Thúc đẩy trái phiếu xanh: Chỉ ưu đãi thuế là chưa đủ
(VNF) - Để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam vốn đang còn quá khiêm tốn, chuyên gia FiinRatings khuyến nghị ngoài ưu đãi về thuế, còn cần thêm nhiều chính sách khác như hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách.
- Dòng vốn xanh: Ấm dần lên nhưng vẫn chưa đủ nhiệt 07/12/2024 07:00
Trái phiếu xanh của Việt Nam còn quá khiêm tốn
Cùng với những cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và đạt mức phát thải ròng bằng 0, vai trò của trái phiếu xanh trong hoạt động huy động vốn ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo thống kê mới nhất của FiinGroup, trong giai đoạn 2018 – 2023, thị trường ghi nhận 18 lô trái phiếu xanh tại Việt Nam. Tính trong 11 tháng năm 2024, có 4 giao dịch trái phiếu xanh được phát hành bởi ngân hàng BIDV, Vietcombank, CTCP Đầu tư Phát triển Đa quốc gia (IDI) và Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai với tổng giá trị đạt 6,78 nghìn tỷ đồng.
Các lô trái phiếu xanh đã phát hành đều tuân thủ theo chuẩn quốc tế, bao gồm bộ nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA và được xác nhận độc lập bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín.
Bên cạnh đó, các lô trái phiếu xanh này đều có kỳ hạn rất dài, thậm chí lên tới 20 năm như trường hợp của Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai mới đây.
Một điểm đáng chú ý khác là ngoài việc đánh giá tổ chức phát hành, một số lô trái phiếu xanh đã bắt đầu được xếp hạng tín nhiệm riêng biệt. Điều này không chỉ giúp minh bạch hóa sản phẩm trái phiếu, mà còn mở ra cơ hội để các nhà đầu tư đánh giá chi tiết hơn về chất lượng và tiềm năng của từng lô trái phiếu, thay vì chỉ dựa vào uy tín của tổ chức phát hành.
Phát biểu tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinGroup khẳng định sự xuất hiện của những lô trái phiếu xanh kể trên đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường TPDN, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng giá trị của các lô trái phiếu xanh được phát hành trong 11 tháng năm 2024 còn rất nhỏ, mới chỉ chiếm 2% tổng giá trị trái phiếu được phát hành trong cùng giai đoạn. “Đây là con số còn quá khiêm tốn nếu so sánh với một số thị trường trong khu vực. Điều này cho thấy chúng ta vẫn còn nhiều việc cần phải làm đối với trái phiếu xanh”, đại diện FiinGroup cho biết.
Ưu đãi về thuế là chưa đủ
Kể từ năm 2012, Việt Nam đã bắt đầu chú trọng phát triển các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh khi ban hành Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều chính sách và nghị quyết cũng được ban hành như Nghị quyết số 24-NQ/TW, Quyết định số 2183/QĐ-BTC, Quyết định số 1911/QĐ-TTg cũng như việc UBCKNN hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng tiêu chuẩn về trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững cũng đã bước đầu đặt nền móng để phát triển kênh huy động vốn xanh này.
Cùng với những hoạt động sôi nổi gần đây của thị trường trái phiếu xanh, Bộ Tài chính vừa qua đã gửi Tờ trình Chính phủ về dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó đề xuất miễn thuế thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành. Động thái mới này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của kênh huy động vốn xanh này.
Trong trao đổi với VietnamFinance, bà Đinh Thúy Hằng, chuyên viên Nghiên cứu Rủi ro Tín dụng và Tài chính Bền vững cấp cao, Công ty Cổ phần FiinRatings, nhận định: “Đề xuất miễn thuế thu nhập từ lãi và chuyển nhượng trái phiếu xanh là bước đi chiến lược với nhiều tiềm năng kích hoạt sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này. Nó cũng cho thấy tín hiệu mạnh mẽ của Chính phủ trong hỗ trợ chiến lược chuyển đổi xanh, thúc đẩy tài chính xanh”.
Theo bà Hằng, về khía cạnh thị trường vốn nói chung và thị trường vốn xanh nói riêng, chính sách này mang lại một số tác động trọng yếu. Đầu tiên, ưu đãi này giúp gia tăng sức hấp dẫn đầu tư bởi chính sách miễn thuế sẽ trực tiếp nâng cao lợi suất thực tế cho nhà đầu tư, làm tăng tính cạnh tranh so với các kênh đầu tư truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường vốn còn non trẻ và nhà đầu tư còn e ngại với các công cụ tài chính mới.
