville đã trở thành tâm điểm thu hút đầu tư từ quốc gia tỷ dân, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và sòng bạc.

Hoạt động kinh doanh sòng bạc giúp thúc đẩy kinh tế Sihanoukville.

Chỉ trong vài năm, Campuchia đã nhận được hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc. Theo Bangkok Post, từ năm 2013 đến năm 2017, Bắc Kinh đã đầu tư 5,3 tỷ USD vào quốc gia Đông Nam Á này, tạo ra doanh thu hàng năm là 3,5 – 5 tỷ USD, trong đó một phần lớn doanh thu đến từ các sòng bạc.

Cơ sở hạ tầng của Sihanoukville cũng có diện mạo mới. Nhiều chủ đầu tư Trung Quốc đã xây dựng nhiều các tòa cao ốc, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm mua sắm và giải trí. 

Làn sóng đầu tư cũng mang lại cơ hội việc làm cho nhiều người dân. Nhu cầu xây dựng các công trình khách sạn, casino cần đến một lượng lớn người lao động địa phương. Các công nhận Campuchia tại các công trường xây dựng của chủ đầu tư Trung Quốc có thể kiếm nhiều hơn gấp 3 lần so với những gì họ từng làm trong các dự án địa phương.

Nhiều người dân tìm được việc làm trong các sòng bạc với mức lương từ 120 – 200 USD/tháng – một con số được xem là mức lương khá ở Campuchia. Vào thời gian này, GDP bình quân đầu người của Sihanoukville thuộc hàng top trong GDP bình quân đầu người của Campuchia.

Nhiều người hưởng lợi từ làn sóng casino tại Sihanoukville.

Những người sở hữu đất và nhà cho thuê tại Sihanoukville cũng tìm thấy cơ hội làm giàu có một không hai. Những căn phòng trước đây từng được người dân địa phương thuê với giá 500 USD/tháng đã được du khách Trung Quốc thuê với giá 4.500 USD/tháng.

Svay Sovana (42 tuổi), một chủ nhà tại Sihanoukville cho biết: “Tôi từng kiếm được 1.000 USD/tháng khi cho khách du lịch châu Âu thuê một căn nhà ba tầng. Thế nhưng, khách Trung Quốc sẵn sàng trả 15.000 USD/tháng cho căn nhà này”.

Giá đất tại Sihanoukville cũng tăng chóng mặt trong giai đoạn từ năm 2014 – 2019. Nếu như giá đất tại Sihanoukville chỉ là 3 USD/m2 vào năm 2015 thì vào năm 2018, mức giá này đã nhảy vọt lên tới 2.000 USD/m2 và thậm chí chạm mức 3.000 USD/m2 vào năm 2019, theo Financial Times.

Sự phát triển của lĩnh vực sòng bạc tại Sihanoukville đã phần nào giúp Campuchia thu hút nhiều khách du lịch hơn. Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, trong năm 2018, đã có khoảng 2 triệu du khách quốc tế đến Campuchia, tăng tới 70% so với năm trước đó.

Mặt trái của sự phát triển thần tốc 

Theo The Guardian, tốc độ tiền Trung Quốc đổ vào quá nhanh khiến chính quyền địa phương ở Sihanoukville không có đủ thời gian và nguồn lực để tạo ra các quy định quản lý phù hợp.

Dân địa phương gọi khách Trung Quốc là "du khách 0 đồng".

Mặc dù các sòng bài giúp Sihanoukville thu hút nhiều du khách quốc tế hơn nhưng trên thực tế, người dân địa phương lại được hưởng lợi rất ít từ điều này. Trong năm 2016 và 2017, lượng du khách đến Sihanoukville chủ yếu là khách Trung Quốc, chiếm thế áp đảo với 80%. Trái lại, du khách phương Tây lại không còn chọn Sihanoukville là điểm đến với mức giảm 35%.

Người dân Sihanoukville từng gọi khách du lịch Trung Quốc là những “du khách 0 đồng” khi họ chỉ tiêu tiền ở các khu vui chơi giải trí hay các nhà hàng, trung tâm mua sắm do người Trung Quốc làm chủ. Nhiều khách Trung Quốc đến Sihanoukville theo tour trọn gói và không chi trả bất kỳ đồng tiền nào cho các doanh nghiệp địa phương.

Trong khi đó, lượng du khách phương Tây ngày càng ít đi khiến các chủ nhà hàng địa phương chật vật cầm cự. Nhiều cư dân ở Sihanoukville sống nhờ vào du lịch đã đối mặt với không ít khó khăn khi doanh thu của họ biến mất một cách nhanh chóng.

Nhiều người dân Sihanoukville lâm vào cảnh khốn đốn.

