Tài chính quốc tế

Thủ tướng Anh xin lỗi vì ‘sai lầm kinh tế', tuyên bố không từ chức

(VNF) - Trong lần xuất hiện mới nhất, Thủ tướng Anh Liz Truss lần đầu đứng ra xin lỗi vì “những sai lầm” trong chính sách tài chính khiến nhà đầu tư mất niềm tin và sự ủng hộ dành cho bà giảm mạnh, nhưng bà tuyên bố sẽ không từ chức.

Thủ tướng Anh xin lỗi vì ‘sai lầm kinh tế', tuyên bố không từ chức

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt tuyên bố sẽ đảo ngược gần hết chính sách tài khóa của bà Truss.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào tối 17/10, Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết bà muốn "nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi về những sai lầm đã gây ra".

“Tôi muốn hành động để giúp đỡ mọi người về hóa đơn năng lượng và giải quyết vấn đề thuế cao, nhưng chúng tôi đã đi quá xa và quá nhanh” bà Truss nói.

Đây là lần đầu tiên bà Truss chính thức lên tiếng xin lỗi sau khi thừa nhận chính sách "ngân sách ngắn hạn” được công bố vào tháng 9 là một sai lầm. Thậm chí, trong buổi công bố Bộ trưởng tài chính mới Jeremy Hunt và sa thải ông Kwasi Kwarteng, người đồng minh và người bạn lâu năm của bà, tân Thủ tướng cũng chỉ cho rằng chính sách của bà đã “đi quá xa” chứ không hề nhận lỗi về bản thân.

Cũng trong buổi phỏng vấn, bà Truss thừa nhận bà bổ nhiệm ông Jeremy Hunt vào chức vị Bộ trưởng Kinh tế vì cần thay đổi chính sách kinh tế, thay vì tiếp tục gắn liền với chương trình cắt giảm thuế như trước đây.

"Sẽ là hoàn toàn vô trách nhiệm nếu tôi không hành động vì lợi ích quốc gia theo cách mà tôi có. Đúng là chúng tôi đã thay đổi chính sách", bà Truss nói.

Việc bà Truss thay đổi phương hướng chính sách đã khiến nhiều đồng minh trong Đảng bảo thủ không hài long. Một số bắt đầu lên tiếng muốn bà từ chức, trong khi chính sách “ngắn hạn” trước đó và sự đảo ngược của nó đã khiến bà mất đi sự tín nhiệm trong giới kinh tế và người dân.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng khẳng định bà sẽ không từ chức và sẽ dẫn dắt Đảng Bảo thủ của mình tham gia cuộc bầu cử tiếp theo.

"Tôi đang ở lại đây vì tôi được bầu là người giải cứu đất nước này. Và đó là điều tôi quyết tâm thực hiện", bà Truss khẳng định.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 17/10, tân Bộ tưởng Tài chính của bà Truss là ông Jeremy Hunt đã thông báo rằng hầu như tất cả các biện pháp thuế gây tranh cãi mà người tiền nhiệm của ông công bố sẽ bị hủy bỏ.

Bước ngoặt chính bao gồm việc loại bỏ việc cắt giảm thuế thu nhập thấp nhất từ ​​20% xuống 19%, cũng như cắt giảm thuế suất cổ tức, đảo ngược các cải cách làm việc ngoài biên chế, hoàn thuế VAT cho khách du lịch và đóng băng về thuế suất khẩurượu.

Ông Hunt cho biết các khoản cắt giảm thuế sẽ khiến chính phủ Anh thâm hụt khoảng 32 tỷ bảng (36 tỷ USD) mỗi năm.

Những chính sách tài khóa hiếm hoi của Bộ trưởng Tài chính tiền nhiệm Kwasi Kwarteng được giữ nguyên là hủy bỏ mức tăng Bảo hiểm Quốc gia theo kế hoạch, một loại thuế chung, 1,25%; và cắt giảm thuế mua bất động sản.

Sau thông báo của ông Hunt, đồng bảng Anh giao dịch tăng tăng 2,3% lên 1,143 USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng giảm mạnh với lợi suất kỳ hạn 10 năm giao dịch giảm 36 điểm cơ bản xuống còn 3,965%. Lợi tức chuyển động nghịch với giá.

Bộ trưởng Hunt cũng thông báo rằng gói năng lượng được thiết kế để trợ cấp cho  các hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng và doanh nghiệp  sẽ chỉ hoạt động đến tháng 4 và sau đó sẽ được xem xét để “chi phí cho người đóng thuế thấp hơn đáng kể so với kế hoạch”.

“Trách nhiệm trung tâm của bất kỳ chính phủ nào là làm những gì cần thiết cho sự ổn định kinh tế”, ông Hunt cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn.

Phát biểu trước các nhà lập pháp tại Hạ viện, ông Hunt nói rằng “nhiều quyết định khó khăn sẽ được công bố” khi ông công bố kế hoạch tài khóa mới và dự báo kinh tế từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Vương quốc Anh vào ngày 31/10.

Xem thêm >> Goldman Sachs cảnh báo kinh tế Anh suy thoái ‘sâu’ vào năm 2023

Tin mới lên