Thủ tướng: Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam còn khá lớn

Hải Đường - 09/07/2020 18:16 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 9/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

VNF
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam khá lớn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng tưởng. Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng “cần có các giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ, liều lượng, thời điểm nào cho phù hợp, làm thế nào để vực dậy các ngành, các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, nhất là dịch vụ, du lịch”.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, bùng phát diện rộng trên toàn cầu, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. Do đó, hầu hết các quốc gia đều nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ với mức độ chưa từng có.

Theo thống kê mới nhất, nếu tháng 4, tổng các gói kích thích tài khóa mới là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Một số thành viên kiến nghị, so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

TS. Võ Trí Thành cho biết, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng.

Còn theo chuyên gia Bùi Đức Thụ, cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, Thủ tướng cho rằng cần làm mạnh mẽ hơn và nhắc lại yêu cầu cần họp giao ban nửa tháng một lần, đi kiểm tra trực tiếp, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương không giải ngân được sang công trình khác.

Nhất trí với quan điểm giải ngân đầu tư công phải ráo riết hơn, TS. Trần Đình Thiên đề nghị Chính phủ, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “made in Việt Nam”.

Ghi nhận các ý kiến cho rằng xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng phát biểu thêm: “Tuy nhiên, các đồng chí đều lưu ý, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra và nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn”.

Cơ hội của Việt Nam trong phát triển kinh tế ở thời gian tới đến từ việc khống chế tốt dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi.

Về kịch tăng trưởng, lạm phát, hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng 3 – 4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Mục tiêu cụ thể trong năm 2020 và đầu năm 2021 là tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 – 4% GDP để có thêm nguồn lực, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, lãi suất sẽ được xem xét để tiếp tục giảm. Ngành tài chính cũng xem xét việc giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, về nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các thành viên hội đồng hiến kế để thu hút đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI, cải thiện môi trường đầu tư.

“Chúng tôi cho rằng nếu bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn vốn FDI khu vực và toàn cầu trong lúc dịch chuyển các dòng vốn thì là một khuyết điểm, sai lầm lớn”, Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp.

Cùng chuyên mục
Tin khác