Thực hư thông tin xử phạt người dùng smartphone không cài Bluezone

Ngọc Lưu - 01/06/2021 07:08 (GMT+7)

(VNF) - Việc xử phạt có thể được áp dụng với người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh (smartphone) nhưng không cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone).

VNF
Người dân có smartphone phải cài đặt Bluezone đến nơi công cộng.

Bộ Y tế mới đây đã ban hành quyết định hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các ứng dụng phục vụ việc khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm có: ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn, ứng dụng Bluezone và ứng dụng NCOVI.

Theo đó, người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.

Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone);

Đồng thời, sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.

Đáng chú ý, trong quyết định này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử phạt các trường hợp có smartphone nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

Thông tin này khiến nhiều người dân hiểu nhầm việc nếu sử dụng smartphone nhưng không cài Bluezone sẽ bị xử phạt.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết với trường hợp khi đến những nơi đông người, nơi công cộng thì người dân bắt buộc phải cài đặt ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth, còn khi ở nhà hoặc những nơi không đông người thì không nhất thiết.

Về việc xử phạt, theo ông Nam, việc này sẽ phụ thuộc vào tình hình tại các địa phương về nguy cơ và diễn biến dịch bệnh. Từ đó, UBND các tỉnh/thành phố sẽ tự quyết định việc có xử phạt hay không.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng chỉ áp dụng đối với người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; nơi tập trung đông người như trụ sở làm việc; khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; quán bar; vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn (theo quy định của ban tổ chức hoặc người có thẩm quyền triệu tập)...

Bên cạnh đó là tại các bệnh viện, các cơ sở y tế; chung cư; trường học; nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu; đám tang, đám cưới; địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; khu tâm linh...

Trước đó, vào đợt dịch hồi tháng 8/2020, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cũng từng thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.

Thống kê từ Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tính đến 17h ngày 28/5, tổng số lượt tải Bluezone đã đạt 33,86 triệu và có khoảng 20,8 triệu lượt cung cấp số điện thoại cho các cơ quan chức năng phục vụ công tác chống dịch.

Cùng chuyên mục
Tin khác