Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không giảm hại hay giúp cai nghiện
(VNF) - TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, cho rằng các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLDT, TLNN) không có tác dụng giảm hại hay cai nghiện như ngành công nghiệp thuốc lá tuyên bố.
TLNN, TLDT không giảm hại so với thuốc lá thông thường
Ngày 3/10, phát biểu tại Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về tăng cường năng lực thực triển khai thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam (FCTC) và Điều 5.3 FCTC tại Việt Nam, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa cho biết các tập đoàn thuốc lá thường truyền thông theo hướng đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hoặc dùng loại thuốc lá thông thường hay dùng thuốc lá điện tử/ thuốc lá nung nóng.
Theo ông Khoa, các tập đoàn thuốc lá thường đưa ra hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường bằng việc sử dụng thuốc lá nung nóng (TLNN). Tuy nhiên, TLDT, TLNN không có tác dụng giảm hại hay cai nghiện như trong một số tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá.
Theo chuyên gia, từ nhiều thập niên trước, các công ty thuốc lá tuyên bố "đầu lọc của điếu thuốc" là những đột phá về công nghệ cho đến thuốc lá "nhẹ - light - mild" và "ít hắc ín - low tar", thực tế hơn 60 năm qua, ngày càng nhiều người hút thuốc hơn, ít người bỏ thuốc hơn, đồng thời gây ra nhiều tử vong hơn.
Tương tự tuyên bố "Thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường" là không có bằng chứng khoa học. Thông tin "giảm hại" này dựa trên ý kiến của một nhóm nhỏ các chuyên gia, được dựa trên cơ sở một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá và không đảm bảo cơ sở khoa học.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới tăng nhanh
Trên thực tế tại Việt Nam, các nghiên cứu gần đây cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là trong giới trẻ. Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy: Chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
TS.BS Khoa cũng khẳng định tất cả các loại thuốc lá đều có hại, thành phần chính là nicotine. Với thuốc lá điếu, chúng ta có kiểm soát được lượng nicotine vào cơ thể, còn thuốc lá mới thì không, mức độ gia tăng nghiện rất nhanh. Các sản phẩm này cũng có mẫu mã phong phú, thu hút, hấp dẫn giới trẻ, đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ hút thuốc lá điện tử tăng nhanh chóng.
"Chúng ta trầy trật gần 10 năm mới giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nhóm tuổi 13-17 từ 5,36% xuống 2,78%. Mức độ gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử cũng rất nhanh. Điều tra ở nhiều nước và ở Việt Nam cho thấy sau 2 năm, tỷ lệ này tăng gấp đôi. Đây là điều đáng lo ngại nhất của chúng tôi", TS Khoa trăn trở.
Nghiên cứu mới được của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies mới công bố cho thấy, trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam.
Kết quả 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.
Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.
Cần thực hiện nghiêm Công ước khung (FCTC)
ThS Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã tham gia công ước khung về kiểm soát thuốc lá gần 20 năm, trong đó điều 5.3 có nội dung về việc khi quy định các chính sách không bị lợi ích về thương mại và các lợi ích khác tác động, đồng thời phù hợp với quy định của quốc gia.
"Vừa qua, có một số bác sĩ tham gia một số hội thảo do ngành công nghiệp thuốc lá đứng sau tài trợ, bác sĩ vô tư không biết việc làm của mình đã vi phạm điều 5.3 công ước khung. Ranh giới về việc có lợi ích nhóm, cục bộ cực khó. Quan điểm của Bộ Y tế là đặt lợi ích chung, lợi ích của tập thể lên hàng đầu, trong xây dựng chính sách"- bà Đinh Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Đinh Thị Thu Thuỷ cũng cho biết thêm, Bộ Y tế luôn thận trọng và lưu ý khi làm các chính sách pháp luật có sự mâu thuẫn lợi ích y tế công cộng và liên quan đến lợi ích doanh nghiệp. Đặc biệt liên quan đến các chính sách liên quan đến kiểm soát thuốc lá vì Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
"Hiện nay Bộ Y tế đang tham gia xây dựng một số chính sách, đó là đề nghị sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại thuốc lá mới, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, nhất là giới trẻ, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng", bà Đinh Thị Thu Thuỷ nói.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại các quốc gia, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, chúng ta đang đối mặt vấn đề nghiêm trọng đó là giới trẻ có hành vi mới là sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, các sản phẩm này không chỉ chứa nicotine là chất độc mà còn là môi trường tốt để kẻ xấu trộn ma tuý tổng hợp để kiếm lợi trên trẻ nhỏ.
"Chúng ta cần ý thức nguy cơ đang đến để ngăn chặn nguy cơ với giới trẻ, trong đó có con em chúng ta", BS Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Lâm, các sản phẩm thuốc lá đang gây ra số ca tử vong rất lớn, gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, chiếm 14% số tử vong trên thế giới. Một điểm rất quan trọng là số tử vong này hoàn toàn có thể tránh được, 8 triệu ca tử vong này lẽ ra không xảy ra nếu chúng loại trừ được sản phẩm thuốc lá.
Chuyên gia WHO cũng thông tin: Thuốc lá cũng liên quan đến 11 loại ung thư khác nhau, trong đó chủ yếu là ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi là bệnh ung thư đứng hàng đầu ở nam giới. Hút thuốc lá thụ động cũng rất nguy hiểm, gây ra tới 11 triệu ca tử vong, phụ nữ chiếm đa số, trẻ em cũng là nạn nhân.
Lưu ý Việt Nam cần tăng cường thực hiện Điều 5.3 của Công ước này, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm chỉ rõ 6 hình thức can thiệp của Ngành Công nghiệp thuốc lá trên thế giới: Đó là mua chuộc ngầm hoặc công khai các quá trình xây dựng chính sách pháp luật; Thổi phồng về vai trò của ngành công nghiệp thuốc lá; Bóp méo các luồng ý kiến công chúng nhằm tạo hình ảnh doanh nghiệp tốt; Dựng lên các nhóm bề mặt để gây ảnh hưởng; Tìm cách làm giảm giá trị các bằng chứng nghiên cứu; Tìm cách hăm dọa các chính phủ bằng các vụ kiện thương mại ở cấp quốc tế.
Tổ chức Y tế thế giới hướng dẫn thực hiện Công ước khung với các khuyến cáo: Cần tăng cường nhận thức về các can thiệp của Ngành Công nghiệp thuốc lá, hạn chế tương tác với Ngành Công nghiệp thuốc lá và phải minh bạch, từ chối các thỏa thuận hợp tác hay là tự nguyện, tránh mâu thuẫn lợi ích cho các cán bộ Chính phủ, thông tin minh bạch, chính xác, trách nhiệm, kiểm soát hoạt động trách nhiệm của doanh nghiệp; Cấm ưu đãi cho công nghiệp thuốc lá, đặc biệt nhấn mạnh ngành công nghiệp thuốc lá không thể là đối tác trong bất kỳ sáng kiến nào liên quan tới việc xây dựng, triển khai chính sách y tế công cộng vì lợi ích của nó xung đột trực tiếp với mục tiêu của y tế công cộng.
Việt Nam cần sớm có chiến lược đối phó 'đại dịch' thuốc lá mới
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.