Thủ tướng yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng cho người lao động
Kỳ Thư -
17/12/2022 15:31 (GMT+7)
(VNF) - Thủ tướng yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật cho người lao động; chủ động có giải pháp cơ cấu lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt trong dịp tết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1170 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Công điện nêu rõ thời gian qua bằng nhiều biện pháp, kinh tế đã dần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tích cực giải ngân vốn đầu tư, ổn định hoạt động doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả thị trường lao động.
Tuy nhiên, do hậu quả của dịch COVID-19, sự suy giảm tăng trưởng, thu hẹp thị trường và dấu hiệu suy thoái kinh tế ở một số quốc gia, khu vực… đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta.
Việc này dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động, trong khi thị trường lao động chưa thực sự phát triển ổn định, bền vững trước những biến động cả bên trong và bên ngoài.
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Cùng với đó, tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng địa phương, từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh; triển khai các biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội và ổn định việc làm cho người lao động.
Đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chủ động, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp. Kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và các cấp chính quyền địa phương, cơ sở tăng cường theo sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động.
Các doanh nghiệp tích cực, chủ động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực duy trì, bảo đảm việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ lương, thưởng cho người lao động...
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.