Xe

Thương hiệu ô tô nào mang về doanh thu và lợi nhuận nhiều nhất cho Savico?

(VNF) - Toyota, Ford và Hyundai là 3 thương hiệu mang lại lợi nhuận cao nhất cho Savico, với mức tăng trưởng lần lượt là 47%, 224% và 151% so với năm 2021.

Thương hiệu ô tô nào mang về doanh thu và lợi nhuận nhiều nhất cho Savico?

Thương hiệu ô tô nào mang về doanh thu và lợi nhuận nhiều nhất cho Savico?

Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HoSE: SVC) là một trong những đại lý phân phối ô tô, xe máy lớn nhất và có thâm niên lâu đời trên thị trường. Công ty hiện đang phân phối nhiều thương hiệu ô tô như Toyota, Ford, Hyundai, Chevrolet, Volvo, Fuso, Mitsubishi, Honda, Suzuki,…

Theo thông tin được công bố, doanh thu hợp nhất cả bán hàng và dịch vụ của mảng ô tô của Savico đạt 20.975 tỷ đồng, tương đương 900 triệu USD, tăng 59% so với mức thực hiện năm 2021. Doanh thu của Savico vượt 25% kế hoạch đề ra, trong đó doanh thu bán xe mới đạt 19.464 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ đạt 1.511 tỷ đồng.

Về cơ cấu doanh thu năm 2022, thương hiệu Toyota chiếm 37,7% (cùng kỳ là 43,2%), Ford chiếm 28,4% (cùng kỳ là 28,6%), Hyundai (PC) chiếm 11,2% (cùng kỳ là 9,5%), Mitsubishi tách thành nhóm lớn với tỷ trọng chiếm 5,5%, xe du lịch các thương hiệu khác chiếm 9% (cùng kỳ 10,6%), xe thương mại chiếm 8,2% (cùng kỳ là 7,6%) tổng doanh thu bán hàng và dịch vụ hợp nhất.

Về sản lượng, năm 2022, sản lượng tiêu thụ ô tô của các thương hiệu mà Savico phân phối lần lượt là Toyota (17.628 xe, tăng 40%), Ford (9.246 xe, tăng 21%), Hyundai (4.199 xe, tăng 31%), Mitsubishi (4.213 xe, tăng 110%), VinFast (866 xe, tăng 36%), Honda (588 xe, tăng 19%), Suzuki (1.782 xe, tăng 30%), Volvo (1.465 xe, tăng 69%), Nissan (219 xe), MG (135 xe), một số dòng xe thương mại (2.493 xe, tăng 23%).

Như vậy, đóng góp lớn nhất vào doanh thu và sản lượng của Savico là 2 thương hiệu Toyota và Ford.

Về lợi nhuận, lãi gộp từ hoạt động bán xe của Savico năm 2022 đạt 1.303 tỷ đồng, tăng mạnh 136% so với cùng kỳ do đã tận dụng tốt cơ hội thị trường phục hồi mạnh sau Covid-19 bất chấp tình trạng khan hàng, sức mua ô tô tăng trưởng mạnh đặc biệt dưới tác động của chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe CKD trong 5 tháng đầu năm, cùng với sức hút của hàng loạt xe mới ra mắt cũng như phiên bản nâng cấp; sự tăng trưởng của các đơn vị xe thương mại; cũng như đẩy mạnh hoạt động M&A để gia tăng lãi gộp.

Về cơ cấu lợi nhuận theo thương hiệu xe, Toyota đạt 374 tỷ đồng, tăng 47%; Ford đạt 486 tỷ đồng, tăng 224%; Hyundai đạt 113 tỷ đồng, tăng 151%; Mitsubishi đạt 96 tỷ đồng và xe du lịch các thương hiệu khác đạt 126 tỷ đồng, tăng 129%; xe thương mại đạt 106 tỷ đồng, tăng 130%.

Như vậy, Toyota, Ford và Hyundai là 3 thương hiệu mang lại lợi nhuận cao nhất cho Savico trong năm 2022.

Năm 2023, Savico lên kế hoạch doanh thu đạt 29.672 tỷ đồng, tăng 39% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt hơn 438 tỷ đồng, sụt giảm ở mức 22%.

Savico dự báo thị trường ô tô năm 2023 sẽ sôi động với đa dạng sự lựa chọn, dự báo tăng trưởng 7-8%. Các hãng xe ô tô đều đặt mục tiêu giữ và gia tăng thị phần, nguồn cung dự kiến sẽ ổn định trở lại sau 2 năm biến động do dịch bệnh.

Savico cho biết các hãng xe sẽ chuyển nhiều dòng xe chủ lực sang lắp ráp trong nước nhằm ổn định nguồn cung, nhiều thương hiệu dự kiến ra mắt nhiều sản phẩm mới trong năm 2023. Trong đó, xe điện sẽ tiếp tục gây được nhiều sự chú ý của người tiêu dùng với nhiều mẫu xe điện được giới thiệu trong nước từ đầu năm 2023.

Về thách thức của thị trường, ngoài những biến động vĩ mô, Savico cho biết biến động về mặt tài chính cũng như thị trường bất động sản vẫn chưa kết thúc khiến người dân giảm chi tiêu mua sắm, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.

Giá bán xe được điều chỉnh tăng do tỷ giá tăng và chi phí đầu vào tăng (năng lượng, hàng hóa, nhiên liệu, các nguyên liệu bán dẫn…). Các nhà sản xuất đẩy mạnh việc mở rộng đại lý mới, các thương hiệu mới tham gia thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh, sự phát triển mạnh của các thương hiệu Savico không tham gia hoặc tham gia phân phối còn hạn chế (KIA, Mazda, Vinfast…).

Đồng thời, các hãng xe chạy đua doanh số, cạnh tranh mạnh về giá, thị phần… dẫn đến giảm lãi gộp. Nguồn cung các thương hiệu xe thương mại bị ảnh hưởng bởi phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO 5.

Ngoài ra, lãi suất vay tăng cao, ngân hàng thắt chặt cho vay, siết chặt điều kiện cho vay sẽ làm sức mua sụt giảm, áp lực lớn về tồn kho ít nhất trong 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính tăng cao.

Từ khoá: Savico, SVC, Toyota, Ford, Hyundai,
Tin mới lên