Tài chính

TIG khó cán đích lợi nhuận năm 2020 với dự án Vườn Vua?

(VNF) - Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) cần có sự bứt phá "ngoạn mục" tại quý IV với trọng tâm là dự án Vườn Vua Resort & Villas. Dẫu vậy, kết quả này vẫn là "ẩn số" khi khu biệt thự sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng này đang vướng "lùm xùm" về mặt pháp lý...

TIG khó cán đích lợi nhuận năm 2020 với dự án Vườn Vua?

TIG khó có thể 'cán đích' lợi nhuận năm 2020 với dự án Vườn Vua?

Doanh thu quý III của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG) đã tăng đến 95% so với cùng kỳ 2019, đạt trên 134 tỷ đồng.

Khấu trừ đi giá vốn gần 98 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của TIG đạt hơn 36 tỷ đồng, tăng 122%. Biên lãi gộp cải thiện từ 24% nâng lên 27%.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm 88% xuống còn 1,3 tỷ đồng, do công ty không còn nguồn thu lãi chuyển nhượng cổ phần giống như cùng kỳ năm trước (10 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang ở mức 3,3 tỷ đồng thì chi phí bán hàng của TIG lại tăng gấp "hàng nghìn" lần lên 16 tỷ đồng (cùng kỳ vỏn vẹn 34 triệu đồng).

Sự chênh lệch đáng kể này đã ăn mòn lợi nhuận của công ty, kết quả là TIG báo lãi trước thuế giảm 25% so với quý III/2019, chỉ còn 17,6 tỷ đồng.

Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi sau thuế còn 14,2 tỷ đồng, giảm 25%.

Lũy kế 9 tháng, mặc dù doanh thu thuần tăng 26% lên 255,5 tỷ đồng, tuy nhiên do thiếu hụt doanh thu tài chính và khoản chi phí bán hàng tăng đột biến, TIG vẫn báo lãi sau thuế giảm 26%, đạt gần 40 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2020, TIG mới hoàn thành 35% mục tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, để "cán đích" trong năm nay, công ty buộc phải có một mùa kinh doanh cuối năm "bội thu".

Được biết, hồi cuối tháng 9, công ty bắt đầu khởi động mở bán đợt 1 dự án Vườn Vua Resort & Villas (Phú Thọ) với tổng số 166 căn biệt thự.

Đây là dự án trọng điểm của TIG, có tổng mức đầu tư lên tới 1.400 tỷ đồng do Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ là chủ đầu tư (TIG nắm giữ 60% vốn).

Ban lãnh đạo TIG cho biết, tại dự án Vườn Vua Resort & Villas, công ty vận dụng chiến lược đầu tư linh hoạt, "lấy ngắn nuôi dài" bằng việc đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm đưa vào khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, cho thuê biệt thự... tạo doanh thu dòng tiền ngắn hạn phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho chiến lược bán bất động sản du lịch sau này.

Tính tại ngày 30/9/2020, nguồn thu khách hàng mua biệt thự tại dự án Vườn Vua chỉ đem lại cho công ty 83,7 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn - có thể ghi nhận là doanh thu trong tương lai.

Có thể thấy TIG đặt khá nhiều kỳ vọng vào dự án khu nghỉ dưỡng quy mô 86ha tại Phú Thọ, song hiệu quả đem lại chưa thực sự cao, đặc biệt trong bối cảnh dự án Vườn Vua vẫn đang dính "lùm xùm" về thủ tục pháp lý liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho các biệt thự nghỉ dưỡng, khiến sức mua giảm sút.

Bên cạnh đó, sự phình to của chi phí bán hàng trong giai đoạn mở bán dự án Vườn Vua làm giảm lợi nhuận sau thuế cũng là vấn đề mà TIG cần lưu tâm, nếu công ty quyết tâm hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay.

Năm 2012, Thăng Long Phú Thọ được UBND tỉnh Phú Thọ cho thuê 866.889m2 đất và mặt nước cố định tại các xã Đồng Luận, Trung Thịnh và Trung Nghĩa (huyện Thanh Thủy) để thực hiện đầu tư xây dựng dự án Vườn Vua.

Theo đó, nhà nước cho thuê đất và mặt nước cố định trả tiền thuê hàng năm, thời hạn thuê 50 năm kể từ ngày 4/9/2012. Trong đó, đất sản xuất kinh doanh là 223.336,4m2 với đơn giá hơn 1.080 đồng/m2/năm. Đất nuôi trồng thủy sản 98.532,8m2 và mặt nước cố định là 545.019,8m2 cùng được thuê với đơn giá 345 đồng/m2/năm.

Tháng 3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CG030737 cho Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ (dự án Vườn Vua).

Tổng diện tích của dự án là hơn 86ha với 3 loại đất chính bao gồm đất thương mại dịch vụ, đất nuôi trồng thủy sản và đất mặt nước chuyên dùng, thời hạn sử dụng đều đến năm ngày 4/9/2062.

Tại thời điểm kết quý III/2020, nợ phải trả của tập đoàn tăng 53% so với cuối năm 2019, lên mức 433 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu tăng gần 40 tỷ đồng nhờ khoản lãi sau thuế, tổng nguồn vốn của TIG tăng gần 13% lên 1.690 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản của TIG, chiếm phần lớn là 94 tỷ đồng tiền mặt, các khoản phải thu ngắn hạn là 489 tỷ đồng và hàng tồn kho là 231 tỷ đồng. Còn lại là khoản "đầu tư tài chính dài hạn", tập trung ở 3 công ty liên kết là Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Thành (108 tỷ đồng) và Đầu tư HDE Holdings (146 tỷ đồng) và Công nghệ Xanh TIG-HDE (93 tỷ đồng).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/11, cổ phiếu TIG giao dịch trong vùng 5.600 đồng/cổ phiếu, giảm 18% so với cuối quý II. Khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần đây đạt 500.000 đơn vị.

Tin mới lên