Tiến độ giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam: Nguy cơ ‘hụt hơi’ vì thiếu nhà thầu

Nam Phương - 01/08/2022 17:20 (GMT+7)

(VNF) - Đồng loạt 20 nhà thầu vừa ký vào văn bản kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020.

VNF
Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam đang "hụt hơi' vì bão giá nguyên vật liệu

Vật liệu đua nhau đội giá, nhà thầu ngao ngán

Trong văn bản được gửi đi, kiến nghị lớn nhất đó là khi ký hợp đồng thì giá các vật tư, nhiên liệu đều ở “mức đáy”, thế nhưng ngay sau khi khởi công, các nhà thầu phải đối mặt tình trạng nhiều loại vật liệu chính tăng đột biến, ảnh hưởng triển khai việc thực hiện, làm chậm tiến độ dự án trọng điểm quốc gia.

Bão giá NVL

Cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn về giá vật liệu cho nhà thầu cao tốc Bắc - Nam

Từ cuối tháng 2/2022 đến nay, giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến các gói thầu đang triển khai, cụ thể: đất đắp tăng 30 - 50%; cát vàng tăng 15 – 40%; nhựa đường tăng 35 – 50%; bê-tông nhựa tăng 20 – 55%; thép tăng 40 – 50%; xi măng tăng 20 – 35%… đặc biệt dầu diesel tăng 138 – 163%.

Việc liên tục xác lập mặt bằng giá mới trên thị trường đã làm cho đơn giá thanh toán khối lượng hoàn thành theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu. Mặt khác, đơn giá vật tư do địa phương công bố không đáp ứng yêu cầu thực tế nên nhà thầu càng làm càng lỗ.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc điều hành dự án, công ty CIENCO4 chia sẻ, so với dự toán ban đầu thì chắc chắn công ty đã lỗ, vì giá nhiên liệu dự thầu ban đầu chỉ 14 – 15 nghìn đồng/lít, hiện nay dầu đã gần 30 nghìn/lít.

Để theo kịp tình hình, nhiều địa phương đều đã có điều chỉnh và công bố chỉ số giá để các chủ đầu tư có căn cứ bù giá. Tuy nhiên, chỉ số giá vẫn không theo kịp thị trường, vẫn thấp hơn so với giá thực tế nên nhà thầu vẫn lỗ. Đơn cử tại Ninh Bình, gói thầu tuyến Mai Sơn – QL45, doanh nghiệp Xuân Trường cho biết chỉ số công bố giá thấp hơn nhiều so với thực tế đang gây khó khăn cho đơn vị khi triển khai gói thầu.

Theo ông Ngô Văn Phúc, Phó giám đốc điều hành dự án, doanh nghiệp Xuân Trường cho biết, nhà thầu thi công gói thầu số 10 gặp khó khăn lớn nhất hiện nay là tình hình giá cả vật liệu tăng đột biến. Việc điều chỉnh giá dựa trên chỉ số giá và công bố giá của tỉnh hiện nay không bám sát kịp so với giá biến động trên thị trường.

Giá nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường so với thời điểm đấu thầu tăng từ 20 – 40% nhưng chỉ số công bố giá của tỉnh chỉ tăng 15 – 20% gây khó khăn cho nhà thầu, ông Phúc cho biết thêm.

Nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện nay, tiến độ cao tốc Bắc – Nam có nguy cơ “vỡ trận”, hệ lụy là việc triển khai giai đoạn 2 (2021 – 2025) của dự án có thể sẽ “hụt hơi” vì thiếu nhà thầu.

Cách nào tháo gỡ khó khăn?

Nhận diện khó khăn trong giai đoạn “bão giá”, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm tháo dỡ khó khăn cho nhà thầu, tránh tình trạng cầm chừng, tâm lý chờ giá xuống ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Trên thực tế, chi phí nguyên vật liệu công trình thường chiếm 40 – 70% tổng giá trị dự toán công trình nên có tính quyết định giá trị hợp đồng. Vì vậy, khi giao thầu thường đề cập vấn đề điều chỉnh giá vật liệu, nhà thầu tương đối yên tâm khi giá có biến động.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, 5 chủng loại vật tư chính là đất, đá, sỏi, cát và thép tăng đột biến đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 – 1,4 lần. Đơn giá địa phương điều chỉnh chưa như kỳ vọng, nhà thầu vẫn lỗ nặng, một số đã không thể tiếp tục thi công. Việc xác định định mức ban hành tiêu chuẩn về giá rất quan trọng để các địa phương có phương án thống nhất.

Hiện nay, các Sở Xây dựng địa phương ban hành biểu giá, đơn giá vật liệu và thường không cập nhật kịp. "Chúng tôi kiến nghị có đơn giá khu vực, giao Bộ Xây dựng đứng ra chủ trì, để khách quan, không tác động ngân sách của tỉnh", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết.

Theo các chuyên gia, việc thực hiện các công trình trọng điểm cần đảm bảo lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước quản lý chống thất thoát vốn là cần thiết, nhưng trên thực tế, nếu do yếu tố khách quan thì cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Cùng với đó, đưa các biến số về sự thay đổi giá cả, sự thay đổi do lạm phát vào trong dự án để kịp thời phản ánh biến động đó vào biến động giá trị dự án, kể cả dự án tổng thể và thành phần, có như vậy mới đảm bảo thực hiện thanh quyết toán cũng như triển khai dự án đồng bộ, đúng tiến độ.

Khi đã đấu thầu, đã ký hợp đồng, không có doanh nghiệp nào muốn làm để lỗ. Trách nhiệm chủ quan của nhà thầu thì đã rõ, nhưng với những rủi ro khách quan từ những bất ổn không lường trước thì việc điều chỉnh lại cho phù hợp, đúng quy định là hoàn toàn hợp lý. Điều này rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan hữu quan.

Cùng chuyên mục
Tin khác