Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: 'Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp cạnh tranh bằng dữ liệu'

Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - 20/04/2023 23:31 (GMT+7)

(VNF) - Chia sẻ trên Đặc san Tương lai Tài chính số, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh phát triển kinh tế số là điểm khởi đầu quan trọng để chuyển đổi phương thức, điều chỉnh và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế, nuôi dưỡng các mô hình kinh tế mới và định vị, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

VNF
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngay từ khi xuất hiện khái niệm về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển nhanh chóng và thâm nhập sâu rộng của công nghệ số vào mọi mặt đời sống đã hình thành nên một hình thức phát triển kinh tế mới: kinh tế số. Kinh tế số là sự phát triển tiếp theo của kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp dựa trên việc lấy tài nguyên dữ liệu là yếu tố đầu vào mới, quan trọng nhất và vô tận, mạng kết nối và nền tảng số là phương tiện chủ đạo, tích hợp và ứng dụng công nghệ số là nhân tố động lực. Phát triển kinh tế số là điểm khởi đầu quan trọng để chuyển đổi phương thức, điều chỉnh và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế, nuôi dưỡng các mô hình kinh tế mới và định vị, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cơ hội chiến lược cho Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và tài chính số. Riêng lợi thế quy mô thị trường trong nước đã đạt khoảng 98,5 triệu dân, trong đó 85% dân số có điện thoại thông minh và 79,1% dân số có kết nối Internet. Cơ cấu dân số trẻ, tập trung chủ yếu ở các nhóm tuổi từ 25-34 tuổi, 35-44 tuổi, 5-12 tuổi; thị trường Việt Nam là thị trường mở, sẵn sàng đón nhận và có xu hướng ưa thích tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới.

Là một trong tám thành phần đặc trưng để hình thành nên xã hội số, thanh toán số được thúc đẩy mạnh mẽ từ cách tiếp cận thể chế đến thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng và các tổ chức khác so với dân số trưởng thành đã đạt 74,63%, tương đương với hơn 56 triệu người. Tổng giá trị thanh toán số tăng trưởng 21% so với năm 2021, chuyển tiền tăng 31% và dịch vụ tài chính số được kỳ vọng phát triển vượt bậc với các khoản cho vay tăng mạnh ở mức xấp xỉ 56%. Với sự phát triển này, ngành tài chính số có thể được coi là một trong những ngành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong 4 kỳ lân công nghệ của Việt Nam đã có 2 kỳ lân về thanh toán số là VNPay và Momo.

Sức mạnh dữ liệu là năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp

Trong nền kinh tế truyền thống, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng thương hiệu và chất lượng sản phẩm/dịch vụ, bằng giá cả, bằng vốn và/ hoặc nhân lực. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng dữ liệu. Khác với các các năng lực cốt lõi trước đây, sức mạnh từ dữ liệu có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn về cả quy mô và tốc độ, xuyên biên giới và không giới hạn. Sức mạnh này được cấu thành bởi ít nhất 03 năng lực:

- Năng lực tuệ giác: trong môi trường VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ), việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của từng tập khách hàng theo cách truyền thống và tính toán các phương án để đạt được lợi ích theo quy mô trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp. Khi sản phẩm nghiên cứu chưa kịp ra, nhu cầu đã thay đổi hoặc đối thủ cạnh tranh đã chạy sản phẩm mới và chiếm lĩnh thị trường. Điều này hối thúc doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh bằng dữ liệu để đưa ra quyết định thông minh, nắm bắt chính xác và kịp thời những thay đổi quan trọng nhất, hiểu được các “nút thắt”, các “điểm khó” trong kinh doanh, tùy chỉnh cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và thay đổi trên thị trường, kiểm soát rủi ro dựa trên khả năng dự báo, phán đoán trước, điều chỉnh hướng kinh doanh, mở rộng không gian hoạt động và tìm kiếm cơ hội thị trường.

- Năng lực cộng tác: sự chuyển dịch các mô hình kinh doanh mới theo hướng “bán tiện ích”, “bán trải nghiệm” thay vì sản phẩm, dịch vụ đơn nhất đòi hỏi các doanh nghiệp khả năng tích hợp và tiếp cận, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, của đối tác trên tất cả các công đoạn của toàn bộ chuỗi giá trị để tạo ra một hệ sinh thái vận hành hoàn chỉnh, lấy nhu cầu của khách hàng làm trung tâm.

- Năng lực chấp nhận và quản trị hiệu quả thay đổi: một sự chậm trễ nhỏ có thể gây thiệt hại lớn, chuyển đổi số là các vòng lặp đổi mới và cải tiến liên tục với việc lấy trải nghiệm khách hàng là trọng tâm xuyên suốt. Việc phản ứng một cách nhanh nhẹn và linh hoạt đối với những thay đổi của thị trường, của đối thủ cạnh tranh là cần thiết để các doanh nghiệp duy trì sự tồn tại và tạo được bước phát triển đột phá nhờ mô hình kinh doanh sáng tạo và “hành động đúng thời điểm”.

