Tiêu điểm

Thủ tướng 'thúc' Bộ Công Thương trình cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp

(VNF) - Thủ tướng giao Bộ Công Thương sớm trình ban hành cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Thủ tướng 'thúc' Bộ Công Thương trình cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chiều 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Thu hút nguồn lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất thân thiện môi trường; bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý lĩnh vực phát thải khí nhà kính như: Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực theo đúng quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; tổ chức đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định quản lý tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc tích hợp sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trình Chính phủ trong quý II/2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tham khảo kinh nghiệm của các nước, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về quản lý tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam bảo đảm việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, trình ban hành Cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái; hoàn thiện Chiến lược sản xuất hydrogen tại Việt Nam; đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực.

Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 7.2023; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi cho tăng trưởng xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng tiêu chí về tăng trưởng xanh.
 

Tin mới lên