Dãy quán ăn, nhà gỗ cho thuê tại bãi biển Otres từng là điểm hút khách du lịch phương Tây đã bị đóng cửa sau khi các chủ đầu tư Trung Quốc “đổ tiền” vào Sihanoukville.

Khi các chủ nhà trọ, chủ đất hồ hởi vì người Trung Quốc thuê nhà, mua đất với giá cao ngất ngưởng thì cũng là lúc mặt bằng giá cả được đẩy lên cao.

Kong Samol, một người dân ở Sihanoukville từng chia sẻ với tờ The Guardian: “Các doanh nhân Trung Quốc ồ ạt đến Sihanoukville khiến chi phí sinh hoạt của tôi tăng lên nhưng thu nhập lại giảm đi đáng kể. Tiền thuê nhà của tôi đã tăng từ 50 USD lên 150 USD và tôi không thể chi trả được".

Rác thải đầy rẫy trên bờ biển.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh còn khiến Sihanoukville phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên, tạo ra những đống rác thải công trình khổng lồ. Chưa kể, rác thải còn “tấn công” các bãi biển của Sihanoukville khi nước xả thải của các khách sạn, trung tâm vui chơi, sòng bạc được xả thẳng xuống nguồn nước mà không qua xử lý. 

Vào hồi tháng 10/2018, một tổ chức phi chính phủ có tên Mother Nature Cambodia đã xét nghiệm một số mẫu nước lấy từ Sihanoukville và phát hiện chúng có chứa E.coli và Trichomonas intestinalis – loại vi khuẩn có trong nước thải chưa qua xử lý. Người dân địa phương từng than phiền số ca bệnh sốt xuất huyết và thương hàn tại Sihanoukville đã gia tăng vì ô nhiễm nước và hệ thống thoát nước kém.

Trở thành “thành phố lãng quên” chỉ sau một đêm

Trong giữa lúc Sihanoukville đang bị mắc kẹt giữa hai thái cực thì vào tháng 8 năm 2019, chính phủ Campuchia đã cấm hoạt động đánh bạc trực tuyến khiến Sihanoukville bước sang một trang mới, u ám hơn.

Lệnh cấm này đã buộc 4 sòng bạc lớn ở Sihanoukville đóng cửa vĩnh viễn trong khi 23 sòng bạc khác đồng loạt sa thải nhân viên. Hơn 7.000 nhân viên tại các sòng bạc bị ảnh hưởng, theo thông tin của Bộ Lao động Campuchia.

Quyết định đóng cửa ngành công nghiệp béo bở này khiến Sihanoukville bị tổn thương, Hàng ngàn công nhân, nhà đầu tư Trung Quốc “dứt áo ra đi”, bỏ lại các dự án xây dựng còn đang dang dở, cơ sở hạ tầng lộn xộn cùng hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa. Sihanoukville dần trở thành một “thành phố bị lãng quên”.

Sihanoukville trở nên đìu hiu sau lệnh cấm đánh bạc trực tuyến của chính quyền Campuchia.

Theo Nikkei Asia, lệnh cấm đánh bạc trực tuyến của Campuchia đã khiến gần 800 nhà hàng tại Sihanoukville đóng cửa vì đơn đặt hàng mỗi ngày giảm tới hơn 80%. Thu nhập trung bình hàng ngày của các nhà hàng giảm từ mức 1.500 USD xuống chỉ còn 200 USD.

Lĩnh vực bất động sản một thời “hái ra tiền” cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều dự án quy mô vừa và nhỏ ngừng xây dựng. Thị trường cho thuê nhà ở tại Sihanoukville là đối tượng bị tác động mạnh nhất. Giá thuê nhà tại Sihanoukville giảm khoảng 30% trong khi giá khách sạn giảm tới 50%, gần như trở lại mức trước khi bùng nổ. Thời kỳ tăng trưởng theo cấp số nhân của Sihanoukville đã qua và sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, tờ Nikkei Asia nhận định.

Bài học đắt giá

Kinh tế bùng nổ và lụi tàn chỉ trong vài năm dường như đã làm Sihanoukville mất phương hướng. Trong thời gian qua, chính quyền Sihanoukville đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế địa phương nhưng rõ ràng đây là một cuộc chiến khó khăn và không thể hoàn thành chỉ trong một sớm một chiều.

Kinh tế Sihanoukville khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều.

Câu chuyện về Sihanoukville giống như một lời nhắc nhở về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào một ngành dịch vụ. Chính phủ cần phải đa dạng hóa nền kinh tế chứ không phải chỉ mải mê những lợi ích ngắn hạn, có thể biến mất bất cứ lúc nào. 

Và dù đầu tư nước ngoài có thể là một động lực tăng trưởng quan trọng nhưng trên hết, các nhà chức trách cần ưu tiên phát triển bền vững và đảm bảo rằng người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ các sáng kiến kinh tế.

Tin mới lên