Tiếp đến là mở rộng cơ sở nhà đầu tư, giúp thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, từ đó mở rộng và đa dạng hóa nguồn vốn cho các dự án xanh, bền vững, đem lại cơ hội giảm lợi suất và kéo dài kỳ hạn, phục vụ đắc lực cho hoạt động cấu trúc tài chính doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng chỉ ra rằng, ưu đãi về thuế dành cho nhà đầu tư cá nhân liên quan đến trái phiếu xanh dù có mang lại một số tác động tích cực song vẫn chưa đủ để trở thành “cú hích” cho thị trường này bứt tốc.
Cụ thể, về cơ cấu nhà đầu tư, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu xanh, hiện vẫn chủ yếu do nhà đầu tư tổ chức chi phối. Các nhà đầu tư cá nhân đáp ứng điều kiện theo Nghị định 65/2022 còn rất hạn chế, do vậy việc chỉ tập trung ưu đãi ở phân khúc này sẽ khó mang lại hiệu quả toàn diện. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư tổ chức – nhóm hiện chi phối phần lớn thị trường trái phiếu xanh – lại chưa nhận được nhiều ưu đãi.
“Nếu như cơ chế khuyến khích nằm ở phía nhà đầu tư cá nhân sẽ có tác động cục bộ và hạn chế mang tính thăm dò, thì cơ chế ưu đãi với các doanh nghiệp sẽ có tác động trực tiếp và rộng rãi hơn. Do đó, nếu không có các ưu đãi trực tiếp về thuế hay tài chính, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ e ngại và chần chừ trong việc phát hành loại trái phiếu này”, bà Hằng cho hay.
Động lực quan trọng nhất của doanh nghiệp khi triển khai các dự án bền vững, dự án xanh vẫn quy về yếu tố chi phí và hiệu quả kinh doanh. Tại các thị trường có nền tài chính tương đối phát triển, các cơ chế ưu đãi thuế cho đơn vị phát hành đã hình thành và được áp dụng rộng rãi trong nhiều năm qua.
Đơn cử như tại Trung Quốc, các dự án liên quan đến đến Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) sẽ được hưởng khoảng thời gian miễn thuế 3 + 3 năm (3 năm miễn thuế và miễn giảm 50% trong 3 năm tiếp theo cho thuế thu nhập doanh nghiệp) tính từ thời điểm bắt đầu bán/xử lý các đơn vị giảm phát thải (CERs) nhằm giúp giảm chi phí khoản đầu tư và tăng tính khả thi về mặt tài chính.
Đối với các nước trong khối ASEAN, Thái Lan ban hành Nghị định Hoàng gia số 760 cho phép các công ty được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trên thu nhập từ kinh doanh, chuyển nhượng Tín chỉ giảm phát thải được chứng nhận (CERs) và mức giảm phát thải đã được xác minh (VERs) trong 3 năm liên tiếp khi đạt được các điều kiện đề ra trong nghị định này. Còn Malaysia miễn thuế chuyển nhượng chứng chỉ carbon lên tới 300.000 ringgit cho các công ty đủ điều kiện với hoạt động chuyển nhượng chứng chỉ diễn ra trên hệ thống Giao dịch Carbon Bursa (BCX).
Quay trở lại với Việt Nam, đại diện FiinRatings cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng các cơ chế ưu đãi không phải là một quá trình đơn giản và cách tiếp cận của Việt Nam còn nhiều thận trọng.
“Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Do đó, cần một lộ trình rõ ràng và từng bước mở rộng các ưu đãi, với sự tham vấn và đánh giá kỹ lưỡng từ các bên liên quan, nhằm phát triển một thị trường trái phiếu xanh bền vững và hiệu quả”, bà Hằng cho hay.
Dù vậy, ưu đãi về thuế, dù cho nhà đầu tư cá nhân hay cho doanh nghiệp phát hành, vẫn là chưa đủ để phát triển thị trường trái phiếu xanh khi thị trường này còn nhiều vướng mắc, nhất là khung pháp lý chưa được hoàn thiện.
Theo bà Hằng, việc khung pháp lý chưa hoàn thiện và chưa đủ cơ chế minh bạch trong quy trình phát hành đang là một trong những rào cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Không thể phủ nhận rằng thời gian qua thị trường đã chứng kiến nhiều bước tiến trong việc ban hành các nghị định và quy định liên quan đến trái phiếu xanh nhưng nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.