Ngành tài chính số là một trong động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới

"Đi nhanh" đang bắt đầu nhường chỗ cho "đi thông minh"

Từ việc nhìn nhận lại năng lực cạnh tranh cốt lõi của một doanh nghiệp, việc “tăng tốc” bằng công nghệ thông tin như các doanh nghiệp đã thực hiện từ cách đây 20 năm tiếp tục được đẩy mạnh bằng “thông minh hóa”. Quá trình “thông minh hóa” sử dụng sức mạnh của dữ liệu, sức mạnh của hạ tầng số để thực hiện một số chức năng mà trước đây không thể thực hiện được, đưa ra các giải pháp mang tính kịp thời, mới, toàn diện và để tạo nên lợi thế cạnh tranh ngay cả với những tên tuổi quốc tế. Thông qua sự tăng tốc này, doanh nghiệp Việt có thể vươn tầm thế giới, năm 2023, nền tảng siêu ứng dụng thanh toán MoMo đã có mặt trong top 10 các nền tảng toàn cầu 2023.

Ngành tài chính - ngân hàng đang và sẽ là ngành tiên phong để trở nên “thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn”. Một số ngân hàng đang “gặt hái” thành công khi cung cấp thêm mô hình hoạt động ngân hàng số với 100% dịch vụ có khả năng cung cấp trên môi trường số (từ mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC, gửi tiền, thanh toán, mở thẻ tín dụng và vay…). Tính đến hết năm 2022, có 03 ngân hàng số ghi nhận sự gia tăng hơn 1 triệu lượt người dùng thường xuyên hằng tháng trên siêu ứng dụng của mình và trở thành top 3 ngân hàng số có số lượng người dùng bình quân hằng tháng trên 5 triệu người dùng; top 10 ngân hàng và các tổ chức, trung gian thanh toán được phép đã ghi nhận sự gia tăng số lượng người dùng trung bình vào khoảng 20% so với năm 2021 trước đó.

Khó khăn chung trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp tại Việt Nam

Thứ nhất, nhận thức chưa đầy đủ và thiếu cách tiếp cận từ kế hoạch chiến lược. Hầu hết các doanh nghiệp đều thể hiện mong muốn đẩy mạnh chuyển đổi số nhưng thường chỉ nghĩ đến việc áp dụng phần mềm, công nghệ cho từng công đoạn, thiếu mục tiêu chiến lược và lộ trình thực hiện rõ ràng, hay chưa có hoạch định từ góc độ chiến lược phát triển doanh nghiệp và chưa định vị doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

Thứ hai, thiếu vốn đầu tư và giải pháp công nghệ chưa sâu. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, có sự hạn chế cả về nhân lực và vốn. Chi phí đầu tư phát triển hệ thống thông tin cao, thiếu nhân sự chuyên trách để vân hành. Trong khi đó, nhiều giải pháp hiện có trên thị trường mới chỉ phục vụ nghiệp vụ chung, chưa đáp ứng được nhu cầu cá nhân hóa và tích hợp của các doanh nghiệp và ngành.

Thứ ba, mức độ phối hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung thấp. Các doanh nghiệp hoạt động có tính độc lập cao, dữ liệu phân tán, rải rác trong cơ sở hạ tầng riêng của các doanh nghiệp mà chưa có sự chia sẻ, phối hợp.

Một số giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả chuyển đổi số doanh nghiệp

Ngày 13/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-BTTTT về việc ban hành tiêu chí, quy định công nhận cá nhân, tổ chức tư vấn thuộc Mạng lưới Tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (gọi tắt là Mạng lưới tư vấn). Đây sẽ là bộ tiêu chí để xét duyệt, đảm bảo các chuyên gia, các tổ chức tư vấn tham gia Mạng lưới tư vấn đáp ứng được các yêu cầu về kinh nghiệm, chuyên môn, hiểu biết sâu về chuyển đổi số, am hiểu xu hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số. Mạng lưới tư vấn này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có cách tiếp cận quản trị toàn diện, phân tích, đánh giá, nhận diện những thiếu hụt về chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ và dữ liệu số.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Đây sẽ là bộ công cụ trực tuyến, giúp các doanh nghiệp xác định được vị trí của mình trong tiến trình chuyển đổi số, từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp; giúp các doanh nghiệp so sánh, đối chuẩn với các doanh nghiệp khác trong ngành và đo lường được sự cải thiện về mức độ chuyển đổi số theo thời gian. Sau khi hoàn thành đánh giá và xác định được mức độ chuyển đổi số, các doanh nghiệp có thể tham gia vào các hoạt động đào tạo, hội thảo, tập huấn phù hợp với mức độ chuyển đổi số, được đăng ký tham gia các gói hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số.

Ngoài các giải pháp nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông huy động sự tham gia, đóng góp của các nền tảng số xuất sắc để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Sau gần 01 năm triển khai, tính đến hết tháng 03/2023, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số smedx.vn đã có số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận Chương trình là 751.760 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 108.670 doanh nghiệp.

Bộ cũng đề xuất nghiên cứu, thử nghiệm triển khai nền tảng số kết nối vay vốn tín chấp doanh nghiệp nhỏ và vừa là dịch vụ thông tin tín dụng tin cậy, là cơ sở và cốt lõi của việc định giá rủi ro của các tổ chức tài chính. Khách hàng của các dịch vụ tài chính toàn diện thường là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhóm hộ nông thôn thiếu tài sản thế chấp, vay tín chấp là cách chính để họ tiếp cận dịch vụ tín dụng trong khi thông tin của họ tương đối phân tán và rải rác trong các bộ phận hoặc hệ thống thông tin khác nhau.

Cùng chuyên mục
Tin khác