Thực hư chuyện Vietcombank trả thu nhập bình quân mỗi nhân viên 35 triệu đồng/tháng
Kình Dương -
23/01/2018 12:18 (GMT+7)
(VNF) - Mức thu nhập bình quân mỗi nhân viên Vietcombank được trả lên đến 35 triệu đồng/tháng hiện đang gây xôn xao trong giới ngân hàng bởi con số được đánh giá là quá lớn so với thực tế và tăng bất thường.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tổng chi phí cho nhân viên (tổng quỹ lương) năm 2017 của Vietcombank ở mức 6.732 tỷ đồng; trong đó chi lương và phụ cấp là 6.288 tỷ đồng, các khoản chi đóng góp theo lương là 308 tỷ đồng, còn lại là các khoản chi khác.
Đầu năm 2017, Vietcombank có 15.615 nhân viên; con số cuối năm là 16.227 nhân viên. Như vậy, bình quân năm qua Vietcombank có khoảng 15.900 nhân viên.
Với quỹ lương 6.732 tỷ đồng và 15.900 nhân viên, bình quân mỗi nhân viên Vietcombank được trả mức thu nhập lên đến trên 35 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập bình quân này hiện đang gây xôn xao trong giới ngân hàng bởi con số được đánh giá là quá lớn so với thực tế. Ngay cả khi so với mức thu nhập bình quân 9 tháng đầu năm 2017 của Vietcombank là 28 triệu đồng/tháng, con số của cả năm 2017 cũng là quá lớn và tăng bất thường.
Tính ra, riêng trong 3 tháng cuối năm 2017, mức thu nhập bình quân mỗi nhân viên Vietcombank được trả lên đến gần 57 triệu đồng/tháng.
Số liệu thì không thể sai. Vậy vì sao có "nghịch lý" này? Có một vài nguyên nhân.
Nguyên nhân đầu tiên, muôn thủa, là câu chuyện thứ bậc lương. Câu chuyện này xảy ra ở tất cả các ngân hàng, khiến cho mức lương khi chia bình quân rất lớn, trong khi đa phần nhân viên thực nhận ít hơn nhiều.
Vì là lương bình quân, nên giả dụ với 1 giám đốc lương 100 triệu đồng/tháng và 10 nhân viên lương 10 triệu/tháng thì lương bình quân mỗi nhân viên chính thức sẽ là 18 triệu đồng/tháng, cao hơn hẳn mặt bằng lương 10 triệu đồng/tháng mà đa số "banker" được nhận.
Ngoài ra, tổng quỹ lương chi cho nhân viên là bao gồm cả các khoản chi đóng góp theo lương, nghĩa là bao gồm cả các khoản Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều nhân viên còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Sau khi trừ đi các khoản khấu trừ này, mức thu nhập thực tế bị giảm đi tương đối so với mức lương trên lý thuyết.
Tuy nhiên, 2 nguyên nhân trên là 2 nguyên nhân chung xảy ra ở tất cả các ngân hàng, không đủ để lý giải cho trường hợp thu nhập tăng bất thường của Vietcombank.
Vấn đề nằm ở cách tính thu nhập bình quân.
Thu nhập bình quân nhân viên hầu hết được tính theo cách lấy tổng quỹ lương chia cho số lượng nhân viên. Tuy nhiên, thông thường, số lượng nhân viên ghi tại báo cáo tài chính của các ngân hàng là nhân viên chính thức, nghĩa là không bao gồm nhân viên chưa chính thức (đang trong thời gian thử việc, đang là tập sự, đang là cộng tác viên…).
Nếu lượng nhân viên chưa chính thức lớn, rõ ràng cách tính thu nhập bình quân như trên sẽ sai lệch đi rất nhiều.
Cách tính thu nhập bình quân kiểu truyền thống này hiện đang tỏ ra lỗi thời, bởi hoạt động bán lẻ tại các ngân hàng đang phát triển với tốc độ rất nhanh; trong khi đặc thù của hoạt động này là sử dụng một lượng lớn cộng tác viên.
Chẳng hạn như trường hợp Vietcombank, dư nợ cho vay bán lẻ năm 2017 đã chiếm đến 41% tổng dư nợ cho vay và định hướng sẽ vượt 50% vào năm 2018. Định hướng này cũng kéo Vietcombank phải tuyển dụng lượng lớn cộng tác viên. Đơn cử tháng 9/2017, Vietcombank đã thông báo nhận hồ sơ tuyển dụng cộng tác viên với số lượng lên tới 619 chỉ tiêu tại 94 chi nhánh trên toàn hệ thống.
Đối với các nhân viên mới, năm qua, Vietcombank đã đăng tin tuyển dụng đến cả nghìn người, từ hội sở chính đến các chi nhánh. 2 đợt tuyển dụng tập trung lớn nhất (tuyển dụng cho 94 chi nhánh) là đợt 2 (tháng 7/2017) với 404 chỉ tiêu và đợt 4 (tháng 11/2017) với 332 chỉ tiêu.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.