Trên thực tế, tiêu chuẩn phân loại xanh vẫn chưa được ban hành và áp dụng khiến nhiều nhà đầu tư, cơ quan quản lý và doanh nghiệp là tổ chức phát hành bối rối. Trong khi đó, cơ chế minh bạch thông tin dự án xanh còn hạn chế, dẫn đến lo ngại của nhà đầu tư về tính hiệu quả và bền vững thực sự của các dự án. Mức độ phổ cập chuyên môn và đào tạo nhân sự liên quan đến lĩnh vực này cũng vẫn còn hạn chế.
Đại diện FiinRatings kiến nghị: “Để trái phiếu xanh là một công cụ hấp dẫn với nhà đầu tư, bên cạnh các cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính, chúng ta cần lưu ý xây dựng tiêu chí phân loại rõ ràng cho "trái phiếu xanh, xã hội và bền vững". Song song với đó cần thiết lập quy trình đánh giá độc lập và chứng nhận minh bạch dựa trên các tiêu chuẩn và chuẩn mực xác định và hệ thống giám sát hiệu quả bên cạnh cơ chế ưu đãi để tránh trục lợi chính sách”.
Ngoài ra, với công cụ tài chính là trái phiếu, có thể xem xét đến việc áp dụng đồng thời đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhằm cung cấp thông tin toàn diện cho nhà đầu tư và các bên liên quan, bà Hằng nói.
Tham vọng trăm tỷ USD tài chính xanh: Việt Nam đối mặt thực tế '3 thiếu'
Trái phiếu DN 'gay go khi chỉ dựa vào bất động sản và ngân hàng'
(VNF) - Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường TPDN không thể chỉ dựa vào ngân hàng và bất động sản. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng cần khuyến khích thêm các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính tham gia vào thị trường này.
Đề xuất miễn thuế TNCN chuyển nhượng trái phiếu xanh, tín chỉ carbon lần đầu
(VNF) - Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân, doanh nghiệp.
Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
(VNF) - Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.
Không phải khí hậu, chính trị sẽ định hình xu hướng tài chính bền vững 2025?
(VNF) - Năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy biến động của tài chính bền vững khi ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ, với sự phân hóa ngày càng gia tăng giữa các khu vực trên mọi phương diện, từ dòng vốn, các vụ kiện pháp lý đến quy định thị trường.
Từ trái phiếu xanh tới quỹ ESG: Dòng vốn xanh Việt Nam tiến một bước dài
(VNF) - Sự phát triển của trái phiếu xanh và quỹ ESG đánh dấu một bước tiến quan trọng của thị trường vốn Việt Nam, phản ánh xu hướng toàn cầu về tài chính bền vững.
Nông nghiệp, điện sạch, vật liệu xây dựng được ưu tiên vay vốn xanh
(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, 4 lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng tái tạo và Vật liệu xây dựng sẽ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi xanh của các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và hợp tác với các đơn vị có chức năng phát hành trái phiếu xanh.
Gia tăng nguy cơ ‘tẩy xanh’, gây mất niềm tin về tài chính xanh
(VNF) - Việc thiếu khung pháp lý, các quy định và tiêu chí xác định dự án xanh không chỉ làm giảm hiệu quả trong phân bổ vốn mà còn tăng nguy cơ xuất hiện các trường hợp "greenwashing" (tẩy xanh), gây mất niềm tin trong hệ sinh thái tài chính xanh.
Dòng vốn xanh: Ấm dần lên nhưng vẫn chưa đủ nhiệt
(VNF) - Dù thị trường vốn xanh đang có dấu hiệu ấm lên nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ so với nhu cầu thực tế. Để “tăng nhiệt”, không chỉ cần cải cách chính sách, mà còn phải thay đổi tư duy, hành động của các tổ chức và doanh nghiệp.
Tài chính xanh: Việt Nam 'đi trước về sau'
(VNF) - “Sau khi tổng kết giai đoạn 2010 – 2020 về thực hiện chiến lược xanh quốc gia, về cơ bản, Việt Nam mới chỉ làm được 1/4 kế hoạch đề ra. Những gì chúng ta đã làm được chủ yếu chỉ là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, còn phần thực thi thì hầu như không có gì”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho biết.
Phó Thống đốc NHNN: Dư nợ tín dụng xanh đã đạt hơn 636.000 tỷ đồng
(VNF) - Theo thông tin từ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tính đến ngày 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với giá trị 636.964 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
'Thúc đẩy tài chính xanh là ưu tiên dài hạn của UBCKNN'
(VNF) - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương khẳng định việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của UBCKNN. Trong đó, phát triển thị trường vốn xanh là một trong những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị
(VNF) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi để đủ điều kiện huy động vốn xanh. Tuy nhiên, trong quá trình này, DN phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí là ngay từ khi khâu chuẩn bị.