Thủy sản Hùng Vương thoái vốn tại hai công ty con

Phương Anh - 13/06/2019 15:21 (GMT+7)

Thủy sản Hùng Vương quyết định thoái một phần vốn tại Thủy sản An Giang và toàn bộ 90% vốn tại Hùng Vương Bến Tre.

VNF
Thủy sản Hùng Vương (HoSE: HVG) quyết định thoái vốn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HoSE: AGF).

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hùng Vương (HoSE: HVG) vừa quyết định thoái vốn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HoSE: AGF).

Cụ thể, Hùng Vương dự kiến thoái vốn toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre là 180 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 90%. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong vòng 30 ngày kể từ khi ban hành nghị quyết này.

Thoái một phần vốn tại Thủy sản An Giang để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn dưới 50%. Hiện tại, Hùng Vương nắm giữ hơn gần 80% vốn tại công ty này.

Đây không phải là lần đầu mà Hùng Vương bán các khoản đầu tư của mình. Năm tài chính 2018, Hùng Vương đã phải giải thể và bán đất tại Công ty Cổ phần Địa ốc An Lạc, chuyển nhượng cổ phần tại Thực phẩm Sao Ta, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, chấp nhận bán Kho lạnh 2 Tân Tạo và mới đây nhất là thoái toàn bộ 51% vốn tại Hùng Vương Sông Đốc hồi tháng 5.

Tính đến 31/3, Hùng Vương có 8 công ty con. Trong đó, doanh nghiệp nắm giữ 90% cổ phần tại Hùng Vương Bến Tre (sản xuất và chế biến thủy sản) và 79,58% vốn XNK Thủy sản An Giang (sản xuất và xuất khẩu thủy sản).

Dù đẩy mạnh việc bán tài sản nhưng khó khăn vẫn đang bủa vây Hùng Vương. Công ty nhận kết quả đáng thất vọng từ đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) tại Mỹ với mức thuế lên đến 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).

Kết thúc nửa năm tài chính 2019, tổng giá trị nợ vay của Hùng Vương đạt 3.088 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn 2.964 tỷ đồng.

Trong đó, Hùng Vương vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hơn 2.000 tỷ đồng, vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 600 tỷ đồng đến hạn trả nhưng chưa thanh toán. Hùng Vương cho biết đã có công văn xin Vietcombank chấp thuận giãn hạn thời gian thanh toán nợ gốc trong vòng 8 năm tiếp theo.

Kiểm toán viên cũng đưa ý kiến ngoại trừ về khoản lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2019 gần 528 tỷ đồng, và lỗ thuần trong kỳ kế toán 6 tháng kết thúc cùng ngày là 112 tỷ đồng, cùng với những vấn đề khác khiến Kiểm toán ghi nhận sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác